Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng gặp thách thức trong quản lý nguồn thực phẩm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng gặp thách thức trong quản lý nguồn thực phẩm

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Đà Nẵng gặp nhiều thách thức, đặt biệt là quản lý nguồn thực phẩm, để đạt mục tiêu trở thành thành phố thực phẩm thông minh trong 5 năm tới, theo nhiều ý kiến tại một hội thảo tổ chức hôm nay (12-3).

Đà Nẵng gặp thách thức trong quản lý nguồn thực phẩm
Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo. Ảnh: Nhân Tâm

Tại hội thảo “Chiến lược xây dựng thành phố thực phẩm thông minh cho thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030”, đa số ý kiến cho rằng Đà Nẵng hiện quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng các loại thực phẩm. Mặt thuận lợi là Đà Nẵng phong phú nguồn thực phẩm nhưng mặc thách thức là vấn đề quản lý. Cụ thể, đối với rau quả tươi, mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 140.000 tấn, trong đó chỉ 6,5% số này được sản xuất tại Đà Nẵng, còn lại là từ 15 tỉnh, thành và nước ngoài. Bên cạnh đó, 37.500 tấn thịt gia súc gia cầm được tiêu thụ Đà Nẵng đến từ bên ngoài, chủ yếu là Bình Định (70%).

“Đà Nẵng đã ký kết với tất cả địa phương về việc liên kết cung cấp sản phẩm nhằm mang tính chính thức, tuy nhiên tất cả chỉ dừng ở mức nhận biết thu gom tại các vựa chứ chưa đi sâu đến việc quản lý nơi sản xuất để kiểm soát xuất xứ”, bà Thái Thị Minh, Giám đốc của tổ chức phi chính phủ Rikolto (Bỉ) tại Việt Nam, chia sẻ. Bà cho biết thêm đây là một thách thức không nhỏ để Đà Nẵng tiến đến thành phố thực phẩm thông minh.

Bên cạnh đó, thiết lập hợp tác xã tại địa phương, phát triển các tiêu chuẩn cho các hộ kinh doanh chợ truyền thống, rác thải, nguồn lực con người và quản lý thực phẩm đường phố là những vấn đề Đà Nẵng cần giải quyết. “Nói đến thông minh không chỉ là nói đến công nghệ mà còn là sự hiệu quả. Một môi trường thực phẩm sạch, an toàn và người tiêu dùng dễ tiếp cận mới gọi là thông minh”.

Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng Ban Quản lý Chợ Đầu mối Hòa Cường, chia sẻ thêm hiện nay chuỗi liên kết thực phẩm rất yếu cũng như phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài một phần nguyên do từ năng lực thấp của các hợp tác xã cũng như các nhà cung cấp địa phương. “Là chợ đầu mối, chúng tôi muốn làm cầu nối giữa các hợp tác xã và các nhà bán lẻ, tuy nhiên các hợp tác xã cung cấp nguồn thực phẩm không ổn định cho doanh nghiệp. Họ không tự thân vận động để phát triển chính mình”, ông Anh nêu vấn đề.

Tại buổi hội thảo, Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, cho biết hội thảo này là cơ sở để Đà Nẵng lấy ý kiến để thực hiện các chương trình hành động để biến Đà Nẵng thành thành phố thực phẩm thông minh trong 5 năm tới.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới