Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng hỗ trợ tiền và chính sách cho cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng hỗ trợ tiền và chính sách cho cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19

Nhân Tâm

(KTSG Online) – Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) được mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Trong khi đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động của mình với mức tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng.

Đà Nẵng hỗ trợ tiền và chính sách cho cá nhân, doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19
Hàng loạt nhà hàng, cửa hàng tại Đà Nẵng đóng cửa do ảnh hưởng của Covid-19, khiến hàng ngàn lao động rơi vào cảnh khó khăn. Đà Nẵng đang hướng tới hỗ trợ mạnh đối tượng này cũng như người sử dụng lao động. Ảnh: Nhân Tâm

Bên cạnh đó, thành phố dành mức hỗ trợ 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng (30 ngày) và 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng (30 ngày) trở lên.

Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Những thông tin này được đề cập trong Kế hoạch số 135/KH-UBND của thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 năm 2021. Kế hoạch do ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ký và ban hành hôm nay, 19-7.

Cũng theo kế hoạch này, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện.

Đó là đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động chấm dứt hợp đồng lao động và chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, trừ các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Mức hỗ trợ cho đối tượng này là 3.710.000 đồng/người. Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Trong khi đó, người sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) và tử tuất theo quy định. Và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN cho người lao động để phòng, chống Covid-19.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động nhận mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Chủ tịch UBND thành phố giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập tổ giúp việc triển khai kế hoạch này.

Trong kế hoạch này, Đà Nẵng cũng hỗ trợ cho người có công cách mạng bị bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên với mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/lần, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ở cộng đồng (bao gồm người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em mồ côi) mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người/lần; người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố (kể cả còn sức lao động và không còn sức lao động) có tên trong danh sách được UBND thành phố phê duyệt với mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/lần.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới