Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng bỏ quy hoạch nhà ga tại quận Liên Chiểu sau 18 năm ‘treo’

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – UBND thành phố Đà Nẵng vừa ký quyết định bãi bỏ các quyết định trước đó về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà ga đường sắt tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, chấm dứt 18 năm quy hoạch “treo” tại khu vực này.

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng phê duyệt, ga đường sắt mới được di chuyển lên khu vực huyện Hòa Vang (Bà Nà – Suối  Mơ).

Ga Đà Nẵng theo quy hoạch mới sẽ chuyển về huyện Hòa Vang – Ảnh: TL

Dự án ga đường sắt Đà Nẵng tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu được quy hoạch từ năm 2002 nhằm di dời ga Đà Nẵng hiện tại trong trung tâm thành phố ra vùng ngoại vi để phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên dự án không được triển khai dẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống dân sinh khu vực. Cụ thể, do vướng quy hoạch, hàng ngàn hộ dân tại đây gặp vướng mắc khi xây dựng, sửa chữa, chỉnh trang nhà cửa.

Theo Cổng thông tin UBND thành phố Đà Nẵng, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, tổng diện tích của phường rộng khoảng 10,2 km2 với hơn 10.000 hộ dân sinh sống. Đến nay, trên địa bàn phường có đến 25 dự án đã và đang triển khai, đặc biệt dự án ga Đà Nẵng bị “treo” đã ảnh hưởng 50% hộ dân. Một khu vực rộng lớn trở nên cũ kỹ, nhếch nhác, cơ sở hạ tầng điện đường, thoát nước phục vụ đời sống cư dân xuống cấp, ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Phạm Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, cho biết đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ phát triển về phía Tây và ga đường sắt mới được di chuyển lên khu vực huyện Hòa Vang (Bà Nà – Suối  Mơ). Trong đó, vị trí đã quy hoạch ga đường sắt tại quận Liên Chiểu được định hướng sẽ trở thành trung tâm thương mại dịch vụ lớn của quận Liên Chiểu gắn liền tuyến giao thông huyết mạch nối dài đường vành đai phía Tây 2.

Vì thế, ngày 17-11, UBND thành phố Đà Nẵng đã họp và quyết định bãi bỏ các quyết định trước đó về sơ đồ ranh giới, quy hoạch nhà ga đường sắt tại các phường Hòa Minh, Hòa Khánh Nam và Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, chấm dứt 18 năm quy hoạch “treo” tại khu vực này.

Các quyết định được bãi bỏ gồm: Quyết định 5071 ngày 01/07/2004 về việc phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch nhà ga đường sắt mới, tỷ lệ 1:1.000; quyết định 2739 ngày 23/04/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh sơ đồ ranh giới quy hoạch sử dụng đất dự án ga đường sắt mới; quyết định 4472 ngày 07/07/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỷ lệ 1:2.000 ga đường sắt mới và hệ thống giao thông phục vụ ga.

Quy hoạch nhà ga Đà Nẵng tại quận Liên Chiểu đã được bãi bỏ sau hơn 18 năm “treo” – Ảnh: TL

UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khu vực quận Liên Chiểu và thành phố đã giao triển khai phân khu này trên tinh thần tiếp nhận đề xuất tái thiết khu vực quy hoạch thành trung tâm kinh tế hiện đại, kết nối hạ tầng giao thông.

Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thêm, dự kiến đồ án phân khu sẽ được phê duyệt cuối năm 2022. Sau khi có phê duyệt quy hoạch phân khu sẽ làm cơ sở để đề xuất triển khai dự án. Quyền lợi của người dân trong khu vực dự án như cấp phép xây dựng, tách thửa sẽ được đảm bảo.

Với quy hoạch nhà ga xe lửa mới ở Hòa Vang, gần đường bộ cao tốc và nút giao Bà Nà – Suối Mơ; nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu, liên thông tốt hệ thống giao thông đường bộ: quốc lộ 1, cao tốc La Sơn-Túy Loan, Đà Nẵng-Quảng Ngãi và quốc lộ 14B… các chuyên gia giao thông đánh giá là hợp lý, không có công trình kiên cố, ít nhà ở và kinh phí đền bù giải tỏa ít hơn rất nhiều so với xây dựng ga ở Liên Chiểu.

Việc di dời nhà ga đường sắt Đà Nẵng sẽ giải quyết vấn đề giao thông khu vực ven biển, kể cả khu vực bán đảo Sơn Trà. Việc chỉnh trang lại khu vực nhà ga cũ có thể cải tạo thành đường sắt đô thị phục vụ giao thông công cộng kết hợp trung tâm thương mai dịch vụ cũng giúp thay đổi diện mạo của thành phố.

UBND thành phố Đà Nẵng thông tin, hiện thành phố thiếu nguồn vốn hơn 12.000 tỉ đồng để xây dựng nhà ga mới. Vì vậy Đà Nẵng đang cân nhắc một số phương án, trong đó kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, tương tự như hợp đồng BT, với quỹ đất tại khu vực nhà ga đường sắt Đà Nẵng cũ hoàn trả cho dự án dự kiến, khu vực lân cận nhà ga mới, hai bên hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của thành phố; nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các công việc đối với quỹ đất đã hoàn trả theo quy hoạch của thành phố.

Theo Cổng thông tin UBND thành phố Đà Nẵng và TTXVN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới