Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cười lên, có máy đang theo dõi!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cười lên, có máy đang theo dõi!

Minh họa: Khều

(TBVTSG) – Niềm nở với khách hàng là yêu cầu số một đối với nhân viên bán hàng. Nhưng làm sao để theo dõi, nhắc nhở họ phải luôn nở nụ cười tươi tắn?

Theo tờ The Economist, Omron – hãng chuyên phát triển phần mềm robot của Nhật – đã tìm ra giải pháp. Họ xây dựng một phần mềm có khả năng phân tích hình ảnh, kể cả video, để phát hiện và phân loại các biểu cảm của khuôn mặt. Hãng này hứa hẹn sẽ sớm bán ra thị trường một phần mềm hoàn chỉnh có khả năng “đo” nụ cười, giúp nhà quản lý biết khi nào thì nhân viên cười nụ, cười mỉm, khi nào cười toe toét, cười ngả nghiêng…

Tạm thời để chuyện giám sát như thế có phải là ý hay hay không sang một bên, phần mềm của Omron là một trong những bước phát triển gần đây trong lĩnh vực phần mềm giúp máy tính hiểu được những gì chúng thấy và đôi lúc còn vượt trội cả con người trong lĩnh vực này.

Venu Govindaraju, một chuyên gia tin học tại Đại học Buffalo, New York, đang thiết kế một phần mềm giúp xác định xem nét mặt nào là thật, nét mặt nào là đang cố ý giả vờ. Ông nhận xét những dạng biểu cảm nào mất thời gian nhiều hơn mới xuất hiện hay biến mất là dạng thật, còn dạng biểu cảm nào có đặc tính tắt, mở như trở bàn tay là loại giả vờ.

Dĩ nhiên, còn lâu máy mới đoán một cách chính xác 100% nhưng phần mềm phân tích nét mặt này đã hữu hiệu đến nỗi hãng Unilever đang dùng một phần mềm loại này để xác định những người dùng thử thức ăn phản ứng như thế nào. Procter&Gamble thì dùng công nghệ tương tự để tìm hiểu phản ứng của các nhóm người họ thuê xem những mẩu quảng cáo do họ làm ra.

Khả năng phân tích nhanh xem khán giả phản ứng với quảng cáo thuận lợi hay không cộng với việc biết được họ là ai rất có lợi cho ngành quảng cáo. Hiện nay, việc quảng cáo ngoài trời trên các màn hình lớn đã tính đến yếu tố thời tiết (chào mời thức uống giải khát khi trời nóng) và thời điểm trong ngày (quảng cáo rượu vào lúc chiều tối).

NICTA, một phòng thí nghiệm truyền thông do chính phủ Úc tài trợ, còn đi thêm một bước nữa. Họ thử nghiệm một màn hình quảng cáo có gắn camera gọi là TABANAR. Khi có người đến gần, phần mềm bên trong sẽ xác định giới tính, độ tuổi, mái tóc của người ấy. Xong rồi tùy theo đối tượng mà màn hình sẽ hiện lên hình ảnh quảng cáo thích hợp : đồ chơi cho trẻ em, dao cạo râu cho đàn ông, dầu gội đầu cho phụ nữ…

Đôi lúc phần mềm nhận dạng còn được dùng để ngăn chuyện bán hàng. Ví dụ ở Nhật, theo luật thì không được bán thuốc lá cho người dưới 20 tuổi, vậy máy bán hàng tự động thì làm sao ? Fujitaka, một hãng sản xuất máy bán hàng, bèn nghĩ ra một giải pháp : gắn camera và phần mềm phân tích dựa vào độ mềm của làn da quanh mắt để xác định tuổi. Thử nghiệm cho thấy máy còn chính xác hơn người bán hàng bình thường. Hãng này cho biết sau khi chính phủ cấp giấy phép cho công nghệ này, doanh số bán máy tăng vọt.

Một ứng dụng khác là dùng camera và phần mềm phân tích để trông coi người già. Các chuyên gia đang thử nghiệm một phần mềm như thế tại Viện Phục hồi Toronto, Canada. Camera gắn trên trần nhà gửi tín hiệu về máy chủ, tại đây phần mềm sẽ phân tích cách người già di chuyển. Nếu có người quên đánh răng, dội cầu hay rửa tay, máy sẽ báo và loa sẽ phát ra lời nhắc vào đúng ngôi nhà cần nhắc. Nếu có ai té hay nằm bất động, máy sẽ báo cho người thân hay gọi cấp cứu.  

Trong sản xuất hay kinh doanh, ứng dụng của loại phần mềm này càng phong phú. Hãng HyperActive Technologies tại Pittsburgh, Pennsylvania, đang chào phần mềm “HyperActive Bob”, một hệ thống xử lý dữ liệu do hàng loạt camera ghi lại để cảnh báo cho giới quản lý nhà hàng xem nhân viên nào vào phòng vệ sinh quá lâu, phục vụ khách quá chậm. Viễn cảnh này coi có vẻ “máy móc” quá.

Ở những ứng dụng ít có vẻ “người máy” hơn, phần mềm phân tích video có thể báo hiệu khi công nhân lắp ráp thao tác sai, gắn thiếu linh kiện hay giúp họ kiểm tra sản phẩm với tốc độ nhanh hơn người nhiều lần.

Hiện nay, khả năng “nhìn và hiểu” của máy tính đã tiến xa hơn trước nhiều. Ví dụ chúng có thể tìm thông tin dựa vào hình ảnh chứ không cần dựa vào từ khóa như trước. Cuối năm nay, hãng tư vấn Accenture sẽ tung ra một dịch vụ miễn phí, giúp người ta gửi hình ảnh từ điện thoại di động để tìm thông tin trên Internet. Ví dụ, nếu thấy một món ăn lạ, người ta chỉ cần chụp hình món ăn đó gửi cho dịch vụ này và sẽ nhận được thông tin về nó.

Microsoft thì đang phát triển dịch vụ Lincoln, có khả năng nhận dạng hơn một triệu món trong video hay hình ảnh. Larry Zitnick, một nhà nghiên cứu của Microsoft tại Redmond, Washington, cho rằng tìm thông tin bằng hình ảnh đôi lúc chính xác hơn dùng từ ngữ. Ví dụ, gửi hình tháp Eiffel từ một tờ tạp chí sẽ dẫn đến những trang web chứa thông tin về việc tham quan Paris. Còn gửi một đoạn video quay tòa tháp này sẽ dẫn đến những trang web chứa thông tin về giờ mở cửa của tháp hay các địa điểm ăn tối gần đó.

Một trong những ứng dụng hứa hẹn nhất của phần mềm phân tích hình ảnh là trong lĩnh vực phòng chống tội phạm. Công ty Evolution Robotics, tại Pasadena, California, đã bán ra phần mềm dùng trong quản lý siêu thị. Khi khách đến quầy tính tiền, máy sẽ tính rất nhanh tổng số tiền ph ải trả dựa trên việc nhận dạng những món hàng đã mua. Như vậy, loại tội phạm thay mã hàng giá đắt bằng mã hàng giá rẻ không còn đất hoạt động.

Một phần mềm khác, có khả năng nhận dạng kiểu xe, màu sơn và biển số sẽ giúp cảnh sát nhanh chóng phát hiện ra những xe gian đang dùng biển số giả. Dùng khoảng 20 chiếc xe có gắn camera và phần mềm này, người ta đã phát hiện được khoảng 15 xe gian trong vòng hai tháng, một điều trước đây chưa ai làm được.

Phần mềm phân tích hình ảnh và video là một lĩnh vực có nhiều ứng dụng như thế nên được dự báo là sẽ phát triển mạnh trong những năm tới.

VÂN CẦM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới