Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng lên phương án cho các khu công nghiệp sản xuất an toàn

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) trong tuần này sẽ đề xuất với UBND thành phố Đà Nẵng các phương án để các doanh nghiệp mở rộng hơn quy mô sản xuất trong an toàn sau ngày 5-9 (thời điểm Đà Nẵng sẽ kết thúc đợt giãn cách xã hội với phương châm “ai ở đâu thì ở đó” theo kế hoạch).

Chia sẻ với KTSG Online sáng nay, 30-8, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban DHPIZA, chi biết: Chúng tôi đang lấy ý kiến doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp về kế hoạch sản xuất an toàn và xây dựng các phương án để trình thành phố phê duyệt”.

Các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghệ cao và các khu công nghiệp tại Đà Nẵng đang hướng đến sản xuất an toàn sau thời gian giãn cách xã hội ở mức cao nhất. Ảnh chụp tại một doanh nghiệp Nhật trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng trước khi dịch xảy ra. Ảnh: Nhân Tâm

Được biết, trong thời gian qua DHPIZA đồng hành cùng doanh nghiệp lên phương án và chuyển phương thức hoạt động từ sản xuất bình thường sang sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ) để vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch hiệu quả.

Doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của thành phố ở mức tuyệt đối, rất hợp tác để thực hiện phương thức sản xuất này, mặc dù có khó khăn trong gần hai năm nay do dịch bệnh. Bên cạnh đó, khoảng 70% lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động đã được tiêm vaccine ít nhất một mũi.

Đây là những cơ sở tích cực để xây dựng và thực thi phương án sản xuất an toàn sau thời gian giãn cách xã hội ở mức cao nhất (5-9), ông Sơn cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với Cổng Thông tin điện tử thành phố, ông Trần Văn Tỵ, Phó Trưởng Ban của DHPIZA, cho biết hiện tại, có khoảng 65.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao.

Về tình hình sản xuất, hiện tại, đầu ra sản phẩm, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gặp nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập từ TPHCM.

Từ đầu năm đến nay, Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án, trong đó có 4 dự án FDI và 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký lần lượt là 145,33 triệu đô la và 481,4 tỉ đồng.

Trong đó, có các dự án tiêu biểu như dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu đô la và dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản), với vốn đầu tư 35 triệu đô la vào Khu công nghệ cao.

Luỹ kế đến nay, có 503 dự án, trong đó có 373 dự án trong nước và 130 dự án FDI với tống vốn đầu tư lần lượt là 27.563 tỉ đồng và hơn 1,8 tỉ đô la đầu tư vào các khu công nghiệp, công nghệ cao tại Đà Nẵng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới