Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng ngày tháng Covid-19 và chuyện của người ở lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà Nẵng ngày tháng Covid-19 và chuyện của người ở lại

Nhân Tâm

(TBKTSG Online) – Andrew J. Smith (người Anh) cùng vợ sống ở khu phố Tây ở Đà Nẵng đã ba năm nay. Nhiều người hàng xóm của anh đã quay về nước khi dịch Covid-19 bùng phát, nhưng anh quyết định ở lại và mong muốn trở thành một phần cộng đồng nơi đây.

Nhân dịp này, anh đã có những chia sẻ với TBKTSG Online về cuộc sống của mình thời gian này.

Covid-19 'hạ gục' du lịch các địa phương như thế nào?

Đà Nẵng gợi ý mỗi người dân chi 1 triệu đồng cho thực phẩm trong 14 ngày

Đà Nẵng ngày tháng Covid-19 và chuyện của người ở lại
Vợ chồng anh Andrew J. Smith trên bờ biển Đà Nẵng những ngày chưa có lệnh cấm tắm biển. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TBKTSG Online: Anh chị đã ở Việt Nam bao lâu và năm 2020 này có dự định gì? 

– Đây là năm thứ 3 chúng tôi sống ở Việt Nam. Chúng tôi ấp ủ nhiều dự định trong năm 2020 vì muốn sống ở đây lâu dài. Chúng tôi mới vừa ký hợp đồng thuê nhà cho đến cuối mùa hè năm 2021, khởi sự kinh doanh và tiếp tục hỗ trợ cộng đồng nơi chúng tôi đang sinh sống.

Tôi đang giảng dạy tại một trường đại học trong hơn năm qua và vẫn muốn hỗ trợ thanh niên địa phương cải thiện kiến thức. Còn Jessica, vợ tôi, vừa lấy bằng sư phạm và định giảng dạy tại một trường quốc tế nào đó.

Nói chung, chúng tôi yêu nơi này và xem đây là quê hương thứ 2 của mình. 

Covid-19 có làm thay đổi kế hoạch của anh chị?

– Có đôi chút. Tất cả các trường học đã phải đóng cửa hơn hai tháng nay. Chúng tôi đang “gõ cửa” đến từng người và hỏi họ muốn đầu tư vào việc học cho con cái mình như thế nào.

Chúng tôi muốn góp phần giúp đỡ các bậc cha mẹ với phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp và nếu được muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để cải thiện hệ thống giáo dục hiện nay.

Trong thời gian này khi trường học đóng cửa và mọi người ở nhà, chúng ta vẫn có thể “vận động” qua việc nghĩ về cách xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt, một yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước sau này.

Vợ chồng anh đã sống như thế nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát?

Mặc dù đó có một chút điều chỉnh, nhưng chúng tôi đang sống khá thoải mái trong ngôi nhà của mình. Chúng tôi có nhiều thức ăn và đủ đồ dùng.

Đương nhiên, chúng tôi nhớ những món ăn địa phương ngon tuyệt tại các nhà hàng khắp phố và mong những nhà hàng này sẽ mở cửa trở lại khi dịch qua đi. Chúng tôi đã lo ngại về nền kinh tế địa phương khi quá phụ thuộc vào khách sạn và du lịch. Và giờ hậu quả đã diễn ra nặng nề khi bệnh dịch đến.

Thêm vào đó, thật là buồn khi một số người bạn nước ngoài mà chúng tôi quen trước đó quay trở về nước khi dịch bùng phát và có thể sẽ không bao giờ quay lại.

Tôi thấy thật là tiếc, vì nhiều người là những giáo viên rất giỏi, rất cần cho thành phố du lịch như Đà Nẵng.

Vậy đây có phải là điều anh luyến tiếc nhất?

Có luyến tiếc thật, nhưng vì hoản cảnh phải chịu. Nhưng tôi muốn kể câu chuyện mà tôi ấn tượng thời gian qua.

Tôi bất ngờ với sự thích nghi và bình tĩnh của cộng đồng tôi đang sinh sống. Tôi thấy được lòng tốt và sự quan tâm mà họ đã chia sẻ với vợ chồng tôi trong thời điểm khó khăn này.

Mỗi tuần đi qua, tôi lại được thông báo “quân luật” được siết chặt hơn để giữ an toàn cho mọi người. Thật lạ, hàng xóm của tôi không than oán gì cả. Họ chấp nhật và tự thay đổi thói quen hằng ngày. Nhiều người chấp nhận làm việc ở nhà, không ra ngoài đường để bảo vệ mình và người thân.

Tôi thấy được sức mạnh của sự gắn kết và chia sẻ trách nhiệm nơi đây. Hơn nữa, tôi rất xúc động khi rất nhiều người bạn Việt Nam gửi tin nhắn cho tôi hỏi có ổn không và cần giúp đỡ gì không. Đó là một minh chứng cho thấy rằng họ đang xem chúng tôi là một phần của cộng đồng, không kỳ thị chúng tôi. 

Vợ chồng anh có kế hoạch nào cho tương lai khi dịch bệnh đi qua?

Tôi nghĩ đây là cơ hội để Đà Nẵng hướng tới tương lai và tạo ra bước nhảy vọt ấn tượng bằng cách đầu tư vào giáo dục và hiện đại hóa nền kinh tế thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ.

Nếu Đà Nẵng nghiêm túc trong việc thu hút người tài, hướng đến khẳng định vị thế của mình, Jessica và tôi đều muốn trở thành một phần của tương lai đó. Một tương lai không chỉ có ngành du lịch mà còn các ngành công nghiệp khác và cơ hội cho các thế hệ tương lai.

Chúng tôi mong mốn được tiếp tục đóng góp cho cộng đồng ở đây. Tôi vẫn đang chờ xem người Đà Nẵng đi theo con đường nào và họ muốn gì để tính toán tương lai lâu dài của mình ở đây tốt hơn.

Cảm ơn anh!

Cây xoài: minh chứng cho mối tình Việt – Phần Lan

Nhóm khách người Phần Lan trồng cây xoài tại khuôn viên khách sạn Santa Sea ở Hội An như một lời cảm tạ đã đối xử tốt với họ trong những ngày lưu trú do ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Quốc Việt

Anh Lê Quốc Việt, chủ khách sạn Santa Sea Hội An Villa, kể trong hơn một tháng qua, khách sạn của anh là một trong số ít những khách sạn, resort (khu nghỉ mát) đang trở thành nơi ở của những vị khách Tây Âu bị “mắc kẹt” lại thành phố Hội An.

Một trong số đó là nhóm khách Phần Lan ở hơn mười ngày tại đây mà anh thấy rất ấn tượng.

Ngày ông Olavi Jokinen đặt phòng ở Santa Sea cũng là ngày sinh nhật vợ ông. Anh Việt đã chủ động tổ chức tiệc sinh nhật cho họ. Sau đó, họ ở 12 ngày tại khách sạn trước khi tìm được chuyến bay về Phần Lan.

Cảm kích vì tình cảm của anh Việt dành cho mình trong những ngày qua, anh Olavi đã mua một cây xoài về trồng trong khuôn viên khách sạn. Theo lời kể của anh Việt, ông Olavi xem Santa Sea như nhà mình và sẽ thường xuyên quay lại. Ông muốn cây xoài này là dấu ấn cho tình cảm của ông với anh Việt.

Anh Việt cũng kể Santa Sea là “nhà ở” của một số du khách nước ngoài trong suốt gần hai tháng qua. Trong đó, có trường hợp anh phải hỗ trợ mua đổi vé cho họ bay từ Hà Nội về châu Âu quá cảnh Doha (Qatar) vì đường bay Doha – Đà Nẵng của Qatar Airways phải tạm ngưng do Covid-19.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới