Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng gặp khó trong ‘giải ngân’ tiền hỗ trợ người khó khăn do Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng gặp khó trong ‘giải ngân’ tiền hỗ trợ người khó khăn do Covid-19

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Gần 120.000 người lao động mất việc, người gặp khó khăn do Covid-19 đã nhận tổng cộng hơn 127 tỉ đồng tiền hỗ trợ từ thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc giải ngân tiền hỗ trợ cũng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đà Nẵng gặp khó trong ‘giải ngân’ tiền hỗ trợ người khó khăn do Covid-19
Hiện nay, nhiều tiểu thương và người lao động tại Đà Nẵng đang gặp khó khăn kéo dài từ đợt bùng phát dịch Covid-19 từ đầu năm đến đợt bùng phát thứ hai này. Ảnh: Nhân Tâm

Bình quân mỗi người được 1 triệu đồng

Tính đến nay, Đà Nẵng đã có 116.966 người được chi trả với tổng kinh phí 124.251.600.000 đồng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, bao gồm người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động.

Trong khi đó, số người lãnh tiền theo Nghị quyết 298/NQ-HĐND là 2.528 người với tổng kinh phí 3.240.000.000 đồng, bao gồm các đối tượng người có công cách mạng, người lao động (giáo viên, nhân viên…) và đối tượng xã hội khách.

Theo tìm hiểu, bình quân mỗi người nhận khoảng 1 triệu đồng.

Đơn cử, tại một gia đình ở quận Liên Chiểu, ba thành viên đều là lao động tự do mất việc nhận tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Ông Hồ Văn Sướng (68 tuổi) là lái xe ôm, trong khi chị Hồ Thị Kim Chi (49 tuổi) là bán hàng rong và anh Hồ Văn Phụng (36 tuổi) làm nghề thu gom rác và phế liệu.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 82 người bán vé số được thông báo hỗ trợ mỗi người một triệu đồng (số lượng người bán vé số tại Đà Nẵng thực tế cao hơn gấp nhiều lần, nhưng chủ yếu đến từ các tỉnh, thành khác).

Những số liệu này được cập nhật trong kênh https://congdulieu.vn hoặc https://opendata.danang.gov.vn, thuộc các kênh tra cứu thông tin về kinh phí hỗ trợ người dân, do Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng triển khai. Các kênh khác bao gồm ứng dụng Zalo, Tổng đài 1022 Đà Nẵng, tin nhắn điện thoại SMS…

Giải ngân chậm do thiếu người

Không được may mắn như gia đình ông Hồ Văn Sướng ở quận Liên Chiểu, các thành viên trong gia đình chị Đỗ Thị Kim Thanh không có trong danh sách được thông báo có nhận tiền hỗ trợ 1 triệu đồng cho đến lúc này.

Chị Thanh cho biết gia đình chị mở cửa hàng sắt và gia dụng tại quận Thanh Khê trong nhiều năm nay. Chị hầu như phải đóng cửa hàng kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu tiên. Cửa hàng chị có hai lao động làm việc không có giao kèo hợp đồng. Chị đã đăng ký và làm theo hướng dẫn của phường nơi mình cư trú và kinh doanh để được hỗ trợ cho chính mình và hai lao động này.

Tuy nhiên, hiện nay, không ai có tên trong danh sách được lãnh tiền được công bố trong trang

https://congdulieu.vn hoặc https://opendata.danang.gov.vn.

Chị cũng chia sẻ thêm rằng em gái của chị sinh sống tại quận Sơn Trà và làm việc tại một quán cà phê ở quận Hải Châu cũng không có trong danh sách này.

Theo đại diện của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn thành phố đến nay chưa có đơn thư khiếu nại, chưa phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, chạy chính sách xảy ra.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng xác nhận việc tiếp nhận thẩm định hồ sơ giải quyết cho người lao động ở một số địa phương trong thời gian qua còn chậm. Các biểu mẫu, thủ tục, hồ sơ còn khá phức tạp, nhất là trong thời gian đầu triển khai.

Theo quy định của Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, các nhóm đối tượng được hỗ trợ có hạn chế, một số thông tin chưa nhất quán nên gây nhiều khó khăn cho cơ sở khi giải thích cho nhân dân đến yêu cầu giải quyết hỗ trợ.

Tình trạng người dân ồ ạt lên phường yêu cầu hướng dẫn kê khai theo thông tin hỗ trợ của Nghị quyết 42/NQ-CP đã gây áp lực lớn và quá tải cho bộ máy cán bộ cơ sở. Hơn nữa, trong quá trình lập danh sách do các địa phương xã, phường hiểu chưa thống nhất các loại hình ngành nghề để ghi vào hồ sơ nên gây khó khăn cho công tác tổng hợp của cấp quận, huyện.

Thời gian thẩm định quá ngắn (2-3 ngày) trong khi lực lượng cán bộ mỏng (nhất là các phường, xã sau tinh giản theo Nghị định 34/CP) nên tình trạng chậm chễ xảy ra.

Đặc biệt, các trường hợp đã có quyết định phê duyệt của UBND thành phố nhưng do tình hình dịch bệnh bùng phát nên một số quận, huyện chi trả chậm lại nhất là quận Thanh khê và quận Ngũ Hành Sơn.

Ai được hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP?

1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương thì được hỗ trợ với mức 1.800.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian thực tế tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch, tính từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và không quá ba tháng.

2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá ba tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

3. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng không quá 3 tháng.

4. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

5. Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

6. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng là 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

7. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng là ba tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 và được chi trả một lần.

(Trích Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới