Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đã đến lúc thôi trông chờ bảo hộ ô tô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đã đến lúc thôi trông chờ bảo hộ ô tô

Sau nhiều năm được bảo hộ để phát triển ngành công nghiệp ô tô, giờ đây chính các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn phải nhập khẩu ô tô – Ảnh minh họa: nguồn vinhphucdost.gov.vn

(TBKTSG Online) – Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nói: “Liên Bộ Công thương, Bộ Tài chính sẽ họp bàn để xem xét lại chính sách thuế, ưu đãi đầu tư, gia tăng công nghiệp phụ trợ cho thị trường ô tô trong nước”.

Ông đưa ra ý kiến này khi đề cập đến việc các liên doanh sản xuất ô tô trong nước nhập khẩu và phân phối các dòng xe chính hãng tại thị trường Việt Nam kể từ năm 2009.

Cái tốt hơn sẽ được chọn

Một đại lý bán hàng lớn của Honda Việt Nam ở đường Giải Phóng (Hà Nội) xếp lịch giao xe cho một khách hàng sau gần hai tháng kể từ ngày đặt mua.

Đây chỉ là một trong số khoảng 1.000 xe mà hãng Honda Việt Nam nợ khách hàng (tính theo tháng). Số nợ tương tự  thuộc về Vidamco hay ít hơn đôi chút là Ford. Riêng hãng Toyota nợ lớn nhất: 5.000 xe (Nguồn: Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, tháng 12-2007).

Nghĩa là muốn mua một chiếc ô tô kịp đi dịp Tết trong thời tiết cực kỳ lạnh giá của mùa đông ở Hà Nội, người tiêu dùng sẽ phải đợi đến cuối mùa xuân, khoảng cuối tháng 3-2008.

Không thể chờ nguồn cung chậm như vậy, chị Thu Hồng, một khách hàng đã chuyển qua mua xe Toyota Yaris 5 chỗ ngồi nhập khẩu nguyên chiếc của một đại lý nhập khẩu khác. Chiếc xe mới đến tay chủ sau nửa tháng đặt mua cũng được xem là thành công hơn nhiều việc “dài cổ” chờ xe sản xuất trong nước đến mấy tháng sau, chưa tính đến các so sánh khác về  kiểu dáng, chất lượng giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu.

Là người trong cuộc, các liên doanh sản xuất ô tô trong nước hiểu hơn hết về cơn khát tiêu thụ của thị trường, khi mà chính họ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất vì việc đầu tư mở rộng dây chuyền mới chỉ ở dạng khởi động dự án.

Ví dụ như Toyota sẽ nâng công suất lắp ráp từ 10.000 xe/năm lên 20.000 xe/năm, Ford dự định nâng công suất từ 3.600 xe/năm lên 9.600 xe/năm vào năm tới.

Nhưng việc mở cửa thị trường phân phối theo cam kết gia nhập WTO đã tạo cho họ một cách khác để cân bằng cung-cầu: nhập khẩu xe chính hãng từ năm 2009.

Giấy phép nhập khẩu mới đây đã được cấp cho  Mercedes-Benz, Ford, Honda đã chính thức chia sẻ thị trường bán lẻ xe ô tô trong nước giữa các liên doanh với chính họ và với các công ty thương mại, nhập khẩu khác.

Theo Tổng giám đốc Công ty liên doanh Mercedes-Benz Việt Nam, ông Udo Loersch, lượng xe lắp ráp trong nước năm 2007 đạt khoảng 80.000 chiếc, lượng xe nhập về khoảng 20.000 chiếc.

Nhu cầu cả hai loại xe này sẽ tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2008, do lượng xe các hãng còn nợ khách hàng “gối đầu” từ năm cũ qua và lượng khách mới, trong đó có nhiều người  nhắm vào phân khúc dòng xe hạng sang. Việc khách hàng chuyển hướng qua dòng xe nhập khẩu rất lớn.

Một lãnh đạo khác của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho rằng, việc nhập khẩu sẽ  giúp các liên doanh trong nước có thể giữ chân được khách hàng khi xe sản xuất tại chỗ không đủ đáp ứng. Hệ thống hậu mãi sau bán hàng của chính hãng đảm bảo sẽ giúp hỗ trợ họ giữ được hình ảnh và thương hiệu của chính liên doanh, một điều mà 40 công ty lắp ráp trong nước sống trong các chính sách bảo hộ không thể làm được trong 16 năm qua.

Cái gì nên được xem xét lại?

Trả lời phỏng vấn riêng TBKTSG Online hôm 29-1 tại Bộ Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: “Không thể ngăn cản tiến trình gia nhập WTO nên việc các công ty liên doanh và nhiều thành phần kinh tế khác tham gia nhập khẩu, phân phối xe ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam theo lộ trình là chuyện bình thường. Nhưng các bộ, ngành liên quan sẽ tư vấn cho Chính phủ làm thế nào để việc thực hiện lộ trình nhập khẩu của chính các nhà sản xuất không gây ảnh hưởng đến thị trường ô tô trong nước”.

Biện pháp mà ông Hoàng gợi ra là các cuộc họp bàn liên ngành giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương về vấn đề tiếp tục xem xét điều chỉnh việc bảo hộ cho ngành sản xuất ô tô trong nước: “Sẽ có những biện pháp hữu hiệu được đưa ra để giảm bảo hộ. Bởi bảo hộ nhưng việc đầu tư mở rộng sản xuất, tỷ lệ nội địa hoá không thực hiện được như cam kết sẽ không phát huy tác dụng. Nhưng cũng không thể thả nổi thị trường được”.

Ý của lãnh đạo Bộ Công thương là sẽ xem xét lại các chính sách thuế cho cả xe nhập khẩu (thuế suất thuế nhập khẩu hiện là 60%) và xe lắp ráp trong nước (hiện còn được thuế suất bảo hộ linh kiện từ 15 đến 30%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 50% ,còn thấp hơn xe nhập khẩu).

Nhưng tăng hay giảm thuế hai dòng xe này thì vẫn chưa có câu trả lời cuối. Đề xuất của Bộ Công thương là tiếp tục hỗ trợ bảo hộ có mức độ ngành sản xuất ô tô trong nước trước các nhà sản xuất kiêm nhập khẩu đầy kinh nghiệm bằng cách ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất mở rộng dây chuyền tại chỗ; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô như thép, cơ khí, săm lốp, sản xuất sơn.

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã từng đề nghị nhiều lần: “Chấm dứt bảo hộ hoàn toàn cho sản xuất ô tô trong nước”.

Bình luận về những dự định của các nhà quản lý, lãnh đạo một liên doanh mới nhận giấy phép nhập khẩu nói: “Các kế hoạch và dự báo thị trường của chúng tôi đều phải dựa trên một chính sách và lộ trình ổn định, đặc biệt là các chính sách thuế.Nhưng hiện tại các chính sách thiếu ổn định và dự báo còn thay đổi nữa thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn.Vì vậy việc dự báo thị trường ô tô tiếp tục tăng trường chỉ dành cho 6 tháng đầu năm 2008. Cuối năm, nguồn cung đã dồi dào, lại thêm những thay đổi dự kiến từ Chính phủ liên quan đến các chính sách, thị trường sẽ diễn biến khó lường hơn”.

Một nhà phân tích kinh tế khác cho rằng, khi nhà nước phải mở cửa thị trường ô tô và các liên doanh sản xuất  không từ chối cơ hội củng cố và đẩy mạnh thị phần thì các nhà lắp ráp trong nước phải nghĩ cách “biến nguy thành cơ”. Tức là không thể ngồi đó trông chờ vào các chính sách bảo hộ của nhà nước hay gia công, lắp ráp đơn giản như trước.

“Hãy tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hãng nào cần chi tiết, nhà sản xuất Việt Nam cũng có thể đáp ứng được tại chỗ. Hãy tìm cách thâm nhập vào họ trước khi ra đứng một mình, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi”, nhà phân tích kinh tế nói trên đề nghị.                                               

        NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới