Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc đua xuống đáy chiều lòng Amazon

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc đua xuống đáy chiều lòng Amazon

Nguyễn Phan

(TBKTSG) – Cuối cùng Amazon cũng chọn được trụ sở thứ nhì của họ: thay vì tập trung vào một địa điểm, trụ sở thứ hai của Amazon nay được chia đôi, một nửa đặt tại Arlington, Virginia, ngoại ô thủ đô Washington DC, nửa kia nằm ở Queens, New York. Chiến dịch chọn địa điểm làm trụ sở của Amazon, khởi động cách đây 14 tháng, đã biến cuộc đua thu hút anh chàng công nghệ khổng lồ này trở thành sự lên án của nhiều người về sự tham lam của doanh nghiệp và gói ưu đãi hút hết nguồn lực của địa phương.

Cuộc đua xuống đáy chiều lòng Amazon
Quang cảnh bên trong một kho hàng khổng lồ của Amazon.

Tờ Atlantic xem chiến dịch này chẳng khác gì một cuộc thi sắc đẹp mà giải thưởng là niềm tự hào trở thành nơi đóng trụ sở một doanh nghiệp danh tiếng, kèm theo là 50.000 chỗ làm mới. Nhưng chí phí bỏ ra không hề nhỏ: Mất vài tỉ đô la miễn giảm thuế. Cuộc thi này kéo dài hơn một năm, lôi kéo đến 238 thành phố tham gia; báo chí cũng góp phần thúc đẩy cuộc đua để cuối cùng giá trị giải thưởng ngày càng nhỏ trong khi chi phí bỏ ra ngày càng lớn. Tính lại, Amazon sẽ được hưởng chừng 2 tỉ đô la tiền ưu đãi từ hai nơi doanh nghiệp chọn làm trụ sở thứ nhì của mình.

Vấn đề nằm ở chỗ hiện nay hàng năm các thành phố và tiểu bang ở Mỹ phải bỏ ra chừng 90 tỉ đô la tiền miễm giảm thuế và tiền trợ cấp để thu hút các nhà đầu tư về với mình. Con số này còn cao hơn ngân sách liên bang rót vào các dự án gia cư, giáo dục hay cơ sở hạ tầng. Tiền mà các thành phố bỏ ra rõ ràng là cắt bớt từ các dự án trường học, đường xá, an ninh trật tự… Cho nên tờ Atlantic mới đặt câu hỏi, vì sao mọi nơi bị cuốn vào cuộc đua xuống đáy nhằm làm Amazon hài lòng? Trước đó, New Jersey được cho là sẵn sàng bỏ ra 7 tỉ đô la để dụ dỗ Amazon.

Mười năm qua, Boeing, Nike, Intel, Royal Dutch Shell, Tesla, Nissan, Ford, và General Motors mỗi doanh nghiệp đều nhận được gói khuyến khích đầu tư trị giá trên 1 tỉ đô la để chuyển trụ sở về các thành phố bên trong nước Mỹ hay, trong đa phần trường hợp, giữ nguyên trụ sở ở chỗ cũ. Thật khó trách doanh nghiệp – đất lành thì chim đậu mà đất lành ở đây là chính sách ưu đãi của địa phương. Cũng khó trách chính quyền các thành phố – họ ở trong thế tương tự cuộc chạy đua vũ trang, không ai dám buông súng trước.

Thế nhưng các nghiên cứu đều cho thấy chính sách ưu đãi không tạo ra sự khác biệt, tính trên số công ăn việc làm được tạo ra. Doanh nghiệp chọn nơi đóng trụ sở vì nhiều lý do và chính sách ưu đãi thuế không phải là lý do quan trọng nhất nhưng doanh nghiệp cứ làm ra vẻ chúng quan trọng để mặc cả sự ưu đãi. Chẳng hạn, cũng theo tờ Atlantic, Amazon là tập đoàn đa quốc gia có các bộ phận quảng cáo và truyền thông rất lớn. Vì thế chuỗi thương thảo kéo dài 13 tháng vừa rồi chưa chắc đã có tác động gì đến chuyện Amazon muốn đóng trụ sở ở thành phố New York, thủ đô của ngành truyền thông, quảng cáo. Ngoài New Jersey chào 7 tỉ đô la, Maryland hứa hẹn cho Amazon đến 8,5 tỉ đô la tiền ưu đãi.

Thứ hai, doanh nghiệp thường hứa hẹn một đường mà làm một nẻo. Ví dụ để thu hút Foxconn vào Wisconsin, Thống đốc bang này chào gói ưu đãi trị giá đến 3 tỉ đô la, tương đương với món quà chừng 1.700 đô la cho mọi hộ dân ở bang này. Đổi lại Foxconn hứa xây nhà máy lớn, tạo ra chừng 13.000 việc làm nhưng cuối cùng doanh nghiệp này chỉ xây nhà máy bằng một phần tư quy mô ban đầu và hầu hết dây chuyền sẽ do robot vận hành. Trong khi đó trị giá ưu đãi Foxconn nhận được lên thành 4 tỉ đô la, tính ra mỗi chỗ làm mới được tạo ra phải mất đến 500.000 đô la ưu đãi.

Buồn cười nhất là các cuộc đua giữa hai địa phương ở sát cạnh nhau. Khu đô thị Kansas City nằm trên hai bang, Kansas và Missouri, cả hai bỏ ra rất nhiều tiền để lôi kéo nhà đầu tư về phía mình, bên này lôi được anh này thì bên kia dụ dỗ anh khác. Cuối cùng tính ra hai bang mất nửa tỉ đô la mà rốt cuộc không tạo thêm việc làm nào mới, chỉ khổ cho những nhân viên của doanh nghiệp phải dời qua, dời về – họ vẫn làm cho chỗ cũ nhưng khi đi làm thì có lúc xa hơn, có lúc gần hơn.

Cuối cùng, nhiều nhà quan sát đồng ý việc thu hút một doanh nghiệp lớn như Amazon về địa phương mình sẽ tạo ra những xáo động lớn: giá nhà cửa ắt sẽ tăng, giao thông tắc nghẽn, văn hóa bản địa sẽ bị mờ nhạt với sự xâm lấn của dân cư mới. Đó là chưa kể nay Amazon có đủ dữ liệu quan trọng về hàng trăm thành phố ở khắp nước Mỹ, kể cả thông tin về cơ sở hạ tầng, giao thông, địa ốc và nguồn nhân lực để phục vụ vào mục đích khác sau này. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới