Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Không hoang phí nỗ lực đàm phán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Không hoang phí nỗ lực đàm phán

TS. Phạm Sỹ Thành

(TBKTSG) – Indonesia đã công bố tin “chấn động” giới đầu tư và tài chính khu vực: Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định bước đầu chuyển 27 nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia ngay sau cuộc điện đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo bàn về hợp tác giữa hai nước trong và sau đại dịch Covid-19. Việt Nam đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng một chiến lược toàn diện về ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), hiện nay là thời điểm để cải thiện chất lượng cho việc đa dạng hóa đó để cạnh tranh thu hút đầu tư, với Indonesia chẳng hạn.

 

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng: Không hoang phí nỗ lực đàm phán
Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thuận lợi trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng mở rộng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ảnh: LÊ ANH

Dịch chuyển chuỗi cung ứng: thiên thời – địa lợi và thiên tai – rủi ro

Ít người nhận ra rằng, chuỗi cung ứng đã dịch chuyển bởi tác động của hai nhóm yếu tố (i) những gì ý chí không thay đổi được và (ii) những chính sách do ý chí tác động.

Về mặt chính sách mang tính ý chí, dưới thời Tổng thống Donald Trump, nước Mỹ đã sử dụng bốn công cụ chính sách quan trọng (gồm cả thuế quan và phi thuế quan) để “đưa các công ty Mỹ ra khỏi Trung Quốc”. Đây là một chiến lược dài hạn và được tiến hành với nhiều cấp độ. Không thể phủ nhận rằng, ý tưởng có vẻ “lạ đời” đó đang ngày càng trở thành hiện thực trước hết bởi các chính sách của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, và sau đó, bị thúc đẩy bởi đại dịch toàn cầu Covid-19.

Sau hai năm thương chiến, thuế quan trung bình Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 3,1% lên 19,3%. Với mức thuế này, các công ty đặt ở Trung Quốc muốn tăng xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải tính đến việc chuyển bớt công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Sự thay đổi của công nghệ cũng tạo ra một thời cơ cho việc tổ chức lại chuỗi cung ứng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn. Nhưng điều này cũng hàm ý rằng, các nước không kịp thay đổi với bước tiến công nghệ hoặc duy trì các chính sách quá bảo thủ sẽ nhanh chóng bị bỏ lại trên đường đua.

Nhưng chuỗi cung ứng còn dịch chuyển nhanh bởi “thiên tai”. Thiên tai đáng chú ý nhất, hiển nhiên là đại dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tê liệt trong suốt hai tháng đầu năm 2020. 14 tỉnh và thành phố bị phong tỏa trong đợt dịch đóng góp 69% GDP cũng như 78% xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 12-2019. Ba nhóm doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến chuỗi cung ứng chiếm tới 66,14% tổng số doanh nghiệp của vùng dịch bệnh. Điều này, đi kèm với nhiều chính sách mang tính chính trị của Trung Quốc, như hạn chế xuất khẩu vật tư y tế, khiến nhu cầu đảm bảo “an ninh nguồn cung” trở nên bức thiết hơn.

Ngoài yếu tố mang tính bị động đó, sự thay đổi của công nghệ cũng tạo ra một thời cơ cho việc tổ chức lại chuỗi cung ứng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn. Nhưng điều này cũng hàm ý rằng, các nước không kịp thay đổi với bước tiến công nghệ hoặc duy trì các chính sách quá bảo thủ sẽ nhanh chóng bị bỏ lại trên đường đua.

Bản chất của chuỗi cung ứng là sự phân công lao động dựa trên lợi thế của mỗi nước. Phải mất nhiều thập kỷ để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hiện tại, với lực lượng lao động khổng lồ và cơ sở hạ tầng vượt trội như Trung Quốc. Nên không quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn hoặc chóng vánh trong khả năng ấy. Nhưng các yếu tố nêu trên đang tạo ra một cơ hội cho Việt Nam khi các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang thúc đẩy một sáng kiến hợp tác mới.

Việt Nam cần nâng cao chất lượng của việc đa dạng hóa nguồn cung

Chuỗi cung ứng được định hình bởi phần cứng là các doanh nghiệp – những chủ thể tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và sản xuất, nhưng một phần mềm vô cùng quan trọng giúp xác định chuỗi cung ứng thực sự thế nào chính là thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan đến thương mại hàng hóa và đầu tư. Mỗi một FTA không chỉ là cánh cổng để các doanh nghiệp xuất khẩu tìm đến các thị trường dễ dàng hơn, mà còn là một cánh cổng sàng lọc các nguồn cung đầu vào.

Do đó, tiếp cận về đa dạng hóa nguồn cung không chỉ cần từ góc độ “phần cứng” là sự sắp xếp lại của các nhà máy, công ty theo phạm vi địa lý mà còn cần theo dõi cả sự dịch chuyển của “phần mềm”, đó chính là các quy định vượt ra ngoài phạm vi địa lý giữa các quốc gia với nhau để đạt được các ưu đãi đã ký kết. Ở khía cạnh này, Việt Nam trên thực tế đã thực hiện đa dạng hóa nguồn cung sớm hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á. Chúng ta có FTA với các nền kinh tế Á – Âu do Nga dẫn đầu (FTA này giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng về sắt thép); chúng ta có FTA với Liên minh châu Âu (EU) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nơi mà quy định xuất xứ nguồn cung hạn chế rất nhiều việc phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc.

Vì sao Việt Nam đã sẵn sàng để tham gia đa dạng hóa chuỗi ứng khu vực?

Như đã nêu ở trên, đối với Việt Nam, việc tham gia vào chuỗi cung ứng mở rộng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đứng trước rất nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, Việt Nam đã có sẵn các FTA với tất cả các đối tác trong nhóm này. Việc tham gia vào lời mời hay không trên thực tế chỉ là đồng ý làm một việc mà các doanh nghiệp đa quốc gia và cả doanh nghiệp Việt Nam đã tự động làm sau khi Việt Nam ký hàng loạt FTA – đầu tư và chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế quan. Nhìn vào sơ đồ “bộ tứ kim cương mở rộng", nếu bỏ Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc ra thì sẽ có các thành viên của CPTPP, nếu bỏ Mỹ và Ấn Độ chúng ta sẽ có các thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Với Hàn Quốc và Nhật Bản thì Việt Nam thậm chí còn có bốn FTA (hai song phương và hai đa phương trong khung khổ của ASEAN). Với Úc và New Zealand, chúng ta cũng đã có một FTA đa phương.

Như vậy, về mặt đầu tư và ưu đãi thuế quan – điều mà các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu khi lựa chọn địa điểm đặt nhà xưởng – Việt Nam hoàn toàn không cần chuẩn bị gì thêm và có lợi hơn so với tất cả các nước Đông Nam Á khác. Đây là một điều kiện vàng mà Việt Nam đã chuẩn bị được. Và tuyệt nhiên không nên hoang phí.

Thứ hai, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ có Singapore có thể so sánh với Việt Nam về mức độ tham vọng trong chính sách ngoại thương, và cũng chỉ có quốc gia này so sánh được với Việt Nam về việc có các FTA chất lượng cao, thế hệ mới. Do đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng mới nhằm đa dạng hóa nguồn cung sẽ không gây nhiều khó khăn cho Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến sản xuất và xuất xứ hàng hóa.

Thứ ba, tham gia chuỗi cung ứng này là một cơ hội để thúc đẩy tiến tới ký một FTA song phương với Mỹ – điều mà quy mô thương mại cũng như nhu cầu hợp tác giữa hai bên đã tạo ra các cơ hội ngày càng rõ nét.

Thứ tư, việc tham gia vào một hoạt động kinh tế phục vụ doanh nghiệp với cách làm “theo dự án” (project-base) giúp Việt Nam hạn chế rất nhiều các vấn đề mang tính nhạy cảm về chính trị hoặc đối ngoại. Việt Nam không cần phải ký kết bất kỳ bản ghi nhớ, thỏa thuận hay hiệp định. Chúng ta chỉ cần tạo điều kiện thuận lợi về chính sách để doanh nghiệp tận dụng đầy đủ các FTA đã ký kết hoặc sắp có hiệu lực. Việt Nam có thể bỏ qua những “dèm pha” của các nước khác để làm điều có lợi cho mình.

Để tham gia vào các sáng kiến về đa dạng hóa nguồn cung, Việt Nam trước mắt cần tập trung vào hai việc. Thứ nhất là có một chỉ đạo đủ mạnh để điều phối quan hệ giữa các bộ ngành, ban hành được các chính sách nhất quán với nhau. Thứ hai, rà soát văn bản chính sách, loại bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết FTA, tăng cường đẩy mạnh tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới