Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đã bán được trái phiếu!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đã bán được trái phiếu!

Lưu Hảo

Lãi suất cao là yếu tố chính giúp trái phiếu tăng sức hấp dẫn. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Bộ Tài chính có thể thở phào vì ngày 10-3-2010 đợt ba phát hành trái phiếu chính phủ của năm nay bất ngờ thành công ngoài dự kiến khi 3.020 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm và 200 tỉ đồng kỳ hạn ba năm đã bán được. Người mua là các ngân hàng Hàng hải, Vietinbank, Techcombank, ACB, Quốc tế, Eximbank, BIDV… nhiều nhất là 800 tỉ đồng, ít nhất là 20 tỉ đồng.

Ngày 18-3-2010 đợt đấu thầu trái phiếu tiếp theo với số lượng 1.000 tỉ đồng sẽ diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đang được hy vọng sẽ thành công.

Yếu tố làm nên sự bất ngờ lần này của trái phiếu chính là lãi suất. Bộ Tài chính đã chấp thuận lãi suất trúng thầu của cả hai kỳ hạn nói trên là 12%/năm, đúng bằng trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, cao hơn mức lãi suất ấn định cho đợt phát hành lần trước vào tháng 2-2010 tới 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lãi suất đó vẫn còn thấp hơn nhiều lãi suất thực mà các doanh nghiệp đang vay thỏa thuận ở ngân hàng. Song, các tổ chức tín dụng vẫn mua vì có thể dùng trái phiếu để giao dịch trên thị trường mở. Phó tổng giám đốc một ngân hàng tính toán có thể giao dịch trái phiếu để lấy tiền đồng ngắn hạn trên thị trường mở với lãi suất khoảng 8%/năm cho các kỳ hạn 1-4 tuần.

Vấn đề là liệu các ngân hàng có tiếp tục mua thêm hàng chục ngàn tỉ đồng trái phiếu nữa và Bộ Tài chính có ấn định một mặt bằng lãi suất cao hơn? Khả năng mua thêm khối lượng lớn đối với các tổ chức tín dụng là khó vì họ không huy động được nhiều vốn với lãi suất thấp. Hơn nữa, tổng giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường mở cũng có giới hạn, không phải cứ có giấy tờ có giá là vay được tiền qua kênh này. Đã có thời kỳ NHNN hạn chế lượng tiền bơm ra qua thị trường mở tối đa 7.000 tỉ đồng/ngày.

Việc nâng lãi suất trái phiếu của Bộ Tài chính phản ánh đúng cung cầu thị trường bởi từ đầu tháng 3-2010 lợi suất trái phiếu giao dịch trên sàn Hà Nội đã vượt quá 11,5%/năm. Giới tài chính đang nghiêng về nhận định trong ngắn hạn trước mắt có khả năng lãi suất trái phiếu còn tăng và đứng ở mức cao nếu trần lãi suất huy động của ngân hàng không được tháo gỡ.

Hiện tại, do phát triển tín dụng khó khăn, một số ngân hàng đang cơ cấu lại danh mục trái phiếu và thậm chí đặt mục tiêu tập trung kinh doanh trái phiếu, kể cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu quốc tế. Năm ngoái, có ngân hàng thay vì gửi ngoại tệ ở nước ngoài, đã đầu tư ngắn hạn vào trái phiếu chính phủ các nước có độ an toàn khá cao và thu được lợi nhuận đáng kể. Một trong những hướng mà ngân hàng hướng tới là trái phiếu doanh nghiệp. Khi không vay được vốn ngân hàng với lãi suất quy định, các doanh nghiệp thường phát hành trái phiếu kỳ hạn 1-2 năm với lãi suất thả nổi, chẳng hạn bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng của tổ chức tín dụng cộng thêm 3-4 điểm phần trăm. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp không bị hạn chế bởi trần lãi suất của NHNN.

Tuy vậy, trái phiếu doanh nghiệp nội địa không phải là sản phẩm an toàn tuyệt đối. Có ngân hàng mua trái phiếu phát hành bởi một tập đoàn quốc doanh được sự bảo lãnh của Chính phủ, lãi trả ấn định mỗi năm một lần vào ngày 31-12. Nhưng đến hạn trả lãi, tập đoàn có văn bản gửi chủ sở hữu trái phiếu xin lùi thời hạn trả lãi thêm ba tháng!

Theo kế hoạch của Chính phủ, năm nay vốn trái phiếu chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương là 56.000 tỉ đồng, trong đó cho năm bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an là 20.200 tỉ đồng. Phần còn lại bố trí cho các địa phương. Căn cứ vào số trên, Bộ Tài chính phải phát hành ít nhất 56.000 tỉ đồng trái phiếu cho ngân sách, chưa kể số lượng phải phát hành thêm để trả các khoản tạm ứng của Kho bạc và một số tập đoàn, tổng công ty trong năm ngoái vì năm 2009 lượng trái phiếu phát hành không đạt chỉ tiêu đề ra. Từ đầu năm đến nay, tổng số trái phiếu phát hành mới được 3.297 tỉ đồng, tương ứng 5,8% vốn giao cho các bộ, địa phương, một tỷ lệ quá thấp so với kế hoạch.

Năm 2007 phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đã thu hút đông đảo nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Nhưng hiện tại nước ngoài hầu như không tham gia đấu thầu trái phiếu. Nguyên nhân chủ yếu khiến họ e ngại là sự lên giá của đô la Mỹ so với tiền đồng và trở ngại khi bán trái phiếu, mua ngoại tệ chuyển lợi nhuận ra ngoài. Tính từ tháng 11-2009 đến nay, sau hai đợt điều chỉnh tỷ giá hối đoái, đô la Mỹ đã lên giá tổng cộng 6,8% so với tiền đồng. Giả sử tỷ giá được cố định đến hết năm và tổ chức nước ngoài mua trái phiếu bằng tiền đồng lãi suất 12%/năm, thì chênh lệch lợi nhuận 5,2%/năm không phải là mức hấp dẫn đối với một thị trường như Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới