Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứu doanh nghiệp bằng lãi suất thấp hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứu doanh nghiệp bằng lãi suất thấp hơn

Tư Hoàng

Cứu doanh nghiệp bằng lãi suất thấp hơn
Doanh nghiệp cần tiếp cận vốn với lãi suất rẻ hơn. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng ngày càng có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói hỗ trợ miễn giảm thuế của Chính phủ được Quốc hội thông qua tháng 6-2012.

Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính ngày 5-7, ông Tuấn cho biết, có 60.000 doanh nghiệp kê khai với cơ quan thuế để giữ lại số tiền khoảng 3.000 tỉ đồng trong tháng 4, và có 75.000 doanh nghiệp làm như vậy với số tiền 3.800 tỉ đồng trong tháng 5.

Ông dự kiến có khoảng 82.000 doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ chính sách miễn, giãn nộp thuế trong tháng 6 vừa qua.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết nhóm giải pháp tiếp theo là doanh nghiệp nợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 về trước được chậm nộp thêm 9 tháng nữa. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng giảm tiền thuê đất trong năm 2012 đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

Ông Tuấn nói chính sách đã góp phần tạo vốn cho doanh nghiệp và giúp giải quyết hàng tồn kho.

Theo Thứ trưởng, dự kiến chương trình giảm, giãn thuế trong năm nay sẽ lên đến 35.000 tỉ đồng, tức cao hơn so với 29.000 tỉ đồng mà Chính phủ dự kiến trước đây.

Ông Tuấn cho biết thêm là thu ngân sách nhà nước trong nửa đầu năm nay mới đạt được 46,7% dự toán, là tỷ lệ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Những nỗ lực từ gói chính sách tài khóa của Bộ Tài chính, tuy vậy, không giúp nhiều cộng đồng doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh rất khó khăn, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Ông Tuyển nói: “Từ nay đến cuối năm, để cứu doanh nghiệp thì phải trông chờ vào chính sách tiền tệ, chứ không chỉ vào chính sách tài khóa”.

Ông nói tiếp: “Nếu kinh doanh tiền tệ của chúng ta tốt, lãi suất thấp thì kích thích đầu tư khu vực tư nhân. Do đó, khu vực tiền tệ không làm gì thì không ổn”.

Theo ông Tuyển, doanh nghiệp hiện không tiếp cận được nguồn vốn vì 2 lý do. Thứ nhất là nợ xấu: doanh nghiệp muốn vay nhưng nợ xấu cao quá nên không vay được. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp không có nợ xấu, nhưng do tổng cầu thấp nên chẳng biết vay làm gì.

Lý giải lý do thứ nhất, ông Tuyển nói: “Điều này không trách được ngân hàng thương mại. Nếu không có cách nào xử lý nợ xấu thì ngân hàng không có cách nào cho vay được, hoặc nếu cho vay thì lãi suất cực cao. Mà cực cao thì chẳng doanh nghiệp nào muốn vay cả…. Do đó, cần giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp vay, kích hoạt nền kinh tế”.

Trong khi đó, theo nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá, vướng mắc chính hiện nay không phải chủ yếu ở lãi suất cao hay thấp, mà là vấn đề doanh nghiệp có đến được với ngân hàng hay không.

Ông Giá giải thích, ngân hàng không cho vay được, chứ không phải không được cho vay. Hiện nay, không một ngân hàng nào lo vượt chỉ tiêu cho vay, ngược lại đang cố thực hiện chỉ tiêu cho phép mà không thực hiện được. Vì thế, theo ông, cơ cấu lại nợ để doanh nghiệp đến được với ngân hàng là quan trọng nhất; và đó là trách nhiệm của Nhà nước.

Trong khi đó, số doanh nghiệp chết đi ngày càng tăng cao. Trong nửa đầu năm nay có tới 26.324 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, theo Tổng cục Thống kê.

Trong tổng số 9.331 doanh nghiệp được tổng cục này hỏi, có gần 70% phản ánh nguyên nhân chính làm cho phá sản, giải thể là do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28% phản ánh do nguyên nhân thiếu vốn; 15% phản ánh nguyên nhân không tiêu thụ được sản phẩm.

Hiện tại, cả nước có trên 375.000 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế, theo Tổng cục Thống kê, thấp hơn nhiều so với tổng số 620.000 doanh nghiệp đăng ký cuối năm 2011, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới