Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng liệu có bỏ cảng Liên Chiểu, phát triển cảng Tiên Sa?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng liệu có bỏ cảng Liên Chiểu, phát triển cảng Tiên Sa?

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Công ty Surbana Jurong được Đà Nẵng chọn làm nhà tư vấn quy hoạch chung cho thành phố, đã đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa và không phát triển cảng Liên Chiểu tại buổi thảo luận mới đây về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đà Nẵng liệu có bỏ cảng Liên Chiểu, phát triển cảng Tiên Sa?
Bản đồ quy hoạch cảng Liên Chiểu. ảnh: Tư liệu

Cụ thể, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án phát triển tối đa sân bay Đà Nẵng và liên kết với các sân bay trong khu vực như Phú Bài, Chu Lai; đồng thời, mở rộng cảng Tiên Sa, không phát triển cảng Liên Chiểu. Trong khi đó, đường sắt được đề xuất kẹp sát phía Đông đường cao tốc nhằm hạn chế chia cắt đô thị thành 3 mảnh và tận dụng cùng hành lang.

Tại buổi họp, Bí thư Trương Quang Nghĩa đồng tình với phương án phát triển tối đa sân bay Đà Nẵng, xây dựng đô thị sân bay và liên kết với các sân bay trong khu vực; đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu sâu hơn, có sự phân tích, so sánh cụ thể trên cơ sở khoa học đối với vấn đề tiếp tục mở rộng cảng Tiên Sa, hay phát triển cảng Liên Chiểu.

Theo ghi nhận thực tế, Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn nhà nước cũng như vốn tư nhân cho dự án phát triển cảng Liên Chiểu. Vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 500 tỉ đồng từ nguồn 10% dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của cả nước theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10-11-2016 của Quốc hội để có thể khởi công dự án trong năm 2019 và triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Tuy nhiên, đến nay sau đúng 1 năm, mọi thứ dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Thậm chí, trước đó, vào tháng 6-2019, trong buổi tiếp đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, đã “thúc” lãnh đạo Bộ nhanh chóng xem xét để thực hiện dự án cảng Liên Chiểu bên cạnh các dự án khác. 

Một trong những nguyên nhân mà thành phố Đà Nẵng quyết tâm thực hiện cảng Liên Chiểu là cảng Tiên Sa (cảng chính tại Đà Nẵng) sẽ bị quá tải trong tương lai không xa.

Cảng Tiên Sa, thành phố Đà Nẵng, có công suất 12 triệu tấn/năm nhưng hiện nay chỉ đạr 8 triệu tấn/năm và đang bị cạnh tranh bởi các cảng khác trong vùng. Ảnh: Nhân Tâm.

Được biết, vào tháng 7 năm ngoái, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng đã chính thức đưa vào sử dụng 2 cầu tàu mới trong dự án mở rộng giai đoạn II Cảng Tiên Sa, với tổng mức đầu tư gần 900 tỉ đồng, gồm một cầu tàu dài 310m khả năng tiếp nhận tàu container lên đến 4.000 Teus và một cầu tàu dài 210m. Vì vậy, công ty đã sở hữu gần 1.700m cầu bến có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 DWT (dead-weight ton, đơn vị đo lường theo tấn trong hàng hải), tàu container đến 4.000 Teus (Twenty-foot equivalent units, đơn vị tính theo container), tàu khách loại lớn đến 150.000 GT (Gross tonnage, diện tích toàn phần). Và riêng cảng Tiên Sa có thể đạt công suất 12 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, đến nay cảng này chỉ mới đạt công suất 8 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, cảng đang bị canh tranh bởi các cảng khác trong khu vực như Dung Quất, Chu Lai hay Chân Mây.

Mốc thời gian cảng Liên Chiểu

• 12-2017: Công bố dự án phát triển cảng Liên Chiểu trong giai đoạn từ 2020 đến 2050 với tổng mức đầu tư 7.378 tỉ đồng.

• 9-2018: Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (tại Thông báo số 373/TB-VPCP). Theo đó, việc đầu tư cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa là cần thiết và cấp bách.

• 10-2018: Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí 500 tỉ đồng để thực hiện những hợp phần đầu tiên của dự án.

• 1-2019: Văn phòng Chính phủ ra thông báo số 01/TB-VPCP ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về cảng Liên Chiểu. Theo đó, Đà Nẵng cần sớm nâng cấp Khu bến cảng Liên Chiểu để đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển và phát triển kinh tế- xã hội của khu vực miền Trung và của thành phố Đà Nẵng.

• 5-2019: HĐND TP. Đà Nẵng thông qua tờ trình của UBND thành phố về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung 3.426 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

• 6-2019: Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan Trung ương do Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung làm trưởng đoàn, lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị bộ sớm thẩm định chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo đề nghị của UBND thành phố để khởi công và triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

• 10-2019: Đơn vị tư vấn Surbana Jurong đề nghị không phát triển cảng Liên Chiểu, tiếp tục phát triển cảng Tiên Sa

 

GRDP bình quân đầu người tại Đà Nẵng sẽ đạt 25.300 đô la Mỹ vào năm 2045

Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn Công ty Surbana Jurong đã trình bày kết quả nghiên cứu dự án cho đến giai đoạn hiện nay, và đề xuất các định hướng xây dựng quy hoạch dựa trên kết quả nghiên cứu.

Theo đó, dự báo, giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng trung bình theo phương án cao nhất là 10,1%; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.700 đô la Mỹ, năm 2045 đạt khoảng 25.300 đô la Mỹ.

Mô hình đô thị được đề xuất cho Đà Nẵng là một đô thị nén cho khu vực trung tâm và phát triển mở rộng về phía Tây. Cấu trúc đô thị gồm 3 phân vùng phát triển, với khu vực mặt nước dọc theo bờ biển và sông, khu công viên giữa đô thị và khu vực sườn đồi phía Tây.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới