(KTSG Online) – Thành phố Đà Nẵng chuyển gần 50 dự án đầu tư trọng điểm, động lực, bao gồm dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố và trung ương giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó, 14 dự án dự định kêu gọi nhà đầu tư cũng được chuyển đổi thời gian đầu tư.
Việc chuyển đổi này nhằm phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và định hướng quy hoạch phát triển thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đền 2045 và có thêm thời gian kêu gọi đầu tư.
Cụ thể, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về danh mục các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.
Có 80 dự án trong danh mục này, gồm có 50 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, 4 dự án đầu tư từ nguồn vốn của các bộ, ngành và 26 dự án từ nguồn vốn của nhà đầu tư.
Trong đó, 48 dự án trọng điểm, động lực giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục thực hiện.
Có 32 dự án bổ sung mới giai đoạn 2021-2025, trong đó 20 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố, vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu và 12 dự án đầu tư từ nguồn vốn của nhà đầu tư.
Hai trong số các dự án đáng chú ý là dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm và nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện (công suất 650 tấn/ngày) đều nằm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố Đà Nẵng, khu vực bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
Trong đó, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện (công suất 650 tấn/ngày) chuẩn bị được đầu tư và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2022. Dự án được đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) của liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty cổ phần Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty cổ phần Môi trường Huy Hoàng Eco.
Hiện công ty đang trình thành phố điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 1 cho Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB (Đà Nẵng) để thực hiện dự án và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 2 (sau khi góp vốn với nhà đầu tư nước ngoài).
Trong khi đó, với tổng vốn đầu tư hơn 823 tỉ đồng, dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm đang được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, cung cấp xử lý chất thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt; sau khi đốt thu được điện năng, tro bay và rỉ lò để sản xuất gạch không nung; mùn hữu cơ được tái chế sản xuất thành phân bón hữu cơ…