Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng cũng thiếu nước sạch và bị xâm nhập mặn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng cũng thiếu nước sạch và bị xâm nhập mặn

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Đà Nẵng – một trong những thành phố miền Trung – đang đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt trên diện rộng vì sự suy giảm dòng chảy, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020, trong khi dự án nhà máy nước mới chỉ mới vừa khởi công và đi vào hoạt động vào năm 2021.

Đà Nẵng cũng thiếu nước sạch và bị xâm nhập mặn
Nhà máy xử lý nước do Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) vận hành. Ảnh: Dawaco cung cấp

Chuyện thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra 3 năm nay

Chỉ trong hơn một tháng, từ ngày 30-5 đến 4-7-2020, Công ty Cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) đã có đến mười lần thông báo tạm ngừng cấp nước với mỗi lần cúp nước kéo dài 1-2 ngày, trên những khu vực khác nhau, từ quận Hải Châu ngay trung tâm thành phố ra đến các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu… và lý do đưa ra cũng khác nhau.

Theo một số nhận định thì đây là kỹ thuật cắt nước luân phiên nhằm trữ nước đối phó với việc thiếu nước sạch nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Theo Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, mùa khô năm 2020, lượng dòng chảy tại sông Vu Gia – Thu Bồn sẽ bị thiếu hụt từ 40 – 90% tùy nơi, mực nước trung bình sẽ xuống thấp hơn nhiều so với giá trị trung bình nhiều năm. Nhiều khả năng, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước và xâm nhập mặn diễn ra phức tạp. Tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông khả năng sớm hơn và ở mức cao tương đương hoặc cao hơn năm 2019.

Trong khi đó, theo Dawaco, có những ngày độ mặn nước sông Cầu Đỏ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng đột biến, lên mức 5.793mg/l, cao gấp 19 lần so với quy chuẩn cho phép, cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay và cao hơn cùng kỳ năm 2019 (5.109mg/l) và đang kéo dài.

Tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước tại thành phố Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2017 và kéo dài đến nay. Vào tháng 8 năm ngoái, có những thời điểm toàn thành phố Đà Nẵng thiếu 100.000 m3 nước sạch sinh hoạt (nhu cầu thực tế là 300.000 m3).

Đầu năm nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 3076/KH-UBND về việc dự trữ nước để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố mùa khô năm 2020. Lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo xây dựng hai đập ngăn mặn tạm thời.

Cụ thể, từ nay đến ngày 31-8-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị theo dõi, cập nhật các thông số kỹ thuật cơ bản của các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Đăk Mi 4 để tham mưu vận hành xả nước về hạ du theo quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn và thẩm quyền điều hành được quy định tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Bên cạnh đó, tham mưu Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chế độ vận hành xả nước của các hồ về hạ du để giảm mặn trong trường hợp xảy ra tình trạng nhiễm mặn liên tục hơn 1.000mg/l trong 24 giờ mà việc khai thác nước từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch không đủ cung cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng chủ trì, phối hợp làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố xem xét, điều chỉnh việc vận hành các cửa van tại đập dâng An Trạch trong trường hợp bị nhiễm mặn mà việc khai thác nước từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch không đủ cung cấp nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ; tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố xem xét, điều chỉnh việc khai thác nước hồ Hòa Trung để cấp nước cho nông nghiệp và Nhà máy nước Hòa Trung, bảo đảm cấp đủ nước cho hoạt động của nhà máy nước này đến cuối mùa cạn.

Tăng giá nước để đầu tư xử lý nước

Trong những ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin Dawaco đề nghị nâng giá nước hiện tại đề có điều kiện, nguồn lực đầu tư, cải tạo các dự án xử lử nước sạch đang bị chậm trễ một phần do dịch Covid-19.

Theo giải thích của ông Hồ Hương, Tổng giám đốc Dawaco, giá nước sạch tại các hộ dân trên địa bàn TP. Đà Nẵng được quy định từ năm 2017, hiện trung bình chỉ 6.100 đồng/m3 là thấp so với các thành phố thuộc Trung ương. Cụ thể giá nước dao động từ 4.500 đồng/m3 đến 6.800 đồng/m3.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tháng 11-2019, UBND TPHCM đã ban hành giá nước sạch sinh hoạt mới trên địa bàn thành phố với mức giá dao động từ 5.600 đồng/m3 đến 12.100 đồng/m3 (hộ dân). Tại Cần Thơ, giá nước sinh hoạt từ tháng 3-2019 dành cho hộ dân dao động từ 5.500 đồng/m3 đến 8.700 đồng/m3.

Một trong các dự án mà ông Hương nhắc đến là dự án Nhà máy nước Hòa Liên giai đoạn 1 có các hạng mục chính gồm: đập dâng, trạm bơm nước thô; đường ống dẫn nước thô và nhà máy xử lý nước, công suất 120.000 khối/ngày đêm, kinh phí đầu tư gần 1.200 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Dự án được xây dựng tại xã Hòa Liên và xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, lấy nguồn nước từ sông Cu Đê. Dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6-2021.

Vào tháng 8-2019, trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên toàn thành phố Đà Nẵng, Dawaco phải cung cấp những bồn nước sạch sinh hoạt đến nhiều khu phố. Ảnh: CTV cung cấp

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung (giai đoạn 2) đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự kiến khởi công vào đầu tháng 7-2020 và thi công hoàn thành trong năm 2020. Các đơn vị đã thi công xong việc lắp đặt các tuyến ống cấp nước chính trên địa bàn thành phố, trước mắt là khu vực quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn theo dọc đường Hồ Xuân Hương; đang triển khai thi công tại các tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; Thăng Long; tuyến ống Nhà máy nước Hòa Liên; tuyến ống dọc đường Võ Chí Công – Minh Mạng…

Tình trạng nước nhiễm mặn và thiếu nước tại Đà Nẵng trên diện rộng lặp đi, lặp lại từ nhiều năm nay, khiến cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, Dawaco đã triển khai nhiều dự án và giải pháp như: Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000 m3/ngày đêm; kéo thành công đường ống D900, dài 370m vượt sông Hàn và đầu tư bốn tuyến ống cấp nước cấp bổ sung cho khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà; đẩy nhanh tiến độ tuyến ống Diuke qua Cầu Đỏ.

Dawaco cũng đã tự bỏ tiền ra đầu tư đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, qua đó, giảm thiểu tình trạng nước nhiễm mặn và đang triển khai đập tạm số 2… Và để bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố, Đà Nẵng dùng nguồn ngân sách xây dựng thêm một nhà máy cấp nước mới.

Theo đó, Nhà máy nước Hòa Liên sẽ chủ động được khoảng 50% trữ lượng nguồn nước thô cho Đà Nẵng.
Được biết, Nhà máy cấp nước Đà Nẵng hiện có công suất khoảng 205.000m3/ngày đêm. Theo quy hoạch đến năm 2020, công suất cấp nước tại Đà Nẵng sẽ đạt 396.300 m3/ngày đêm.

Về nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tập trung ở sông Hàn, sông Cu Đê và sông Túy Loan. Nguồn nước này được khai thác để cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân bay với lưu lượng hiện nay khoảng 300.000 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, nguồn nước thô chính để cung cấp cho thành phố Đà Nẵng này lại phụ thuộc quá nhiều vào các hoạt động khai thác, sử dụng nước trên thượng nguồn của lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, nhất là Nhà máy thủy điện Đắk Mi 4 khi vận hành đã ảnh hưởng lớn đế nguồn nước cung cấp cho vùng hạ lưu trong mùa khô cũng như làm ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho thành phố Đà Nẵng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới