Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng đêm đẹp thế, nhưng chỉ có đèn, không có người

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng đêm đẹp thế, nhưng chỉ có đèn, không có người

Nhân Tâm

Đà Nẵng đêm đẹp thế, nhưng chỉ có đèn, không có người

(TBKTSG Online) – “Đà Nẵng ban đêm đẹp thế nhưng chỉ có đèn mà không có người. Phố cổ Hà Nội sôi động về đêm, nhưng thực ra cũng chỉ ở vài đoạn phố, chủ yếu là dịch vụ ăn uống”, ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã nói vậy. Ông Thiên cho rằng, các thành phố lớn có tiềm năng du lịch lớn nhưng vẫn chưa khai thác được tiềm lực kinh tế về du lịch, nhất là với việc tổ chức các hoạt động dành cho du khách khi màn đêm buông xuống.

Thành phố Đà Nẵng lâu nay thu hút khách du lịch nhờ nhiều hoạt động sôi nổi vào ban ngày. Ảnh: Huân Nguyễn

“Kinh tế ban đêm” đang bị trói buộc bởi cơ chế

“Chúng ta biết rằng người ta sống ban ngày chủ yếu. Ban đêm là ngủ cho nên khái niệm kinh tế ban đêm cơ bản là phần tiếp tục cho phần kinh tế ban ngày. Vì thế đóng góp của nó không thể so với ban ngày được, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận tầm quan trọng của nó. Bởi nó cũng là một nền kinh tế không thể thiếu”, ông Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ tại một sự kiện gần đây về kích cầu du lịch tại Đà Nẵng.

Ông Thiên đưa ra ví dụ Đà Nẵng chưa có các hoạt động về đêm dành cho du khách, đa số các cửa hàng, tiệm ăn uống đóng cửa lúc 11 giờ đêm, chỉ một số ít là vào 2 giờ sáng. Theo ông Thiên, trong cùng một khoảng thời gian lưu lại Thái Lan và Việt Nam thì mỗi ngày, một vị khách quốc tế tại Thái Lan sẽ chi tiêu 163 đô la Mỹ, nhưng chỉ chi 93 đô la Mỹ khi ở Việt Nam. Và Thái Lan thu về con số cao hơn này chủ yếu là nhờ vào các hoạt động cho du khách về đêm.

Ông Thiên cho biết thêm để có thể phát triển các hoạt động này theo hướng thu được các lợi ích về kinh tế thì cần phải xem nó như một nền kinh tế, tức là cần có cơ chế vận hành khác, nguồn lực khác, luật lệ khác để điều tiết nó chứ không phải là chuyển các hình thái kinh doanh từ ban ngày sang đêm và không chỉ là những vũ trường, quán bar mở xuyên đêm.

Ông Thiên cũng đưa ra vấn đề thực tế lâu nay, các địa phương muốn làm kinh tế đêm nhưng chưa làm được vì chưa có quyền chủ động để làm việc đó. “Luật cấm các hoạt động giải trí từ 12 giờ đêm thì không thể làm được gì”, ông nói. “Địa phương cần được trao quyền chủ động hơn và bản thân địa phương cũng phải chủ động hơn”.

“Ở đâu có cầu thì ở đó có cung, nhưng nếu xét bình diện trên toàn quốc gia, chúng ta chưa làm được việc này. Đó là cầu thì rất lớn, nhưng đến tối là ta bắt khách đi ngủ, đó là một sự lãng phí. Rất nhiều bài báo đã nói rằng đây là mỏ vàng mà chúng ta đang lãng phí. Đó là câu chuyện khai thác. Các doanh nghiệp cần chơ chế để có thể hoạt động dài hơn trong ngày, tận dụng chi tiêu về đêm của du khách”, ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sun World (thuộc Tập đoàn Sun Group), nói và chia sẻ thêm Bà Nà Hills và Asia Park của Sun Group tại Đà Nẵng rất tách bạch với khu dân cư, hoàn toàn có thể tổ chức tốt mô hình kinh tế về đêm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, chia sẻ kinh tế phải được nuôi dưỡng bởi cơ chế chính sách, nếu không doanh nghiệp sẽ không làm nổi. “Chúng tôi có đề xuất những hoạt động sau 24 giờ, và có những nơi phải được hoạt động 24/24.

Thứ nhất, về cơ chế, chúng tôi xin phải kéo dài thời gian các hoạt động về đêm. Thứ hai là các cơ chế hỗ trợ”, ông Dũng nói và giải thích hỗ trợ về thuế để khuyến khích doanh nghiệp mở cửa hoạt động về đêm. Chia sẻ về thực tiện tại thành phố Đà Nẵng, ông Dũng kiến nghị ngoài kêu gọi đầu tư xã hội chúng tôi mong muốn có đầu tư công cho phố đi bộ từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý qua Nguyễn Văn Trỗi.

“Tôi đề nghị giao cho các doanh nghiệp hàng đầu và trong đó Hiệp hội du lịch Đà Nẵng sẵn sàng đứng ra làm cái việc xã hội hóa các hoạt động đấy”, ông nói.

Hậu Covid: Cơ hội tốt để Đà Nẵng làm kinh tế đêm

Cũng là một doanh nhân, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Vietnam TravelMart, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn đạt mục tiêu khách đến Đà Nẵng xong, khi trở về sẽ thấy nuối tiếc, thòm thèm sao mà ít thời gian thế, mong nhất định phải quay lại. Mục tiêu đó trong chuỗi sản phẩm, dịch vụ cung ứng của chúng ta mới cung cấp được một phần. Phần lớn hơn mà  chúng ta còn phải làm, đó là phải đầu tư ngay bây giờ về các hoạt động đêm, về vui chơi giải trí, ẩm thực, show diễn”.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc tái cơ cấu nguồn khách nên tập trung chuyên sâu vào nguồn khách châu Âu, Úc và Mỹ – những vị khách bị lệch múi giờ so với Việt Nam. Vì ngày của họ là đêm ở Việt Nam nên họ cần có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí để trải nghiệm.

Về vấn đề này, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vitours, phân tích thành phố Đà Nẵng đang trong giai đoạn cao điểm du lịch nội địa (tháng 7 và tháng 8). Hiện nay, Bà Nà Hills, Asia Park và một số đơn vị đã đưa ra một số gói dịch vụ dành cho du khách hằng đêm. Tuy nhiên, đến tháng 9 trở đi tình hình du lịch nội địa sẽ sụt giảm.

Nhưng, thành phố vẫn đang thiếu một quy hoạch chuẩn để phát triển mạnh kinh tế ban đêm. Ảnh: Nhân Tâm

Trong khi đó, theo ông Tùng, từ tháng 9 tới tháng 12 là thời điểm của mùa du lịch MICE (du lịch, hội họp). “Tôi đề xuất Sở du lịch Đà Nẵng nên tìm giải pháp khai thác thị trường khách du lịch MICE trong giai đoạn này vì đối tượng này có nhu cầu về kinh tế đêm lớn hơn khách du lịch bình thường. Lý do, toàn bộ thời gian ban ngày, nhóm du khách này dành cho các hoạt động chính của họ là hội họp, giao lưu, học hành… và họ sẽ dành thời gian tối để khám phá thành phố”, ông Tùng nói. 

Cũng theo ông Tùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục du lịch Việt Nam đang xây dựng đề án kinh tế đêm trình Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2021. Trong đó, đại diện bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ triển khai những hoạt động kinh tế đêm được xem là nhạy cảm. “Đà Nẵng nên đi tiên phong đưa ra đề xuất về các lĩnh vực này, ví dụ táo bạo triển khai một phố đèn đỏ nhưng có sự quản lý chặt chẽ”, ông Tùng nói.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, cũng công nhận rằng Đà Nẵng phải xác định kinh tế ban đêm như là một chiến lược quan trọng để có chiến lược cạnh tranh giúp du lịch thành phố biển miền Trung bứt phá phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19 và về lâu dài hướng tới các mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

“Chúng tôi sẽ xác định khu vực và đề xuất các hoạt động cho các hộ dân, hoặc sẽ có hình thức trang trí để nhận diện các khu vực dịch vụ đang thí điểm cho phát triển kinh tế ban đêm”, bà Hạnh nói và lấy ví dụ các khu, điểm du lịch lớn như Bà Nà Hills, Asia Park hay các khu du lịch khác sẽ tăng thêm các hoạt động về đêm, đặc biệt là các chương trình biểu diễn, hoạt động gia tăng sự trải nghiệm góp phần tăng thời gian lưu trú, hiệu quả kích thích chi tiêu của du khách, kích cầu du lịch trong thời gian tới.

Về lâu dài, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng dự kiến chọn một số khu vực để quy hoạch xác định cụm du lịch trọng điểm để phát triển kinh tế ban đêm như khu vực phố du lịch An Thượng, tuyến Bạch Đằng – Trần Hưng Đạo và cầu Nguyễn Văn Trỗi. Khu vực 2 tuyến biển Trường Sa – Hoàng Sa – Võ Nguyễn Gíap và tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra 1 số khu vực khác như làng Vân, Bà Nà Hills…

Thành phố cũng sẽ chọn quy hoạch để xây dựng đề xuất những cơ chế thu hút các nhà đầu tư xây dựng cụm dịch vụ, khu tổ hợp vui chơi giải trí quy mô lớn, tách biệt khu dân cư và sẽ có nhiều hoạt động thực sự dành cho du khách vui chơi tới sáng. “Đây sẽ là dự kiến giai đoạn 2, giai đoạn khoảng từ 2023-2025 thì chúng tôi sẽ triển khai các hạng mục việc này”, bà Hạnh chia sẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới