Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cuộc sống đã chấp nhận nguyên dạng tiếng Anh chưa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cuộc sống đã chấp nhận nguyên dạng tiếng Anh chưa?

Nguyễn Việt Long

Trong một bài viết mới đây: “Để hiểu hay để đọc?“, bạn Vân Cầm đã cắt khúc hoặc chọn một phần của quá trình tiếp nhận thông tin, là thông tin văn bản, để nói rằng người đọc không cần phát âm. Tuy nhiên, thông tin qua văn bản chỉ là một phần của thông tin tiếp cận hàng ngày, hoặc có khi chỉ là một phân đoạn của toàn bộ quá trình từ phát truyền đến thu nhận thông tin.

Hàng ngày, người ta trao đổi với nhau bằng miệng về nhiều vấn đề, trong đó có thông tin cuốn sách hay ca khúc mới của một tác giả nước ngoài nào đó, sự kiện nổi bật ở một nước X nào đó… Biết bao thông tin nóng hổi đến với bạn qua chương trình thời sự trên ti-vi hay trên đài, ngoài ra còn có các chương trình văn hóa, xã hội, ca nhạc, du lịch, đọc truyện khác mà nhiều khi không kèm văn bản tên riêng.

Lúc đó tên riêng bắt buộc phải truyền tải qua thính giác, tức là qua cách đọc và nghe, kể cả khi bạn chỉ muốn có nguyên dạng để sau đó tra cứu cho dễ. Khi ấy thì phiên âm đúng và nhất quán (ít ra là trong một chương trình), cách đọc rõ ràng, tỏ ra ưu việt so với cách đọc kiểu Anh (gắn với cách viết theo tiếng Anh).

Một số ý kiến của các vị phụ huynh có vẻ bức xúc phê phán sách giáo khoa bắt con cái họ phải theo phiên âm tiếng Việt. Sách giáo khoa viết cho cả nước, đâu có viết cho riêng các em học tiếng Anh từ lớp 6, thậm chí từ lớp 1 hoặc học ở các trường quốc tế như được nêu trong một ý kiến.

Bộ Giáo dục đã từng có “Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt” kèm theo Quyết định số 240/QĐ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ký ngày 5-3-1984, trong đó phê chuẩn cách viết “theo chữ viết của nguyên ngữ” dùng chữ cái La-tinh, “kể cả các chữ cái f, j, w, z; dấu phụ ở một số chữ cái trong nguyên ngữ có thể lược bớt” nếu nguyên ngữ dùng chữ cái La-tinh và “dùng lối chuyển tự chính thức sang chữ cái La-tinh” nếu ngôn ngữ đó không dùng chữ cái La-tinh.

Nhưng quy định đó đã không đứng vững với thời gian và ngày 13-3-2003, Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại phải ra “Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa” kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BGDĐT, trong đó tên nước ngoài lại quay về cách phiên âm như cũ, có gạch nối giữa các âm tiết.

Có thể rút ra kết luận: cuộc sống (học đường) chưa chấp nhận nguyên ngữ (hoặc dạng tiếng Anh). Điều này cho thấy tai hại của việc chưa có điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng mà đã tiến hành thay đổi rộng khắp, gây nhiều xáo trộn và tốn kém.

Một điều nữa chúng ta nên suy ngẫm là tại sao nhiều ngôn ngữ châu Âu (trong đó có tiếng Anh) lại bảo thủ đến mức có rất nhiều những tên phiên cũ đã quen (cả địa danh lẫn nhân danh) nhưng người ta không hề sửa lại cho đúng hoàn toàn với nguyên ngữ (trong trường hợp nguyên ngữ dùng chữ cái La-tinh), mặc dù điều này hết sức dễ dàng và đơn giản (không phải lo đồng hóa về cách đọc như ở tiếng Việt)? Theo tôi, họ tôn trọng thói quen lịch sử ăn sâu vào đầu óc, không muốn gây xáo trộn và tốn kém.

Mặt khác, đâu có nhất thiết phải chính xác ghê gớm như toán học, một khi tên gọi đã được nhận biết và hiểu rõ dù nó khác tên gốc. Còn như không biết gì thì ở các nước đó đã có sẵn vô thiên lủng từ điển, sách tra cứu đủ loại với hệ thống thư viện phát triển để tìm hiểu. Trong khi đó chúng ta cứ băn khoăn mãi chuyện chính xác hay không chính xác mà không để ý rằng ngay tên gọi của bạn có khi cũng được phát âm không chính xác tại chính đất nước mình. (Nếu bạn là Võ Văn Vấn thì chắc ở miền Nam người ta sẽ gọi bạn là Dỏ Dăng Dấng hay cái gì đó đại loại như thế).

Thực ra ngay cả khi chỉ nhìn văn bản, đối với người không thạo tiếng Anh, thì phiên âm vẫn dễ nhớ hơn hẳn nguyên dạng như một mớ ký tự lộn xộn. Và tại sao website của Bộ Ngoại giao vẫn sử dụng cả 2 cách phiên, nhưng phần những thông tin cơ bản về các nước thì phiên âm có gạch nối vẫn là chủ yếu?

Bạn Vân Cầm khẳng định khi thấy xuất hiện các ký hiệu “Phờ-roy-đơ”, “Phờ-rớt”, hay “Freud”, hai ý niệm đầu không bật lên trong óc người đọc, chỉ có ký hiệu “Freud” thì có người nhận ra tên nhà tâm lý học nổi tiếng.

Việc người đọc nhận ra nhân thân của nhân vật phụ thuộc vào việc trước đó anh ta đã nạp vào bộ nhớ ký hiệu nào, nghĩa là phụ thuộc vào việc anh ta đã từng đọc truyện danh nhân hay khoa học của nhà xuất bản X nào đó có nhắc đến “Phờ-rớt” hay anh ta đọc sách báo thời mới có ghi Freud, còn nếu anh ta chưa gặp những từ ấy thì tất cả các ký hiệu trên chẳng gợi lên cái gì.

Tác giả Vân Cầm đã nêu luận điểm “cuộc sống sẽ chỉ chấp nhận những cách nào hợp tình hợp lý, hợp tự nhiên nhất”, rất đúng và hay. Tuy nhiên, vấn đề cần tranh luận ở đây là cuộc sống đã chấp nhận nguyên dạng tiếng Anh chưa? Hiểu luận điểm “người sử dụng quyết định các quy luật ngôn ngữ” như thế nào? Tại sao Bộ Giáo dục phải quay về cách phiên âm cũ?

Để làm cơ sở cho dự thảo “Quy định cách viết cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lý Nhà nước” (công bố tháng 5-2006), người ta đã điều tra thái độ ngôn ngữ của người sử dụng đối với các cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài hiện đang xuất hiện trong tiếng Việt và nêu thành 9 nội dung.

Kết quả cho thấy: những người có trình độ đại học và trên đại học, sinh viên chuyên ngữ nghiêng về giải pháp viết bằng tiếng nước ngoài, còn những người có trình độ phổ thông nghiêng về giải pháp viết bằng tiếng Việt, có hoặc không có chú thích bằng tiếng nước ngoài (nội dung 1); mọi người nghiêng về giải pháp viết có gạch nối và có dấu nếu phiên sang tiếng Việt (nội dung 2); còn khi viết nguyên dạng thì đọc theo cách đánh vần của tiếng Việt (nội dung 9).

Không thấy công bố tỷ lệ phần trăm ủng hộ cho từng giải pháp. Kết quả này cũng phù hợp với cách xử lý trong các ngôn ngữ khác: ngay cả khi để nguyên dạng, từ đó vẫn phải đọc theo quy tắc phát âm của bản ngữ, chứ không phải của nguyên ngữ. Người Anh để nguyên từ Paris của tiếng Pháp, nhưng đọc là Pe-rix, chứ không phải Pa-ri như nguyên ngữ.

Từ kết quả điều tra trên, dự thảo chọn giải pháp viết và đọc tên riêng nước ngoài theo cách viết, cách đọc của chữ quốc ngữ phiên chuyển ra tiếng Việt: viết rời từng âm tiết, có dấu chữ, dấu thanh, có gạch nối giữa các âm tiết, tận dụng khả năng ghi âm của chữ quốc ngữ.

Dường như cuộc đấu tranh dằng dai giữa hai phe chưa nghiêng hẳn về bên nào nên từ bấy đến nay, dự thảo vẫn chỉ được xếp trong ngăn kéo.

Ý kiến ủng hộ để nguyên dạng cho dễ tra cứu hay dễ hội nhập, giao tiếp cũng không có cơ sở vững chắc lắm. Nếu đã giỏi tiếng Anh đến mức có thể sử dụng, tra cứu tài liệu tiếng Anh thì chuyện chuyển đổi từ phiên âm sang nguyên dạng (nhất là khi đã biết thông tin về tên riêng đó) không phải là điều gì quá phức tạp.

Chuyện giao tiếp cũng vậy, nếu chỉ thuộc mỗi tên riêng tiếng Anh và vài câu đơn giản, còn lại phải dùng ngôn ngữ chân tay thì cũng chẳng giải quyết được gì mấy. Và lối thoát ở đây là xuất bản ra nhiều từ điển, sách tra cứu bằng tiếng Việt, tạo ra cơ sở dữ liệu trên mạng phong phú bằng tiếng Việt, có ghi chú tiếng nước ngoài cho những ai muốn tìm hiểu thêm bằng tiếng Anh.

Một ý kiến cho rằng “đã đến lúc chữ viết phải được thay đổi toàn diện”, kể cả “quy luật ráp vần”. (Để hiểu và cả để đọc).

Dỡ bỏ toàn bộ ngôi nhà khang trang ra để xây lại khi chỉ có gian bếp lộn xộn là hạ sách, vì quá lãng phí và tốn kém. Mặt khác, một cải cách triệt để như thế sẽ đoạn tuyệt với quá khứ, vậy thì kho tàng sách báo viết theo lối cũ sẽ phải “phiên” sang lối viết mới cho thế hệ mai sau?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới