Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đã khai thác trên 90% tiềm năng thủy điện

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đã khai thác trên 90% tiềm năng thủy điện

Ngọc Lan

Đã khai thác trên 90% tiềm năng thủy điện
Hơn 90% tiềm năng thủy điện ở Việt Nam đã được khai thác hết Ảnh:TL TBKTSG.

(TBKTSG Online) – Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, Việt Nam đã khai thác trên 90% tiềm năng kinh tế-kỹ thuật thủy điện và cơ cấu này có xu hướng giảm dần nhưng hậu quả để lại của các dự án đã, đang và sẽ khai thác không phải là ít.

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát, đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện hơn một năm qua, đưa ra tại Quốc hội hôm 30-10, sau khi loại khỏi quy hoạch 418 dự án thủy điện nhỏ (1174,49 MW), 6 dự án thủy điện bậc thang (395 MW) do tác động tiêu cực đến môi trường-xã hội, hiệu quả thấp, cả nước hiện còn lại 815 dự án (24.324 MW). Trong đó, số dự án đã vận hành phát điện là 268 dự án (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.

Chính phủ chỉ đạo tạm dừng, chỉ đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với 4 dự án thủy điện bậc thang (208 MW) và 132 dự án thủy điện nhỏ (915,7 MW).

Bản báo cáo của Chính phủ rà soát các dự án thủy điện rất chi tiết, cụ thể, song báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội) cho thấy còn nhiều vấn đề trong quá trình rà soát chưa được làm rõ.

Như trước sức ép thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển tương đối nóng trong thời gian vừa qua, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ còn hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư.

Số lượng dự án thủy điện nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện. Khoảng 34% tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, kinh tế-xã hội và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát.

Gần 90% số các dự án trong quy hoạch là thủy điện nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26% và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ khỏi quy hoạch (418 dự án, tổng công suất 1.174 MW).

Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch thủy điện chưa quy định rõ ràng.

Ngoài ra, quy hoạch thủy điện nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế-xã hội. Do chủ yếu nằm rải rác trên các sông suối nhánh, thuộc các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các tài liệu và thông tin cơ bản như khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất… còn thiếu. Mặt khác, do tình hình đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết tại khu vực các dự án thủy điện nhỏ còn chậm, khó khả thi, hiệu quả kinh tế của các dự án này giảm rõ rệt, không thu hút được đầu tư.

Ủy ban cũng nhận thấy, có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực.Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.

Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án chống lũ.

Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện là rất thấp. Việc xây dựng phương án phòng chống lũ cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập… gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm. Nguyên nhân của những bất cập nêu trên là không ít chủ đầu tư dự án thủy điện nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế.

Ngoài ra, quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới