Cuối năm, lãi suất có thể thay đổi theo chiều hướng tăng
T.Triều thực hiện
![]() |
Ông Đinh THế Hiển. |
(TBKTSG Online) – Trước việc các ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất huy động trở lại, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã phỏng vấn ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính – đầu tư, thành viên Hội đồng Đầu tư ngân hàng Eximbank, xung quanh nguyên nhân của hiện tượng này cũng như xu hướng sắp tới của lãi suất.
– TBKTSG Online: Gần đây, các ngân hàng bắt đầu tăng dần lãi suất huy động, theo ông nguyên nhân là từ đâu?
– Ông Đinh Thế Hiển: Theo quan sát thì thị trường tín dụng bắt đầu có xu hướng tăng trở lại. Quý 1, tình hình tín dụng không khả quan, nhưng đến tháng 4 thì xu thế bắt đầu tăng. Các ngân hàng cũng dự đoán rằng xu thế này sẽ tăng nữa, thông qua các dấu hiệu như là nền kinh tế đã chịu đựng được các tình thế khó khăn và tình hình không quá xấu như đã dự đoán.
Đồng thời với các giải pháp kích cầu của Chính phủ qua việc hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn hơn trong việc vay vốn. Và lẽ hiển nhiên khi nhu cầu tín dụng tăng lên thì các ngân hàng phải tăng nguồn vốn huy động. Một trong những biện pháp tăng nguồn huy động hữu hiệu ở Việt Nam là tăng lãi suất huy động.
– Chính phủ đưa ra nhiều gói kích cầu nhưng chủ yếu là hỗ trợ lãi suất mà phần vốn là do các ngân hàng tự xoay sở. Vậy làm thế nào ngân hàng dung hòa được nguồn huy động và nhu cầu vốn dự kiến là sẽ tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán đang hấp dẫn hơn lãi suất ngân hàng?
– Đối với các khoản cho vay ngắn hạn trong vòng một năm thì vòng quay tiền về ngân hàng có thể nhanh hơn, cho nên mặc dù lượng huy động không tăng nhiều nhưng có thể đáp ứng được nhu cầu vốn. Nhưng các ngân hàng sẽ bị hụt hơi đối với các khoản vay trung dài hạn để đầu tư hoặc bất động sản vì lượng tiền sẽ khó quay về ngân hàng trong thời gian ngắn.
Việc tăng lãi suất của các ngân hàng rõ ràng là để thu hút thêm tiền nhưng nó cũng nằm trong tầm tư duy của ngân hàng, đó là dự báo cùng với sự phát triển trở lại của nền kinh tế, như một người vừa bệnh trở dậy sẽ đòi ăn, thì GDP sẽ tăng và lãi suất ngân hàng cũng sẽ tăng theo. Do đó, các ngân hàng dự báo đến cuối năm nay lãi suất có thể sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng để đáp ứng cho việc khát vốn của đợt phát triển mới này.
– Như vậy, xu hướng lãi suất cơ bản có thể tăng từ đây đến cuối năm?
– Việc này tùy thuộc Chính phủ. Nếu Chính phủ cảm thấy việc giữ lãi suất cơ bản tốt hơn việc tăng lãi suất thì theo tôi nguồn lực của Chính phủ vẫn có thể giữ lãi suất được nhưng lúc đó những ngân hàng nào yếu về huy động sẽ rất mệt. Nhưng cũng có khả năng là Chính phủ sẽ tăng nhẹ lãi suất cơ bản. Để đón đầu cho khả năng này, các ngân hàng đã tăng lãi suất trong thời gian vừa rồi
Nên chú ý việc tăng lãi suất này chỉ diễn ra ở các kỳ hạn từ 1-3 năm, vừa nhằm đáp ứng cho nhu cầu đầu tư trung hạn vừa đón đầu cho việc lãi suất sẽ có xu hướng tăng. Với lãi suất trung hạn khoảng 9%/năm và lãi suất cho vay doanh nghiệp là 10,5%/năm thì tôi cho rằng các ngân hàng vẫn sẽ chịu đựng được bởi vì với dạng vay trung hạn, chi phí vay ít hơn là vay ngắn hạn hoặc vay tiêu dùng cá nhân.
– Theo ông sau việc hỗ trợ về lãi suất, Chính phủ có cần những biện pháp khác để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp?
– Chúng ta nên hoạt động theo cơ chế thị trường, hạn chế tối đa việc dùng sức mạnh tài chính của Nhà nước để hỗ trợ trực tiếp, mà về lâu dài sức lực của Chính phủ cũng sẽ không thể chịu nổi; đồng thời điều này cũng tạo ra tâm lý ỷ lại ở doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng ngành nào cũng yêu cầu sự hỗ trợ.
Việc hỗ trợ lãi suất vừa rồi chỉ là một biện pháp nhất thời trong một thời gian khó khăn nhất định để tạo cú hích cho doanh nghiệp, chứ không nên được áp dụng lâu dài, việc cần thiết là thiết lập cơ chế cho các công ty giảm chi phí trong hoạt động kinh doanh và chấp nhận sự sàng lọc tự nhiên theo cơ chế thị trường.