Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cứu Vinashin không phải là cứu ngành đóng tàu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cứu Vinashin không phải là cứu ngành đóng tàu

Ngọc Lan

Ngành đóng tàu Việt Nam không được lợi gì từ việc Chính phủ cứu Vinashin. Ảnh: Lã Anh.

(TBKTSG) – Chính phủ quyết định “cứu” tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bằng cách điều chuyển doanh nghiệp, chuyển nợ rồi tiếp tục bơm vốn, khoanh nợ, giãn nợ… là những thông điệp không hay cho nền kinh tế đang bắt đầu tái cấu trúc – theo quan điểm của một số chuyên gia.

Không sòng phẳng?

Trao đổi với TBKTSG, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thời điểm và cách mà Chính phủ tái cơ cấu Vinashin được xem là “đột ngột”, thậm chí đi ngược lại cả một nền kinh tế đang vận hành theo chiều hướng tái cấu trúc, trong đó mấu chốt là tái cấu trúc khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

“Vinashin luôn được trì hoãn thanh tra, kiểm toán từ năm ngoái đến năm nay đã là không hay rồi”, bà Lan nhận định và nói thêm, “Quốc hội giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng từng chỉ ra những yếu kém của khối doanh nghiệp này và những hậu quả có thể xảy ra mà Vinashin là một trong những doanh nghiệp luôn được dẫn chứng. Nếu là doanh nghiệp khác, với những hậu quả, số nợ và cách quản trị như vậy chắc chắn phải để phá sản”.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cho rằng việc Chính phủ “cứu” Vinashin là một thông điệp không mang tính cảnh báo cho các tập đoàn, DNNN khác cũng như cho toàn bộ nền kinh tế.

Ba động tác cứu Vinashin: chuyển nợ, giãn nợ và bơm vốn là ba động tác rất mạnh của Chính phủ, khiến một số tập đoàn, DNNN có thể suy diễn theo kiểu cứ có vấn đề rồi Chính phủ sẽ cứu – các chuyên gia này nói. Việc cứu Vinashin, theo bà Lan, là “quá tốt với họ nhưng với nền kinh tế thì không”.

Đi ngược tái cấu trúc

Vốn điều lệ của Vinashin hiện có là 9.000 tỉ đồng. Sau khi có quyết định chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên kể từ ngày 1-7, vốn điều lệ của họ được nâng lên 14.655 tỉ. Con số 5.655 tỉ đồng vốn bổ sung lấy từ đâu?

Theo chỉ định của Chính phủ là từ Quỹ Hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp trung ương, tính ra lấy một phần năm tổng quỹ này (có gần 25.000 tỉ, tính đến hết năm 2008). Tổng Quỹ Hỗ trợ và sắp xếp doanh nghiệp từ đó đến nay không tăng lên bao nhiêu do toàn bộ số tiền chỉ được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) gửi tại các ngân hàng thương mại để lấy lãi, một phương án dùng vốn đã bị Quốc hội đánh giá là rất kém hiệu quả.

“Chính phủ không ưu ái Vinashin và Vinashin hay các doanh nghiệp khác phải hoạt động theo quy định của pháp luật. Chính phủ yêu cầu phải kiểm điểm trách nhiệm của cá nhân, tập thể ban lãnh đạo ở tập đoàn này và sai phạm phải xử lý vì đây là vấn đề mà báo giới và nhân dân đều quan tâm”.

(Ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói ngày 2-7)

Năm 2009, do cả nước chỉ cổ phần hóa được 56 doanh nghiệp nên vốn bổ sung cho quỹ cũng không phải là nhiều và việc lấy đến hơn một phần năm quỹ dành riêng cho Vinashin làm đồng vốn nhà nước thu về sau nhiều năm cổ phần hóa tiếp tục bị hao hụt một cách đáng kể.

Vinashin còn được Chính phủ tiếp tục cho phép vay lại khoản phát hành trái phiếu (hiện chưa có con số cụ thể). Ở thời điểm này, theo phân tích của ông Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi đồng vốn của nền kinh tế, của các tổ chức tín dụng đổ vào mua trái phiếu với lãi suất khá cao (từ xấp xỉ 10-11,6%/năm) thì không thể xem là tín hiệu đáng mừng vì đây là biểu hiện “tắc” đầu ra tín dụng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Ông còn cho rằng, vốn trái phiếu mà được Chính phủ đổ vào các dự án có hiệu quả thì đáng mừng. Còn ngược lại, nó có thể đem đến những hệ lụy cho nền kinh tế, dẫn đến hệ số ICOR rất cao, bội chi ngân sách và lạm phát tiếp tục có tác động xấu và hậu quả có thể kéo dài trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, một phần trong số tiền 500 triệu đô la Mỹ mà Việt Nam vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từ Quỹ Hỗ trợ khắc phục khủng hoảng hồi tháng 9 năm ngoái cũng sẽ được giải ngân cho Vinashin. Đây là khoản vay theo nguồn vốn tín dụng thông thường, với lãi suất thương mại (OCR), chưa kể đến phí cam kết (0,75%/năm) và các khoản phí chênh lệch khác theo điều kiện của ADB. Số tiền này hiện đang được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) quản lý với tiêu chí giải ngân ban đầu mà Chính phủ đặt ra là chỉ cho vay các dự án phù hợp và đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn (năm năm). Một lãnh đạo BIDV cũng khẳng định với TBKTSG: “Vì là vốn vay theo lãi suất thương mại nên rất cẩn trọng khi giải ngân”.

Do đó, nếu rót vốn từ quỹ này cho Vinashin vay, người ta cũng có quyền đặt câu hỏi về khả năng trả nợ đúng hạn theo các điều kiện nêu trên, nhất là cho vay để Vinashin hoàn thành nốt các dự án đóng tàu dở dang mà không đợi có chủ tàu mới. Theo phân tích của Cục Hàng hải Việt Nam hồi cuối tháng 5 vừa qua, ngành vận tải biển thế giới vẫn trong cơn suy thoái với 511 tàu container của các hãng lớn trên thế giới đã ngừng hoạt động. Số tàu còn lại phải giảm giá cước, đánh tụt hạng để tiết kiệm chi phí và đây là cơ hội để mua được các tàu hiện đại với giá rẻ có lợi hơn nhiều lần so với đóng tàu mới.

Mặt khác nữa, cho Vinashin vay thêm trong lúc này cũng khiến họ tiếp tục “mắc cạn” theo kiểu nợ chồng nợ. Bởi tính riêng lãi suất trái phiếu 750 triệu đô la Mỹ hàng năm mà họ phải trả tính ra đã trên 50 triệu đô la, chưa kể đến việc huy động ngoại tệ để bắt đầu trả nợ gốc. Trong khi ấy, Cục Hàng hải dự báo ngành vận tải biển nhanh nhất cũng phải sau gần hai năm nữa mới có dấu hiệu hồi phục.

Cứu Vinashin không phải là cứu ngành đóng tàu

Theo bà Phạm Chi Lan, Vinashin hay bất cứ doanh nghiệp có vốn nhà nước nào trên bờ vực phá sản đáng lẽ cần phải được cải tổ, chấn chỉnh vài năm để chứng tỏ sức tồn tại đến đâu. Nay, họ chưa cần bất cứ nỗ lực cải tổ, thay đổi nào đã được chuyển nợ, bơm vốn. “Làm như vậy thì làm sao họ có động lực mạnh để cải cách và nâng cao sức cạnh tranh?” – bà đặt câu hỏi.

Cứu Vinashin cũng không đồng nghĩa với việc cứu ngành đóng tàu mà Nhà nước đã kỳ vọng và đầu tư. Bởi bà Lan nhận định muốn duy trì ngành đóng tàu, không phải bỏ tất cả tiền của và hy vọng vào “cái thùng không đáy” Vinashin trong khi nếu đưa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài khác đầu tư vào lĩnh vực này thì vừa nâng cao sức cạnh tranh cho Vinashin, vừa hạn chế tiêu tiền nhà nước.

Cứu Vinashin, trong mắt các chuyên gia kinh tế, còn là hành động không công bằng với các ngành khác. Ngành đóng tàu chưa phải ưu tiên số 1 của nền kinh tế lúc này, cũng chưa chứng minh được việc rót thêm vốn sẽ giúp làm ăn có hiệu quả hơn, trong khi nhiều ngành khác đang khổ sở vì thiếu vốn, thiếu đầu tư. “Ngành điện hay cơ sở hạ tầng cần vốn đầu tư hơn nhiều và tạo hiệu quả ngay”, bà Lan nói. Vì ngành điện thiếu vốn và không được đầu tư đến nơi nên hiện đã gây ảnh hưởng toàn xã hội, đến môi trường đầu tư của Việt Nam, đến các ngành xuất khẩu vốn đang mang lại lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế.

Bà Lan nhận định việc Việt Nam sử dụng vốn vay từ nước ngoài để cứu một tập đoàn như Vinashin – vốn đã được nhiều bên cho vay cảnh báo về hiệu quả sử dụng vốn, có thể làm cho uy tín vay nợ của Việt Nam bị ảnh hưởng. “Họ cũng có quyền nghĩ những hành động kiểu như vậy là biểu hiện của một nhóm lợi ích và chỉ một nhóm lợi ích được hưởng”.

Trong những năm qua tập đoàn (Vinashin) đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đối với những vi phạm của tập đoàn Vinashin; chỉ đạo các ngành chức năng (thanh tra, kiểm toán, tài chính, ngân hàng) đánh giá toàn diện, đúng thực chất đối với Vinashin, từ đó rút kinh nghiệm đối với các tập đoàn khác trong những quyết định chủ trương đầu tư, quyết định xây dựng các công trình từ Hải Hà (Quảng Ninh) đến Cà Mau; có cơ chế đặc thù về tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, nhất là cơ chế thẩm định việc huy động, sử dụng vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước.

(Trích Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới