Cuộc hội ngộ của những tấm lòng
Uyên Viễn
![]() |
(TBKTSG) – Họ là những doanh nhân bạn thân lâu năm với nhau, hoạt động kinh doanh không cùng lĩnh vực, tuy nhiên lại có cùng ước muốn ươm mầm, phát triển những tài năng hội họa. Họ đã hội ngộ cùng nhau tại hội thi “Nét vẽ xanh” lần thứ 12 năm 2009.
Một thời kỷ niệm
11 giờ 30 trưa, khuôn viên Công viên Tao Đàn, quận 1, TPHCM, gay gắt nắng và vắng vẻ. Rải rác nơi này, chỗ kia là các anh, chị giám thị hội thi chung khảo “Nét vẽ xanh” đợt ba (diễn ra ngày 19-4) đang thu dọn “bãi chiến trường” do 3.000 “họa sĩ nhí” để lại sau gần ba giờ cầm cọ. Các giám thị tình nguyện này hầu hết là các kiến trúc sư đến từ Công ty Xây dựng và Thương mại TTT.
Ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc TTT, cho biết bản thân ông cũng như các giám thị tình nguyện lúc nhỏ cũng đã cầm cọ đi thi vẽ nhưng không được chăm chút như thế hệ hôm nay. Phục vụ các thi sinh không kịp ngưng nghỉ suốt cả buổi, mồ hôi nhễ nhại nhưng không vì thế mà các giám thị mất đi vẻ mặt rạng rỡ.
Ông Thông nói TTT đến với hội thi “Nét vẽ xanh” không phải để tìm khách hàng. Mục tiêu ban đầu của TTT là tìm những đồng nghiệp họa sĩ, kiến trúc sư trong tương lai.
“Tuy nhiên, khi cùng làm việc với các thành viên đã gắn bó 12 năm với chương trình “Nét vẽ xanh” TTT mong muốn nâng tầm hội thi trở thành cuộc chơi của những tài năng trẻ trong ngành hội họa”, ông Thông nói.
Công viên Tao Đàn đối với họa sĩ Sĩ Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sĩ Hoàng, cũng là nơi rất quen thuộc. “Giai đoạn 1987-2002, lúc làm giảng viên trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, tuần nào tôi cũng đưa các em sinh viên ra đây tập vẽ. Còn bây giờ tôi đến đây để tìm kiếm những nhà thiết kế thời trang trong tương lai”, Sĩ Hoàng nói.
Cuộc thi “Nét vẽ xanh” lần thứ 12 năm 2009 do Thư viện Khoa học tổng hợp, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM, nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Quỹ Saigon Times, Công ty Xây dựng và Thương mại TTT, Công ty Minh Long 1, Công ty Thương mại và Dịch vụ Sĩ Hoàng cùng phối hợp tổ chức. |
Năm ngoái, khi khởi xướng cuộc thi “Áo dài con vẽ”, họa sĩ Sĩ Hoàng đã được sự góp sức từ hai đơn vị khác nên đã thu hút được 1.000 cháu thiếu nhi từ 4-10 tuổi tham dự. Sau đó ban tổ chức đã chọn được 30 mẫu áo dài làm bộ sưu tập trình diễn trong các chương trình lễ hội ở trong và ngoài nước. Đến năm 2009, khi biết đến các chương trình hoạt động mở rộng của “Nét vẽ xanh” anh quyết định tham gia, đồng thời mang cả cuộc thi “Áo dài con vẽ” sáp nhập vào “Nét vẽ xanh”.
Tất cả vì tương lai “Vì muốn tạo ra sự đa dạng nên tôi cho các bé vẽ trên những chiếc áo dài bằng giấy. Những chiếc áo dài do các bé vẽ ra chắc chắn sẽ được các bé yêu quý và giữ gìn cẩn thận. Mười, mười lăm năm nữa, các cháu thiếu nhi dự thi hôm nay sẽ trưởng thành, đối với thế hệ tương lai này, tôi tin rằng chiếc áo dài truyền thống của dân tộc vẫn rất gần gũi và quen thuộc dù đời sống vật chất có biến đổi như thế nào”, Sĩ Hoàng nói.
![]() |
Là một trong những doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia ban tổ chức chương trình “Nét vẽ xanh” năm 2009, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1, tỉnh Bình Dương, nhận xét: “Qua những tác phẩm dự thi, tôi nhìn thấy những ước mơ và khát vọng của các em. Đó là những hình ảnh về quê hương thanh bình, những thông điệp mong mỏi môi trường sống ngày mỗi xanh, đẹp hơn. Mỗi tác phẩm là một sự bất ngờ trong cách suy nghĩ và sáng tạo của các thí sinh”.
Minh Long là đơn vị tài trợ tài chính cho chương trình. Ông Minh cho biết Công ty Minh Long 1 sẽ lưu lại một số tác phẩm vẽ đẹp (trong kỳ thi vẽ trên gốm vào ngày 10-5 tới đây ) để làm… tư liệu, nghiên cứu. “Đối với những tác phẩm vẽ trên mẫu gốm sứ đoạt giải, có thể công ty sẽ sản xuất thành bộ sưu tập với số lượng có hạn, không vì mục đích thương mại”, ông Minh nói.
Cũng như hai doanh nghiệp bạn là TTT và Sĩ Hoàng, thông qua chương trình “Nét vẽ xanh”, Minh Long 1 hy vọng đây là cơ hội để phát hiện các tài năng, nuôi dưỡng và nhận về làm việc khi các “họa sĩ nhí” thành tài.
Hội thi “Nét vẽ xanh” năm nay diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn nên chưa thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của giới doanh nhân. Để khắc phục điểm này, sau khi hội thi “Nét vẽ xanh” kết thúc vào ngày 31-5, Ban tổ chức sẽ triển khai chiến dịch “Cộng đồng doanh nghiệp ươm mầm Nét vẽ xanh”.
Ông Lê Bá Thông cho biết, với tiêu chí ươm mầm tài năng hội họa, đưa “Nét vẽ xanh” trở thành sân chơi cho cả cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận, Ban tổ chức sẽ phối hợp với hai trường đại học Mỹ thuật và Kiến trúc quảng bá 20.000 bức tranh đẹp chọn từ 200.000 tác phẩm dự thi trong năm nay đến với các doanh nghiệp. Nếu các doanh nhân có nhu cầu trang trí tranh (khổ giấy A3) từ “Nét vẽ xanh”, hai trường đại học này sẽ chịu trách nhiệm tư vấn, thiết kế nơi treo tranh tại văn phòng công ty. Giá mỗi bức tranh là 700.000 đồng. Số tiền thu được từ việc bán tranh sẽ được dùng để trả thù lao cho các giáo viên mỹ thuật đến những vùng xa như huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… rèn luyện năng khiếu hội họa cho các em học sinh.
Trong trường hợp nguồn kinh phí dồi dào hoặc được các mạnh thường quân tài trợ, những người làm chương trình sẽ tổ chức mổ mắt cho các em học sinh có ước mơ và năng khiếu hội họa đang học tại Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng, quận Thủ Đức. Ngoài ra, Ban tổ chức hội thi “Nét vẽ xanh” còn có kế hoạch hợp tác với Phương Nam Film in lịch 2010 giới thiệu những tác phẩm hội họa đoạt giải cao nhất trong năm nay.