Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cựu Tổng giám đốc VINAFOOD II khiếu nại cơ quan điều tra

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cựu Tổng giám đốc VINAFOOD II khiếu nại cơ quan điều tra

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công An) đã có kết luận bị can Huỳnh Thế Năng, Cựu Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (VINAFOOD II) về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó, có việc làm giảm hàng trăm tỉ đồng vốn chủ sở hữu tại Tổng công ty này. Tuy nhiên, ông Năng cho rằng, dưới thời ông làm Tổng Giám đốc, chẳng những không làm giảm, mà còn góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu của VINAFOOD II trên 260 tỉ đồng.

Ông Huỳnh Thế Năng, Cựu Tổng giám đốc VINAFOOD II vừa có đơn khiếu nại gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với bản kết luận điều tra số 33/CSKT-P12 ngày 10-6-2020 của Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công An).

Theo ông Năng, việc Cơ quan điều tra cho rằng “đã làm giảm vốn chủ sở hữu tại VINAFOO II với số tiền 651 tỉ đồng” là không chính xác.

Theo đó, đối với con số 651 tỉ đồng mà Cơ quan điều tra đã quy kết, ông Năng cho rằng đã có sự nhầm lẫn về mặt thứ tự của những chữ số (lẽ ra phải là 561 tỉ đồng, nhưng lại bị đảo thành 651 tỉ đồng). Bởi, căn cứ vào Biên bản xác minh ngày 27-4-2020 của Cơ quan điều tra tại VINAFOOD II thì: vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31-3-2014 của Tổng Công ty (tức 14 ngày trước khi ông nhận nhiệm vụ) là 4.456.546.859.372 đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 30-9-2017 của Tổng Công ty (tức sau khoảng 2 ngày kể từ khi ông nhận quyết định nghỉ hưu) là 3.895.168.231.657 đồng.

“Như vậy, nếu lấy vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30-9-2017 trừ đi vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31-3-2014, thì chênh lệch vốn chủ sở hữu giữa hai thời điểm này chỉ có 561.378.627.715 đồng, không phải 651 tỉ đồng như kết luận điều tra đã nhận định”, ông Năng nhấn mạnh trong đơn khiếu nại và cho rằng hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng đã có sự nhầm lẫn “về mặt con số” trong trường hợp này.

Đối với nhận định của Cơ quan điều tra khi cho rằng ông đã làm giảm vốn sở hữu tại VINAFOOD II, ông Năng cho rằng, khi tiến hành nhận bàn giao nhiệm vụ vào ngày 14-4-2014 từ ông Nguyễn Ngọc Nam (Quyền Tổng Giám đốc trước đó), thì ông chỉ được “bàn giao về quyền hạn, trách nhiệm của Tổng Giám đốc”, không được “bàn giao chính thức về tài chính”.

Cựu Tổng giám đốc VINAFOOD II khiếu nại cơ quan điều tra
Ông Huỳnh Thế Năng, Cựu Tổng giám đốc VINAFOOD II. Ảnh: Trung Chánh

Chính vì vậy, theo ông Năng, việc xác định vốn chủ sở hữu tại Tổng Công ty không được tiến hành tại thời điểm ông nhận nhiệm vụ (ngày 14-4-2014- PV), mà được căn cứ vào thời điểm ngày 31-3-2014. “Việc xác định vốn chủ sở hữu tại thời điểm này chưa trừ đi các khoản lỗ phát sinh từ do hệ luỵ của thời kỳ trước để lại cũng như những khoản lỗ mặc dù phát sinh vào thời điểm tôi đang làm Tổng Giám đốc, nhưng nguyên nhân của việc phát sinh lỗ lại hoàn toàn đến từ những nguyên nhân khách quan”, ông cho biết.

Theo ông Năng, vấn đề này đã được ông trình bày trong các bản tự khai được ông gửi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát tối cao, nhưng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét một cách thấu đáo. “Sẽ thật bất công với tôi nếu như bắt tôi phải gánh chịu cả những khoản lỗ mà nguyên nhân của việc phát sinh hoàn toàn do hệ luỵ từ thời kỳ trước để lại và do các nguyên nhân khách quan mà hoàn toàn không xuất phát từ lỗi hoặc do sự thiếu trách nhiệm của tôi”, ông nhấn mạnh trong đơn khiếu nại.

Ông Năng dẫn chứng, căn cứ vào biên bản xác minh ngày 27-4-2020 của Cơ quan điều tra tại VINAFOOD II, thì trong năm 2014, Công ty mẹ hoạt động kinh doanh lỗ trước thuế là 873.331.507.576 đồng, bao gồm (i) lỗ từ hoạt động kinh doanh: 391,394 tỉ đồng; (ii) trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi lỗ: 256,644 tỉ đồng; (iii) trích lập dự phòng đầu tư tài chính lỗ: 198,942 tỉ đồng và (iv) trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho lỗ: 36,451 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Năng, trong tổng số tiền lỗ 873.331.507.576 đồng như nêu trên, thì có đến 824,369 tỉ đồng tiền lỗ là do hệ luỵ của thời kỳ trước và các nguyên nhân khách quan (chiếm tỷ lệ hơn 94%).

Về vấn đề nêu trên, theo ông Năng đã được thể hiện rõ tại biên bản giám sát tài chính năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Báo cáo số 308/TCTKT-BC ngày 31-5-2016 của Phòng Tài chính Kế toán Tổng Công ty về việc phân tích nguyên nhân lỗ luỹ kế đến thời điểm 31-3-2015.

Cụ thể, lỗ do hệ luỵ từ thời kỳ trước để lại (574,090 tỉ đồng), bao gồm khoản lỗ 118,504 tỉ đồng trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến thuỷ sản không hiệu quả, phải tạm dừng hoạt động; khoản lỗ 256,644 tỉ đồng do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi từ năm 2013; khoản lỗ 198,942 tỉ đồng từ việc trích lập dự phòng đầu tư tài chính do hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả từ những năm trước;

Lỗ do nguyên nhân khách quan (250,279 tỉ đồng), bao gồm khoản lỗ 36,451 tỉ đồng do trích lập dự phòng giảm giá tồn kho; khoản lỗ 213,828 tỉ đồng xuất phát từ việc chấp nhận lỗ để thực hiện đúng cam kết trong việc xuất khẩu 600.000 tấn gạo sang Philippines.

“Những nguyên nhân và hệ luỵ này cũng được khẳng định trong Thông báo kết luận số 155/TB-VPCP ngày 27-04-2015 của Thủ tướng Chính phủ và Kết luận Thanh tra số 2734/KL-TTCP ngày 25-09-2015 Thanh tra Chính phủ”, ông nhấn mạnh trong đơn khiếu nại.

Như vậy, theo ông Năng, tổng các khoản lỗ do hệ luỵ từ thời kỳ trước để lại và do các nguyên nhân khách quan là 824,369 tỉ đồng. “Nếu như trừ đi con số 824,369 tỉ đồng này thì vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2014 sẽ chỉ còn lại 3.632.177.859.372 đồng và con số khi tôi bàn giao tại thời điểm nghỉ hưu là 3.895.168.231.657 đồng” ông cho biết và thông tin rằng, điều đó đồng nghĩa ông không làm giảm vốn chủ sở hữu như kết luận điều tra đã quy kết, mà trái lại đã góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, từ 3.632.177.859.317 đồng lên 3.895.168.231.657 đồng, tức tăng 262.990.372.285 đồng.

Khiếu nại nhiều kết luận khác của Cơ quan cảnh sát điều tra

Trong đơn khiếu nại, ông Năng cho biết, việc Cơ quan điều tra nhận định ông đã “Thiếu chỉ đạo sâu sát đối với công tác kiểm kê, giao khoán cho AASC (Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC- PV)” là hoàn toàn không có cơ sở.

Ông Năng không đồng ý với nhận định của Cơ quan điều tra khi cho rằng “05 đoàn kiểm tra không lập kế hoạch, việc kiểm tra chỉ trên sổ sách kế toán mà không chỉ đạo kiểm tra thực tế tồn kho, đối chiếu công nợ khách hàng”.

Việc Cơ quan điều tra nhận định ông đã “Không sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tại ngân hàng, để Công ty Lương thực Trà Vinh sử dụng vốn sai mục đích, đảo nợ, chuyển tiền thông qua các hợp đồng mua bán khống, gây thiệt hại tài sản Nhà nước”, ông Năng cho rằng không đúng.

Theo ông Năng, việc Cơ quan điều tra cho rằng “do bị can không nắm rõ về tài chính kế toán, quá tin tưởng vào kết quả kiểm toán và kiểm tra số liệu của Phòng Tài chính Kế toán nên không kiểm tra, thẩm định dẫn đến ký Báo cáo tài chính năm của Tổng Công ty các năm 2013, 2014, 2015, 2016 trình Hội đồng thành viên và chủ sở hữu không chính xác, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và tài chính của Tổng công ty” là nhận định mang tính chủ quan, áp đặt trách nhiệm.

Ngoài ra, theo ông Năng, cơ quan điều tra chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi mà một số cá nhân, tổ chức có liên quan đã thực hiện, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới