Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đã đến lúc kích cầu?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đã đến lúc kích cầu?

Việc chuyển đổi thị trường là rất khó đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam, vì chủ yếu các mặt hàng phục vụ gia công và xuất khẩu – Ảnh: LT.

(TBKTSG Online) – Việt Nam đã thoát khỏi lạm phát chưa? Thế giới đã dùng đến nhiều gói giải cứu nền kinh tế, Việt Nam có cần không? Nhiều câu hỏi như vậy đã được đặt ra cho các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong khuôn khổ buổi tọa đàm về môi trường kinh doanh 2009 do VCCI tổ chức.

Lạm phát chưa dễ rời bỏ

Tâm lý chung của các chuyên gia kinh tế vĩ mô như Lê Đăng Doanh, Trần Đình Thiên, Dương Thu Hương và một số người khác thể hiện qua những phát biểu tại buổi tọa đàm hôm 24-11 tại Hà Nội cho thấy, nỗi lo về lạm phát kinh tế chưa hẳn đã qua đi, dù Chính phủ đã có những cố gắng và đạt kết quả trong việc kiềm chế lạm phát trong năm nay.

Đó là chưa kể đến những suy nghĩ đầy trăn trở khác về giảm phát, suy giảm đầu tư hay cần sử dụng các “gói” kích thích kinh tế hay chưa.

Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, suy giảm kinh tế toàn cầu khiến thế giới đang đứng trước nguy cơ giảm phát về tiêu dùng và sản xuất. Nhưng ông e ngại, khi mà nhiều quốc gia lần lượt đưa ra các gói tài chính để cứu kinh tế thì nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại trong năm tới. Việt Nam chưa phải thực sự đã vượt qua lạm phát mà mới chỉ kiềm chế được bước đầu, nên lo lắng có thể nhiều hơn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng có phần lạc quan khi cho rằng, khi bị dồn đến chân tường thì các doanh nghiệp trong nước sẽ tự tìm được đường ra và hy vọng vào một sự tăng trưởng cho thời kỳ hậu lạm phát. Có điều, thoát khỏi lạm phát và phục hồi kinh tế nhanh hay chậm ở mỗi nước thì lại phụ thuộc vào khả năng điều hành kinh tế linh hoạt của từng Chính phủ và khả năng thích ứng của từng doanh nghiệp.

Ông Lược vẫn lo ngại việc suy giảm sản xuất và kinh tế ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt của quốc gia sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới Trung Quốc ở ngay sát Việt Nam có thể dẫn đến một luồng hàng hóa lớn đại hạ giá sẽ đổ vào Việt Nam, đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước khả năng cạnh tranh ghê gớm. Do vậy, ông đề nghị các doanh nghiệp trong nước phải tính đến các cơ hội điều chỉnh chiến lược kinh doanh, nhân sự; thậm chí phải tính đến cả trường hợp chấp nhận giảm lợi nhuận để mở rộng thị trường trong nước.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam còn tỏ ra thận trọng với những dự báo hơn ông Lược. Ông Thiên cho rằng, môi trường kinh doanh năm 2009 rất khó khăn. “Dự báo mà không chính xác sẽ dẫn đến những hành động cụ thể, mang tính ảo tưởng. Trên nền kinh tế thế giới suy thoái như thế này, mọi dự báo đều chứa đựng quá nhiều yếu tố rủi ro, bất thường”. Tuy nhiên, ông vẫn thận trọng đưa ra một số cảnh báo, để cùng các nhà hoạch định bình tĩnh hơn, không quá say sưa khi cho rằng, đã kiềm chế lạm phát thành công.

Ông Thiên thẳng thắn nói, trong thời gian qua, một số nhà quản lý, hoạch định chính sách đã không dám nói thẳng những khó khăn, thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn đưa ra những thống kê lạc quan quá mức về doanh nghiệp và tín dụng. Nhiều doanh nghiệp cũng không dám nói thật. Tâm lý và cách giải quyết bài toán tâm lý như vậy để vượt qua khủng hoảng là không thể chấp nhận được. Nếu không cẩn thận, nó có thể mang lại những tác dụng phụ, làm mất phương hướng và khó kiểm soát tình hình.

Ông Thiên cho rằng, mục tiêu hàng đầu của Chính phủ hiện tại vẫn là bình ổn kinh tế vĩ mô, thay vì hướng vào tăng trưởng cao. Chuyên gia Lê Đăng Doanh và Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Dương Thu Hương cũng đồng tình với nhận định này. “Tinh thần quyết định thời điểm này là trụ vững và ổn định”, ông Doanh nhấn mạnh.

Đặt sự sinh tồn của doanh nghiệp lên hàng đầu

Trong việc bình ổn kinh tế  vĩ mô, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tồn tại, trụ vững để vượt qua cơn khốn khó mới là ưu tiên hàng đầu và như vậy mới là cách tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả nhất cho nền kinh tế năm tới.

Ông Doanh đưa ra một chuyện mới nhất là cuộc họp hôm 23-11 của Ngân hàng Thế giới và Deutsche Bank. Thông điệp từ cuộc họp, theo phân tích của ông Doanh là xem xét ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính đến khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng việc làm, kéo theo khủng hoảng nhân đạo xã hội và thậm chí có thể kéo theo những bất ổn, rối loạn về chính trị nếu không được nhìn nhận và giải quyết đúng lúc. Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, từ những hiện tượng thất nghiệp, vỡ nợ ở một số địa phương và đình đốn sản xuất.

“Thời điểm này phải có những thông điệp chính sách rõ ràng, không thực hư. Phải thể hiện quyết tâm sát cánh cùng doanh nghiệp qua việc cải thiện các điều kiện hạ tầng cho kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thuế…”, ông Doanh nói. Chuyên gia này cũng bổ sung rằng doanh nghiệp trong nước mới là nền tảng tạo ra sức bật của kinh tế, chứ không phải là những cuộc đến-đi của doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Trần Đình Thiên nói rằng, thậm chí Chính phủ phải đưa ra nhiều kịch bản, kể cả những kịch bản xấu nhất theo hướng giảm phát và suy thoái kinh tế để có những giải pháp cụ thể, thay cho các biện pháp “đuổi theo” thị trường và phần nào gián tiếp làm suy yếu doanh nghiệp.

“Tôi e ngại gợi ý hướng đến phát triển thị trường nội địa vì sức lực doanh nghiệp nay không phải dồi dào. Đã có những bài học kích cầu trong nước sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 nhưng chính việc đó đã nảy sinh cơ chế xin-cho, có khi lại phản tác dụng”, ông Thiên nói.

Đồng tình với ông Thiên,ông Nguyễn Sơn, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại buổi tọa đàm cũng nhận định rằng việc quay lại thị trường nội địa không dễ vì hầu hết các doanh nghiệp, ví như doanh nghiệp ngành dệt may chủ yếu làm hàng xuất khẩu, rất ít doanh nghiệp làm hàng nội địa. Nói chuyển thị trường là đúng trên lý thuyết nhưng thực tế phải thay đổi cả cơ cấu điều hành lãnh đạo, sản xuất ở doanh nghiệp thì không phải là chuyện “ngày một, ngày hai”.

Một đại diện khác của Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cũng cho hay rằng, các hội viên của hiệp hội đều là doanh nghiệp và hiện nay đang co lại để bảo toàn vốn, sau năm 2009 làm gì mới tính tiếp. “Nếu chúng tôi mà nhảy vào tâm bão lúc này thì bị cuốn trôi mất”, ông ví von. Mong muốn của các hiệp hội là trông đợi vào chính sách kinh tế sáng suốt, nhạy cảm và linh hoạt từ Chính phủ.

Còn Trưởng ban pháp chế của VCCI Trần Hữu Huỳnh đề xuất phương án tạo đòn bẩy và kích thích môi trường kinh doanh là tăng cường đối thoại với doanh nghiệp nhiều hơn. Ở trung ương là 3 tháng/lần và địa phương là 6 tháng/lần để nhận chất vấn và trả lời chất vấn, tháo gỡ cho những nút thắt cho doanh nghiệp.

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới