Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cước tàu biển tăng phi mã, cản trở kinh tế toàn cầu hồi phục

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cước tàu biển tăng phi mã, cản trở kinh tế toàn cầu hồi phục

Ricky Hồ

(TBKTSG Online) – Dịch Covid-19 đã khiến cước phí tàu biển tăng vọt, đặc biệt là các tuyến từ Trung Quốc đi Mỹ tăng gấp ba lần, có nguy cơ ảnh hưởng đến đợt cao điểm về doanh số dịp lễ Giáng sinh và tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu. Cả Bắc Kinh và Washington đã cùng lúc can thiệp để hạ giá cước tàu biển trên thế giới.

Cước tàu biển tăng phi mã, cản trở kinh tế toàn cầu hồi phục
Các hãng tàu trên thế giới dự định sẽ cắt giảm các chuyến Nhật – Mỹ, để tăng cường cho tuyến Trung – Mỹ đang có nhu cầu vận tải hàng tăng mạnh. Trong ảnh là tài của hãng Ocean Network Express (ONE) là liên doanh của ba hãng tàu biển Nhật Bản, đứng thứ sáu trên thế giới. Ảnh: ONE

Đa số các hãng tàu biển chính trên thế giới cắt giảm mạnh hoạt động từ tháng 2 sau khi nhu cầu giảm sâu khi dịch lên đỉnh điểm ở Trung Quốc và sau đó lan khắp thế giới. Vào cuối tháng 5, số tàu biển nằm cảng đạt kỷ lục với 550 tàu thả neo ở cảng, và số chuyến tàu chở hàng giảm khoảng 20% so với kế hoạch các hãng vạch ra trước dịch.

Bài toán mới cho hãng tàu, nhà bán lẻ

Cước tàu biển tăng mạnh và đều từ tháng 5, nhưng các hãng tàu lại chậm gia tăng năng lực vận chuyển cho đến đầu tháng 9 vừa rồi.

Nhưng năng lực vận tải gia tăng không đủ sức để chặn đà cước phí tăng phi mã.

Một chuyến tàu biển từ Trung Quốc đi bờ Tây nước Mỹ thường mất khoảng ba tuần. Thời gian tương đối dài này khiến nhu cầu vận tải biển chiều Trung – Mỹ tăng từ tháng 7 đến tháng 10 – giai đoạn các nhà bán lẻ Mỹ chuẩn bị hàng cho đợt mua sắm lớn nhất trong năm Black Friday. Năm nay, Black Friday rơi vào ngày 27-11-2020.

Theo công ty dữ liệu vận chuyển hàng Freightos, cước phí tàu biển cho một container 40 feet sang bờ Tây nước Mỹ vào cuối tháng 9 rồi đã đạt 3.900 đô la Mỹ, đỉnh điểm và cao gần ba lần giá năm trước. Còn dữ liệu của sàn Shanghai Shipping Exchange cho thấy cước phí sang bờ Đông nước Mỹ lên đến 4.700 đô la Mỹ mỗi container 40 feet.

Nguồn hàng của các siêu thị và cửa tiệm ở Mỹ đang vơi dần, theo Nikkei Asia. Tháng 7, các kho hàng trữ ít hơn 10% so với năm này khi tỷ lệ hàng dự trữ trên tổng hàng bán ra giảm xuống còn 1,23 – mức thấp nhất kể từ năm 1992. Sự suy giảm năng lực vận tải biển giờ khiến hệ thống bán lẻ chạy đôn đáo để tìm nguồn hàng lấp đầy kho và kệ bán hàng.

Ở vài khu vực ở Mỹ, các chuỗi cửa hàng lớn như Best Buy and Home Depot đã bán sạch máy rửa chén, lò vi sóng (microwave) và tủ lạnh. Xu hướng làm việc tại nhà khiến nhu cầu đồ gia dụng tăng vọt, nhưng các cửa hàng cần vài tháng để đặt hàng.

Tình trạng thiếu hụt nguồn hàng do vận tải biển khan hiếm buộc các nhà bán lẻ tìm giải pháp khác. Thay vì chủ tập trung một hai đợt lớn, họ đang xem xét rải đều trong năm các đợt khuyến mãi hay giảm giá. Việc rải đều như vậy sẽ không thu hút đám đông và duy trì các quy định về giãn cách xã hội.

Trong khi đó, các chủ tàu có cơ hội lại muốn duy trì cước phí tàu biển ở mức cao càng lâu càng tốt. Không ngạc nhiên khi nhận ra rằng số tàu biển từ Trung Quốc đi Bắc Mỹ trong tháng 9 rồi ít hơn 5% so với mức trước dịch Covid-19. Lý do khác là các hãng tàu biển ngần ngại tăng chuyến bởi nhu cầu có thể giảm sâu sau các kỳ nghỉ lễ.

Tại Nhật Bản, doanh số mùa Giáng Sinh năm nay được dự báo sẽ không tăng mạnh như ở phương Tây. Vì thế, các hãng tàu lên kế hoạch cắt bớt các chuyến tàu từ Nhật Bản đi Mỹ và điều các tàu này cho tuyến có nhu cầu cao hơn xuất phát từ Trung Quốc.

Cước tàu biển tăng mạnh và đều từ tháng 5, nhưng các hãng tàu lại chậm gia tăng năng lực vận chuyển cho đến đầu tháng 9 vừa rồi.

Thị trường vận tải đảo lộn

Các biểu đồ vận chuyển hàng hóa toàn cầu đảo lộn từ đầu năm nay: Số chuyến xe lửa chở hàng từ Trung Quốc sang châu Âu tăng vọt. Trong 8 tháng đầu năm 2020, khoảng 7.600 chuyến xe lửa chở hàng từ Trung Quốc đã đến châu Âu, tăng 90% so vởi tổng số chuyến hàng của năm 2019. Với tốc độ như hiện nay, số chuyến xe lửa chở hàng sẽ đạt 10.000 trong năm nay.

Hàng từ Trung Quốc mất 15-18 ngày để đến châu Âu bằng đường sắt, 2-10 ngày bằng đường không và 4-6 tuần bằng đường biển. Một lý do khiến đường sắt được chuộng trong vận chuyển hàng đến châu  u là giá cước đường sắt chỉ bằng 10% cước phí đường không, nhưng nhanh hơn đường biển rất nhiều.

Năng lực vận chuyển hàng bằng đường không giảm 30% so với năm trước, khiến cước phí cũng tăng. Theo số liệu từ TAC Index, cước phí tính theo kilogram từ Hồng Kông đi Bắc Mỹ là 5,5 đô la Mỹ, tăng 20% so với tháng 7. Đây là hệ quả của tình trạng suy giảm các chuyến bay chở khách vốn chở luôn hàng hóa.

Nhu cầu vận tải đường không sẽ tăng trong ngắn hạn, đặc biệt là khi Apple tung ra các lô điện thoại thông minh (smartphone) mới nhất iPhone 12 và Sony đưa ra trò chơi điện tử PlayStation 5. Một số chuyên gia lại cho rằng cước phí hàng không sẽ tăng vọt khi vaccine ngừa Covid-19 tung ra thị trường. Toàn cầu lúc đó cần đến 8.000 chiếc Boeing 777 chở hàng có năng lực vận chuyển 1 triệu liều vaccine mỗi chiếc.

Cước phí tàu biển từ Trung Quốc đến bờ Tây nước Mỹ tăng ba lần từ đầu năm đến đầu tháng 10-2020 – Nguồn: Freightos

Sự can thiệp của chính quyền

Giá vận tải biển từ Trung quốc đi Mỹ tăng kỷ lục khiến Bắc Kinh và Washington nhanh chóng can thiệp, ngay cả khi các chủ tàu cam kết sẽ tăng số chuyến tàu.

Đầu tháng 9, theo trang Caixin, Bộ Vận tải Trung Quốc đã mời các hãng tàu trong nước và quốc tế dự cuộc họp kín sau khi ghi nhận cước phí tàu biển tăng kỷ lục trong ba tháng vừa qua. Một tuần sau, Ủy ban liên bang về hàng hải Mỹ (FMC) cũng triệu tập một cuộc họp tương tự – trang mạng của FMC công bố.

Trước các cuộc họp, cả FMC và Bộ Vận tải Trung Quốc đã gửi thư đến các hãng tàu biển vào giữa tháng 8 để tìm hiểu tình hình.

Trên trang mạng FMC, cơ quan quản lý hàng hải Mỹ nói rằng “đang tích cực giám sát tình hình với trọng điểm là giá cước và năng lực dịch vụ vận tải”. FMC cũng tuyên bố: “Nếu có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy hãng tàu vi phạm các tiêu chuẩn cạnh tranh trong điều 6g của Luật tàu biển, FMC ngay lập tức tìm cách giải quyết với các hãng. Nếu cần thiết, FMC sẽ đưa ra tòa liên bang để xin lệnh cấm…”.

Trước các động thái của chính phủ hai nước, các hãng bắt đầu tăng nâng lực vận chuyển tuyến xuyên Thái Bình Dương và các tuyến khác. Caixin nói, phần lớn các tuyến này đã bị cắt giảm khi dịch bùng phát, khiến giá cước tăng dần từ đầu năm.

Kết quả là hãng tàu lớn nhất Trung Quốc Cosco Shipping và hãng nhỏ hơn Orient Overseas International Ltd đã hủy kế hoạch dừng hoạt động các đội tàu trong suốt kỳ nghỉ lễ quốc khánh dài tám ngày, kết thúc ngày 8-10 vừa rồi. Tuần trước, Cosco cũng tăng năng lực vận tải bằng cách thuê thêm container và tàu bên ngoài cho các chuyến xuyên Thái Bình Dương.

Gã khổng lồ vận tải biển Maersk của Đan Mạch cũng tuyên bố nối lại các chuyến xuyên Thái Bình Dương đến Mỹ và Mỹ Latinh mà hãng đã hủy trước đó. Maersk nói “đang kích hoạt trở lại năng lực nhàn rỗi, thuê thêm container và tàu để đáp ứng nhu cầu”.

Cước phí bắt đầu ổn định hơn khi có nhiều tàu được đưa vào hoạt động trên tuyến Trung – Mỹ. Tuy nhiên, với giá 3.900 đô la mỗi container đến bờ Tây nước Mỹ thì giá vẫn tăng 1,4% mỗi tuần kể từ giữa tháng 9 vừa rồi. Các nhà phân tích nói nếu tăng dưới 2% mỗi tuần là chấp nhận được trong giai đoạn cao điểm trước dịp mua sắm Black Friday và Giáng Sinh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới