Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cước vận tải: Vẫn điệp khúc tăng nhiều, giảm ít

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cước vận tải: Vẫn điệp khúc tăng nhiều, giảm ít

Lê Anh

Cước vận tải: Vẫn điệp khúc tăng nhiều, giảm ít
Trong đợt giảm giá xăng dầu gần nhất ngày 2-7, chỉ có hãng taxi Mai Linh thông báo giảm giá cước từ 200 -500 đồng/km – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Sau khi giá xăng giảm lần thứ 5 liên tiếp vào ngày 2-7, các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa cũng tính toán để giảm giá cước vận chuyển. Tuy nhiên, so với mức tăng thì mức giảm lại rất ít.

>>> Cước taxi tại TPHCM tăng cao nhất 2.000 đồng/km.

>>> Xăng giảm thêm 600 đồng/lít.

Trong đợt xăng dầu giảm giá 200-600 đồng/lít vừa qua, tại TPHCM chỉ có hãng taxi Mai Linh thông báo giảm giá cước 200-500 đồng/km áp dụng từ ngày 9-7. Còn những hãng taxi khác vẫn chưa có động thái giảm giá.

Theo đại diện của một số hãng taxi tại TPHCM, mặc dù giá xăng dầu có giảm nhưng do các chi phí đầu vào như điện, nước lương nhân viên đều tăng. Vì vậy, để cân đối chi phí hoạt động nên họ không giảm giá cước.

Còn ông Thái Văn Chung, Tổng thư k‎ý Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho biết sau nhiều lần xăng dầu giảm giá các doanh nghiệp cũng phải giảm giá cước cho khách hàng. Mức giảm tùy thuộc vào mỗi doanh nghiệp thỏa thuận với khách hàng, có doanh nghiệp giảm giá theo chuyến, có doanh nghiệp giảm dựa trên sự tính toán các chi phí. Tính trung bình mức giảm dao động trong khoảng 2-5%.

Trong những đợt xăng dầu giảm giá nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với khách hàng nếu mức tăng giảm trên 1.000 đồng mới điều chỉnh giá cước. Do vậy, trong đợt xăng giảm giá 600 đồng/lít nhiều doanh nghiệp đã không thực hiện giảm giá cước, ông Chung cho biết.

Đối với vận tải hành khách liên tỉnh, sau nhiều lần giá xăng giảm, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá vé để cạnh tranh. Ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe miền Đông cho biết, đến nay mới chỉ có 6 doanh nghiệp công bố giảm giá vé trong tổng số 230 doanh nghiệp hoạt động tại bến xe. Mức giảm trung bình của các doanh nghiệp khoảng 3-5% tùy theo quãng đường của từng doanh nghiệp hoạt động.

Theo ông Hải, mặc dù mức hạ giá không nhiều nhưng do việc cạnh tranh khi thấy doanh nghiệp này giảm thì những doanh nghiệp đã tăng giá vé cũng phải xem xét giảm giá để thu hút hành khách.

Trước đó, trong đợt xăng dầu tăng giá vào đầu tháng 3-2012 (xăng tăng 2.100 đồng/lít, dầu diesel tăng 1.000 đồng/lít) các hãng taxi tại TPHCM đã tăng cước thêm 1.000 – 2.000 đồng/km, vận tải hành khách liên tỉnh tăng 5 – 10% giá cước; giá cước vận tải hàng hóa cũng tăng khoảng 5%.

Tuy nhiên, khi giá xăng dầu giảm 5 đợt liên tiếp từ tháng 3 đến nay thì giá cước vận tải mới chỉ giảm một lần.

Mới đây, Sở Tài chính TPHCM đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn TPHCM xem xét điều chỉnh giá cước vận tải. Theo Sở Tài chính, kể từ tháng 3 đến nay, giá xăng dầu đã giảm 5 lần liên tiếp. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp vận tải chưa thực hiện giảm giá vận chuyển.

Trước tình trạng chậm giảm giá cước của doanh nghiệp vận tải, Sở Tài chính TPHCM đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải kê khai lại giá cước trước ngày 20-7 để thực hiện bình ổn giá và kiềm chế lạm phát. Sau thời điểm trên, sở sẽ kiểm tra và xử phạt các doanh nghiệp không chấp hành.


 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới