Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng cho vay 80% tiền đầu tư dự án sử dụng năng lượng mặt trời

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng cho vay 80% tiền đầu tư dự án sử dụng năng lượng mặt trời

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Trong thời gian chờ văn bản hướng dẫn tiếp theo của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng (DDIF) vẫn đang hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn cho đối với doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án sử dụng năng lượng mặt trời trong năm 2021 và thời gian đến.

Đà Nẵng cho vay 80% tiền đầu tư dự án sử dụng năng lượng mặt trời
Công trình điện mặt trời mái nhà của Chi nhánh Công ty cổ phần Thiết bị bưu điện – Nhà máy 5 với công suất hòa lưới 1.065,15 kWp tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: PC Đà Nẵng

Việc cho vay sẽ được thực hiện ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính sách mới về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) và hướng dẫn tiếp theo của Bộ Công thương về việc bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, khách hàng của DDIF sẽ được tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi theo quy định hiện hành đối với các dự án điện là 7%/năm với mức vay tối đa 80% giá trị tổng mức đầu tư và thời gian vay tùy theo mỗi dự án nhưng không quá 15 năm. Chính sách này nhằm hưởng ứng chủ trương khuyến khích phát triển ĐMTMN tại thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, nhằm phát triển mạng lưới ĐMTMN đến năm 2025 tầm nhìn 2035 và đề ra các nhóm giải pháp hỗ trợ đầu tư và phát triển ĐMTMN gồm: chính sách, đầu tư; nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước và giải pháp về xúc tiến đầu tư, kết nối cung cầu; hợp tác phát triển,UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 104/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Phát triển ĐMTMN thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

Theo đó, đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt ĐMTMN toàn thành phố khoảng 169,54 MW (khoảng 17,76% tiềm năng kỹ thuật), sản lượng ĐMTMN tương ứng khoảng 247.535 MWh, đóng góp khoảng 3,89% tổng nhu cầu điện toàn thành phố (6.355.600 MWh).

Đến năm 2030, tổng công suất lắp đặt ĐMTMN toàn thành phố khoảng 293,92 MW (khoảng 30,78% tiềm năng kỹ thuật), sản lượng ĐMTMN tương ứng khoảng 429.128 MWh, đóng góp khoảng 4,8% tổng nhu cầu điện toàn thành phố (8.939.600 MWh).

Trong khi đó, theo thông tin từ Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), riêng trong tháng 12-2020 công ty đã hòa lưới nhiều công trình ĐMTMN có công suất lớn tại thành phố.

Cụ thể, trong tháng 12-2020, trên địa bàn quận Liên Chiểu đã có tổng cộng 50 công trình ĐMTMN được đưa vào vận hành với tổng công suất hòa lưới đạt 11.500 kWp, gần bằng 50% tổng công suất các công trình ĐMTMN hòa lưới từ trước đến nay.

Tính đến nay, đã có 322 công trình ĐMTMN được đưa vào vận hành trên địa bàn quản lý lưới điện của Điện lực Liên Chiểu, công suất hòa lưới tính đến 30-12-2020 đạt 26.232 kWp, công suất phát lên lưới đạt 382.656 kWh.

Ngày 30-12, Điện lực Cẩm Lệ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu, đưa vào vận hành công trình ĐMTMN tại Công ty TNHH Giải pháp điều khiển và tự động hóa (CAS) tại khu công nghiệp Hòa Cầm. Đây là công trình có công suất lớn cuối cùng được nghiệm thu, đóng điện, hòa lưới trước thời điểm 31-12-2020 trên địa bàn quận Cẩm Lệ.

Trước đó, Điện lực Hòa Vang phối hợp với các đơn vị liên quan đã nghiệm thu và đưa vào vận hành công trình điện mặt trời áp mái do Công ty TNHH Grepower Ant đầu tư với công suất hòa lưới 960 kWp; công trình ĐMTMN của Công ty TNHH Đức Nghĩa có công suất hòa lưới 800 kWp.

Đây là hai công trình lớn nhất trên địa bàn Điện lực Hòa Vang từ trước đến nay, nâng tổng công suất lắp đặt trong năm 2020 là 2.372,75 kWp.

Tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam sẽ hết hiệu lực sau ngày 31-12-2020 và đến nay chưa có quyết định mới để hướng dẫn thực hiện tiếp theo. Vì vậy, kể từ ngày 1-1-2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với ĐMTMN chưa được xác định và các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống này phát triển sau ngày 31-12-2020 cho đến khi có hướng dẫn mới.

Hiện nay Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã thông báo hiện đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình ĐMTMN và dự kiến trong quí 1-2021, sẽ báo cáo Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích ĐMTMN cho giai đoạn tiếp theo.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới