Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu: Thị trường có phản ứng thái quá?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu: Thị trường có phản ứng thái quá?

Nguyễn Việt Hùng (*)

Đồng euro mất giá khiến xuất khẩu sang thị trường châu Âu gặp nhiều bất lợi. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Bóng đen cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đã phủ khắp châu Âu và ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu. Thị trường trong nước cũng không tránh khỏi tác động khi VN-Index lao từ 550 điểm xuống xấp xỉ 480 điểm chỉ trong hai tuần. Liệu thị trường có phản ứng thái quá so với khả năng ảnh hưởng thực tế của cuộc khủng hoảng nợ công tới nền kinh tế trong nước?

Đồng euro mất giá và ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam

Từ khi cuộc khủng hoảng có dấu hiệu nghiêm trọng, đồng euro mất giá tương đối so với đồng đô la Mỹ, có thời điểm 1 euro chỉ còn ăn 1,23 đô la, rất thấp so với tỷ giá xấp xỉ 1,4 đô la Mỹ đầu tháng 3. Do tỷ giá giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam tương đối ổn định cùng thời gian trên, tính theo tỷ giá chéo, đồng euro cũng mất giá tương tự so với đồng Việt Nam.

Việc đồng Việt Nam “tăng giá” so với euro đồng nghĩa với bất lợi cho các hoạt động xuất khẩu và thuận lợi cho các hoạt động nhập khẩu với thị trường châu Âu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chênh lệch ròng giữa hai hoạt động này, ảnh hưởng tới thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam không đáng kể. Năm 2009, xuất khẩu vào khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt 9,4 tỉ đô la Mỹ trong khi nhập khẩu đạt 6,4 tỉ đô la Mỹ. Nếu đồng euro mất giá khoảng 10% so với năm 2009 và giả sử tỷ trọng các hoạt động thương mại được giữ nguyên trong năm 2010, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt hại khoảng 300 triệu đô la Mỹ ((9,4 tỉ – 6,4 tỉ)x10%). Đây không phải là mức đáng lo ngại trong bối cảnh kinh tế có chiều hướng phục hồi tốt trong năm 2010 và dự trữ ngoại tệ được cải thiện thời gian gần đây.

Đồng thời, khi đồng euro mất giá, các doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn có thể tăng cường ưu tiên, nâng cao giá trị nhập khẩu từ khu vực đồng tiền chung châu Âu, giảm bớt từ các khu vực khác như Mỹ, Nhật,… đối với các loại hàng hóa có thể thay thế được. Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể xem xét đưa hàng hóa sang các thị trường khác nếu lợi ích kinh tế khả quan hơn. Do đó, cán cân thương mại có thể sẽ còn được cải thiện hơn nữa. Nếu đồng euro tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài như dự đoán của nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có khả năng thích nghi để cân đối lại tỷ trọng thương mại với khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Ảnh hưởng dây chuyền tới nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc

Do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu diễn biến xấu hơn dự đoán thị trường tài chính Mỹ cũng bắt đầu lung lay. Nguyên nhân chính được xác định từ hai sự kiện chính: (i) Mỹ là chủ nợ lớn của các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (ước tính hơn 1.000 tỉ đô la Mỹ); và (ii) nếu đồng euro được duy trì ở mức thấp hiện tại, Mỹ có thể mất khoảng 0,3% GDP trong năm 2010 do các hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng tiêu cực.

Cùng lúc, Trung Quốc có khả năng dừng ý định tăng giá đồng nhân dân tệ do đồng tiền này đang bị mất giá mạnh so với euro, ảnh hưởng lớn tới các hoạt động xuất khẩu của nước này. Sàn chứng khoán Thượng Hải có phiên mất tới hơn 5% – giảm khá sâu so với các thị trường khác. Nếu Trung Quốc tiếp tục ý định tăng giá đồng nhân dân tệ do sức ép của cộng đồng quốc tế, áp lực lên cán cân thương mại sẽ tăng gấp bội nên đây không phải là quyết định sáng suốt tại thời điểm này.

Hai nguyên nhân chính nói trên tạo áp lực lớn lên đồng đô la Mỹ và giá dầu cũng như các nguyên vật liệu khác. Giá dầu giảm mạnh so với tháng 4 (giảm gần 20%) kéo theo giá nhiều loại hàng hóa khác đi xuống. Với đặc điểm là một nước nhập siêu nhiều nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, mặt bằng giá hàng hóa giảm xuống nhìn chung tác động tích cực tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước (trừ các doanh nghiệp xuất khẩu cao su, khoáng sản, dầu thô…). Các doanh nghiệp có cơ hội lớn gia tăng lợi nhuận, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu nội địa chiếm ưu thế, ít phụ thuộc vào xuất khẩu.

Phản ứng thái quá?

Mặc dù cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã diễn ra được vài tháng, chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đáng kể về mặt kinh tế tới các doanh nghiệp trong nước. Xét từ góc độ cơ bản, hiện trạng kinh tế vẫn khá giống so với thời điểm VN-Index tiến sát ngưỡng 550 điểm; do đó tác động từ cuộc khủng hoảng nợ mang tính chất tâm lý là chính. Khi thị trường chịu tác động bởi các yếu tố tâm lý nhưng vẫn được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản, VN-Index có khả năng hồi phục tại bất kỳ thời điểm nào. Nếu dòng vốn nước ngoài có xu hướng tái cơ cấu trên phạm vi toàn cầu thì Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Có thể thấy thị trường trong nước dường như đang phản ứng thái quá trước cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hy Lạp cũng như các “ứng cử viên tiềm năng” khác là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tương đối nhỏ nên tác động trực tiếp không nhiều. Nguy cơ thế giới rơi vào cuộc suy thoái lần hai sau năm 2008 vẫn chưa rõ ràng do các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực châu Âu như Đức và Pháp vẫn tăng trưởng tích cực. Trong điều kiện hiện nay, kể cả cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài, Việt Nam vẫn đang có những lợi thế nhất định có thể đảm bảo bức tranh tăng trưởng năm 2010.

____________________________

(*) Giám đốc Khối phân tích – Đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán SME

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới