Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua khai thác dịch vụ gia tăng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc đua khai thác dịch vụ gia tăng

MobiFone đang trình diễn các dịch vụ mới.

(TBVTSG) – Các nhà cung cấp dịch vụ di động đang chạy đua khai thác các dịch vụ nội dung để giữ chân khách thuê bao và thu hút cộng đồng sử dụng. Điều này đã thổi luồng sinh khí mới vào thị trường dịch vụ nội dung vốn buồn tẻ lâu nay.  

Cuộc chạy đua về dịch vụ nội dung giữa các mạng đã thật sự đến giai đoạn “nóng”. Điều này được kỳ vọng sẽ kích thích mạnh mẽ thị trường và đón đầu mạng băng thông rộng 3G sắp tới.

Theo các chuyên gia trong ngành, khu vực này chưa thể mang đến cho các nhà cung cấp nhiều lợi nhuận nhưng trong tương lai, đây là nguồn doanh thu chính, vì thế các mạng đang chạy nước rút để thu hút cộng đồng.

Dự báo trong bốn năm đầu, các dịch vụ từ mạng 3G sẽ mang đến doanh thu 1,2 tỷ đô-la Mỹ cho các nhà cung cấp, trong đó chủ yếu là dịch vụ nội dung.

Tiện ích mới  

Mới tuần trước, S-Fone giới thiệu thêm nhiều dịch vụ tiện ích mới trên đầu số 9×99, như dịch vụ tra cứu thông tin về xe buýt, về mạng S-Fone. Khách hàng của S-Fone có thể tra cứu lịch trình di chuyển, tuyến và các thông tin cần thiết về mạng lưới xe buýt của thành phố.

Với dịch vụ thông tin S-Fone, bằng tin nhắn, khách thuê bao sẽ có được tất cả những thông tin về gói cước, trung tâm bảo hành, địa điểm đóng cước, vùng phủ sóng, giá máy, chức năng máy, các cửa hàng trực tiếp của S-Fone trên toàn quốc…  

S-Fone trước đó cũng tung ra một loạt dịch vụ khác như tra cứu thông tin bóng đá, kết quả xổ số,  dịch vụ hẹn hò, chơi game với hàng loạt trò chơi hấp dẫn được cung cấp bởi GameLoft – nhà phát triển và cung cấp trò chơi cho điện thoại di động hàng đầu thế giới…

Mạng này trước đây đã cùng với Qualcomm công bố triển khai dịch vụ BREW (Binary Runtime Environment for Wireless) tại Việt Nam. Theo đó, S-Fone sẽ cung cấp nhiều ứng dụng và nội dung khác nhau trên điện thoại di động tích hợp BREW như tra cứu thông tin, giáo dục trực tuyến, giám sát video và các dịch vụ kinh doanh, truyền hình di động…  

Việt Nam hiện có hơn 17 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ miễn phí Yahoo! Messenger, chính vì đối tượng này mà các mạng di động đã tập trung kết nối với nhà cung cấp thứ ba để tìm kiếm khách hàng. GapIT đã kết hợp với Viettel, S-Fone, EVN Telecom, MobiFone, tung ra dịch vụ chat Yahoo! bằng điện thoại di động, nhận lời nhắn, thêm/bớt danh sách bạn bè…  

Với dịch vụ này, khách thuê bao mạng GSM đăng nhập vào tài khoản Yahoo! Messenger trên điện thoại di động có cài đặt GPRS, khách thuê bao mạng CDMA có thể đăng nhập trực tiếp không cần cài đặt GPRS. Thậm chí, khách thuê bao cố định không dây của EVN Telecom cũng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ này.  

Ở khu vực dữ liệu, MobiFone trở thành mạng GSM đầu tiên đưa ra dịch vụ Fast Connect, cho phép khách hàng truy cập Internet bằng máy tính sử dụng băng thông rộng di động và gửi tin nhắn SMS trong phạm vi vùng phủ sóng của mạng MobiFone thông qua thiết bị EG162G hoạt động trên nền công nghệ GSM/GPRS/EDGE.  

Trước đó, năm 2007 S-Fone cũng trở thành mạng CDMA đầu tiên cung cấp dịch vụ này. Viettel và VinaPhone đã cung cấp dịch vụ gửi và nhận e-mail. Dịch vụ I-Mail của Viettel và EZMail của VinaPhone chỉ cung cấp được cho những khách hàng có máy kết nối GPRS nhưng cũng đáp ứng được một bộ phận người sử dụng nhất định.  

Các dịch vụ hỗ trợ lưu trữ dữ liệu điện thoại trên mạng cũng được VinaPhone công bố cho phép sử dụng miễn phí để sao lưu, đồng bộ hóa dữ liệu cá nhân trên điện thoại như: danh bạ, lịch làm việc, danh sách các việc cần làm, sổ ghi chép cá nhân… lên trang web VinaPortal và ngược lại.  

Các nhà cung cấp cũng hướng vào dịch vụ được đa số người sử dụng quan tâm là cung cấp các dịch vụ thông tin. LiveInfo của MobiFone tương tự như dịch vụ đọc tin RSS trên máy tính, sẽ tự động hiển thị thông tin trên màn hình điện thoại khi máy đang ở chế độ chờ và khách có thể đọc miễn phí tiêu đề tin, có thể kích hoạt để sử dụng hoặc bỏ qua. VinaPhone có InfoPlus, loại dịch vụ đăng ký sử dụng nội dung dài hạn. Viettel có dịch vụ “đọc báo giùm bạn”, cho phép khách hàng dùng điện thoại có kết nối GPRS để truy cập vào 10 trang báo mạng hàng đầu của Việt Nam.  

“Hệ sinh thái” cho dịch vụ di động  

Có thể thấy các nhà cung cấp hạ tầng di động chỉ bắt đầu quan tâm đến các loại hình dịch vụ này trong khoảng hai năm nay. Khi mà cuộc cạnh tranh thu hút khách thuê bao được xem là chủ yếu thông qua các chương trình khuyến mại thì dịch vụ nội dung mới được đẩy mạnh. Trong khi đó, “kẻ thứ ba” lặng lẽ hơn đã vào cuộc và tạo nên “hệ sinh thái” cho mạng di động – đó là các nhà cung cấp trung gian đã tạo nên mạng vệ tinh chung quanh mạng viễn thông, làm cho “nội dung” có sắc thái “thị trường” hơn.  

Nổi bật là GapIT với dịch vụ “nhắn tin để biết tắc đường”, thông tin cho người dân Hà Nội tình trạng các nút giao thông để tránh đi vào đó. Nhiều cái tên quen thuộc trong lĩnh vực này đã được người sử dụng biết đến như Alofun, Dalink, My Mobile, Galafun… Các dịch vụ dựa trên hệ thống định vị toàn cầu (GPS) là một phần không thể thiếu trong việc ứng dụng công nghệ vào đời sống. Vietmap cũng đã tung ra bản đồ số phiên bản dành cho điện thoại di động. Cả HTC và Samsung hiện đều tích hợp phần mềm bản quyền Vietmap vào các dòng máy sử dụng hệ điều hành Windows Mobile.  

FPT Telecom lâu nay đã tham gia vào thị trường này với khá nhiều dịch vụ thông qua các đầu số. Nhưng từ năm 2008, Mobile Labs đã được tổ chức nhằm tìm kiếm các sản phẩm có thể thương mại hóa ra thị trường. Cuộc thi đã nhận được những ứng dụng khá lý thú như Quản lý thu chi trực tuyến, Chat trên điện thoại di động, Từ điển trực tuyến, Karaoke trên điện thoại di động…  

Cuộc thi lập trình mã nguồn mở Moblin Vietnam cho các thiết bị di động do Intel hỗ trợ cũng nhận được sự hưởng ứng của Yahoo! với sự cam kết tạo nền tảng cho các nhà phát triển mạng tạo ra những công nghệ và ứng dụng mới dựa trên cơ sở hạ tầng của Yahoo!, từ đó nâng cao quy mô tiếp cận cho người sử dụng.  

Dù vậy, dịch vụ nội dung tại thị trường Việt Nam hiện được xem là còn ở mức cơ bản. Nhìn chung, các dịch vụ giá trị gia tăng do các công ty viễn thông cung cấp hiện nay chưa có sự khác biệt nhiều. Các tiện ích hiện đại nhất còn gặp nhiều rào cản về thanh toán, giá cước và hạn chế về hạ tầng băng thông.  

Năm dịch vụ được người sử dụng mong đợi gồm cuộc gọi có hình ảnh (video telephony), xem truyền hình di động, dịch vụ định vị toàn cầu, nghe nhạc trực tuyến di động và dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại đều chưa phổ biến. Nếu tính thêm những dịch vụ hiện đại hơn như dịch vụ tài chính, thanh toán, chia sẻ dữ liệu hay hát trên điện thoại… thì dịch vụ giá trị gia tăng sẽ là “hệ sinh thái” thúc đẩy mạng viễn thông phát triển và nâng cao khả năng thụ hưởng các giá trị mà nó mang lại cho xã hội.  

TUYẾT ÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới