Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứu doanh nghiệp, không thể “hà hơi thổi ngạt”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứu doanh nghiệp, không thể “hà hơi thổi ngạt”

Minh Đức

Cứu doanh nghiệp, không thể
Diễn đàn doanh nhân Việt Nam diễn ra ngày 13-10 tại Hà Nội . Ảnh: C.T

(TBKTSG Online) – Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng những khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải được tích tụ từ lâu. Vì vậy, để cứu chữa, phải đi vào căn nguyên, chứ không thể thực hiện các giải pháp cấp bách theo kiểu “hà hơi thổi ngạt”.

Phát biểu trên của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam được đưa ra tại Diễn đàn doanh nhân Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13-10 tại Hà Nội với chủ đề “Giữ vững niềm tin – Vượt qua thách thức”.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, cả người làm doanh nghiệp lẫn người làm chính sách thời gian qua đều bị hút vào mô hình tăng trưởng, vì thế khó khăn chưa được giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cũng đồng quan điểm với người đứng đầu Viện Kinh tế. Ông ví von: “băng giá không thể tan trong một đêm”. Thứ trưởng giải thích rằng, những khó khăn hiện nay bắt nguồn từ những khó khăn từ nội tại kết hợp với bối cảnh thế giới suy thoái.

Theo ông Khánh, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm thuế thu nhập cá nhân, gia hạn thuế, hạ dần lãi suất cho vay… Tuy nhiên, theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao, mặc dù Chính phủ đưa ra nhiều chính sách nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay.

Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thuận Thảo (Phú Yên), cho rằng trước tình thế "thập tử nhất sinh" như hiện nay, không doanh nghiệp nào không cố gắng nỗ lực để “bảo toàn mạng sống”. Theo bà, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh hơn nữa giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, không nên để rơi vào trường hợp “chết rồi mới cứu”.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nói rằng tình hình kinh tế thời gian tới chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Ông cho rằng, các doanh nghiệp cần tự cứu mình trước khi kêu cứu lên Chính phủ.

Ông Lộc dẫn chứng rằng, trong bối cảnh hiện nay, có nhiều doanh nghiệp không những đứng vững mà còn tăng trưởng 30-50%. Đó là những doanh nghiệp không làm ăn theo kiểu đầu cơ mà chú trọng quản trị doanh nghiệp, có hệ thống phòng ngừa rủi ro tốt, biết đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh…

Chủ tịch VCCI đề nghị các doanh nghiệp thành công chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp khác, để cùng nhau đồng sức đồng lòng vì mục tiêu ổn định kinh tế và tăng trưởng bền vững.

Tại diễn đàn này, VCCI đã công bố Khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam quí 3-2012. Báo cáo cho thấy tổng quan tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong quí 3 khó khăn hơn nhiều so với quí 2. Các doanh nghiệp cũng dự báo rằng tổng quan tình hình sản xuất kinh doanh trong quí 4-2012 tiếp tục khó khăn hơn so với quí 3.

Báo cáo cho thấy có 96,7% doanh nghiệp được khảo sát quyết định giữ nguyên quy mô kinh doanh, 18,1% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô kinh doanh đến cuối năm 2012; 11,4% doanh nghiệp có thể giảm quy mô kinh doanh; 0,7% doanh nghiệp có thể tạm dừng hoạt động và 0,2% doanh nghiệp có thể đóng cửa, giải thể.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng năm 2012, đã có khoảng 51.000 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 350,5 nghìn tỉ đồng, giảm 11,7% về số lượng doanh nghiệp nhưng lại tăng 0,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên khoảng 40,2 nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Một điểm đáng lưu ý là trong năm 2011 và 9 tháng 2012, con số doanh nghiệp phải đóng cửa chiếm khoảng 40% tổng số doanh nghiệp phải đóng cửa kể từ khi đổi mới tới nay.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới