Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứu dự án BOT trước nguy cơ đổ vỡ phương án thu phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứu dự án BOT trước nguy cơ đổ vỡ phương án thu phí

Lan Nhi

(TBKTSG Online) – Không nằm trong danh sách được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hay Chính phủ đưa vào xem xét các biện pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19, nhưng các doanh nghiệp BOT được Bộ GTVT gửi một văn bản riêng lên Thủ tướng đề nghị cho phép tăng phí để đảm bảo phương án tài chính của các dự án BOT như hợp đồng đã ký kết.

Điều này nhằm mở "lối thoát" giúp doanh nghiệp có thể bảo đảm kế hoạch trả nợ cho ngân hàng.

Theo đó, trước khó khăn của nhiều doanh nghiệp đầu tư công trình hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) như doanh thu thấp, khả năng trả nợ ngân hàng theo kế hoạch bị ảnh hưởng, hạn chế nguồn vốn trong thực hiện công tác bảo trì…, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều phương án trình Chính phủ nhằm "cứu" các doanh nghiệp này.

Trong đó, phương án được chọn là đề xuất cho phép tăng phí dịch vụ đối với các dự án BOT; thời điểm tăng phí sẽ được tính toán phù hợp để tránh những cú sốc đối với doanh nghiệp và người dân.

Cứu dự án BOT trước nguy cơ đổ vỡ phương án thu phí
Các dự án BOT được Bộ GTVT hậu thuẫn phương án tăng phí để bù đắp doanh thu sụt giảm. Ảnh minh họa: TTXVN

"Phá sản" phương án thu phí vì Covid-19

Theo các số liệu thống kê, hiện tại, Bộ GTVT là đơn vị đứng ra ký hợp đồng với 60 dự án BOT trên cả nước, không bao gồm các dự án do địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Đối với các hợp đồng tài chính mà Bộ GTVT ký với chủ đầu tư các dự án, sau khi lên dự toán phương án tổng mức đầu tư, mức  phí và thời gian thu phí, cơ quan này sẽ rà soát giá thành các dự án trước khi chính thức đưa vào sử dụng và sau khi dự án được kiểm toán. Mức phí và lộ trình tăng phí sẽ được Bộ Tài chính phê duyệt trước khi Bộ GTVT ra quyết định.

Tuy nhiên, trước nhiều lùm xùm về mức phí và thời gian thu phí những năm 2017 về trước, nhất là khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc rút ngắn thời gian thu phí tại nhiều dự án thì nhiều dự án BOT đường bộ đã phải giảm giá vé và giảm giá theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/2016. Nói một cách khác, phương án tài chính của nhiều dự án đã có thay đổi, không thực hiện đúng 100% như hợp đồng mà Bộ GTVT dã ký kết với doanh nghiệp.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, trước khi dịch Covid-19 diễn ra thì cơ quan này đã rà soát số liệu đến hết 2019 và ghi nhận 45/50 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong số này có hai dự án tại Thái Nguyên-Bắc Cạn và Thái Bình doanh thu chỉ đạt 13-15%, 3 dự án tại Thanh Hóa, Thái Bình và trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) chưa được thu phí và tạm dừng việc thu phí.

“Các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để cân đối tài chính và trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay theo hình thức BOT này”, Bộ GTVT báo cáo đến Thủ tướng.

Dịch bệnh Covid-19 càng làm tăng thêm những khó khăn cho chủ đầu tư do việc đảm vảo doanh thu hợp đồng và doanh thu thực tế là hai khoảng cách ngày càng xa nhau. Bộ GTVT cho biết, dịch bệnh và các biện pháp về giãn cách xã hội làm lưu lượng các phương tiện giảm dẫn đến doanh thu giảm.

Tính đến trung tuần tháng 4, đã có 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự báo. Trong số này có 17 dự án doanh thu thực tế dưới 50% so với dự báo. Điều này khiến cho các dự án BOT vốn đã “tan vỡ” phương án tài chính, nay còn "phá sản" nặng nề hơn. Các doanh nghiệp BOT phải dùng nguồn vốn khác bù vào dự án để thực hiện bảo trì và để tránh thành con nợ xấu của ngân hàng.

Tại nhiều dự án BOT, đã qua thời điểm tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng nhưng các dự án đều chưa được phê duyệt và khó được phê duyệt trong thời điểm Chính phủ dùng nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh ảnh hưởng đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nền kinh tế. Doanh nghiệp BOT còn phải thực hiện việc giảm giá vé cho một số phương tiện và miễn giảm giảm giá cho các phương tiện lân cận quanhh trạm thu phí.

Cho phép tăng phí hoặc mua lại một số dự án:

Mức sụt giảm nguồn thu cụ thể tại 58/60 dự án BOT chưa được ước tính ở con số bao nhiêu, nhưng bộ GTVT kiến nghị hai phương án tăng phí BOT đường bộ. Cụ thể, phương án 1 là cho phép tăng phí theo hợp đồng dự án. Giao Bộ GTVT lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chi phí vận tải. Đồng thời, Bộ muốn Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí khi cần thiết.

Phương án 2 là vẫn giữ nguyên mức phí hiện tại và bắt đầu tăng phí theo lộ trình từ 2022. Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ các dự án khi chưa được tăng giá theo hợp đồng.

Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chấp thuận phương án 1 để không phải bố trí ngân sách bù lỗ cho các dự án. Đồng thời chỉ đạo ngân hàng có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ …đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng BOT, giảm lãi vay (tính từ 1-2-2020 đến khi công bố hết dịch bệnh cộng thêm 3 tháng).

Mặt khác,có thể giao Bộ GTVT tính toán kinh phí nhà nước hỗ trợ các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với doanh thu dự toán trong hợp đồng và các dự án chưa được thu phí.”Trường hợp cần thiết đề xuất Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án ”, Bộ GTVT nhấn mạnh việc này lấy từ ngân sách kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Giảm lãi vay phát sinh cho doanh nghiệp BOT

Ngoài những đề xuất trên, Bộ GTVT còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi vay phát sinh cho các doanh nghiệp BOT trong thời gian dịch bệnh, đồng thời có giải pháp như tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án.

Với các dự án có doanh thu thực tế giảm trên 50% so với so với doanh thu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký và các dự án chưa được thu phí, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng giao bộ tính toán kinh phí cần thiết để hỗ trợ các dự án. Trường hợp cần thiết, đề xuất để Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án.

Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để cân đối kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025; chấp thuận cho các doanh nghiệp giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2019, 2020.

Cũng theo Bộ GTVT, hiện có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo.

DY

 

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới