Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc chững lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc chững lại

Chánh Tài

(KTSG Online) – Các chỉ số đo lường các hoạt động khắp nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 4 thấp hơn kỳ vọng, một phần là do tình trạng thiếu chip, cho thấy cú bật dậy mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong một năm qua đang bắt đầu giảm xung lực.

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc chững lại
Hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc chững lại trong tháng 4. Ảnh: AFP

Theo dữ liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 30-4, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc rơi về mức 51,1 điểm trong tháng 4 so với mức 51,9 điểm trong tháng 3. Mức giảm này mạnh hơn mức trung bình 51,6 điểm theo dự báo của các nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát. Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới của ngành sản xuất cũng giảm về mức 50,4 điểm so với 51,2 điểm trong tháng 3.

Dù điểm số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn cao hơn 50 điểm, nguỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm, NBS cho biết tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu, tắc nghẽn logistics quốc tế và chi phí vận tải biển tăng cao đang gây áp lực cho hoạt động của các nhà sản xuất.

Dữ liệu của NBS cũng cho thấy đà phục hồi của ngành dịch vụ tiếp tục suy yếu, làm dấy lên các lo ngại rằng sức tiêu dùng nội địa, điểm yếu dai dẳng trong tiến trình phục hồi kinh tế, sẽ kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng tới.

Trong tháng 4, chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc, bao gồm các ngành dịch vụ và xây dựng, giảm về mức 54,9 điểm so với mức 56,3 điểm trong tháng 3.

Các con số yếu hơn dự báo khắp nền kinh tế Trung Quốc xuất hiện sau một năm đất nước này tăng tốc phục hồi vượt mức kỳ vọng, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020.

Tuy nhiên, không phải tất cả dữ liệu kinh tế Trung Quốc đều kém lạc quan. Chỉ số PMI ngành sản xuất Trung Quốc do Caixin/Markit khảo sát tăng lên 51,9 điểm trong tháng 4 từ mức 50,6 điểm trong tháng 3, cho thấy hoạt động của các nhà sản xuất quy mô nhỏ đang tăng lên mức cao nhất trong năm nay.

“Dù chỉ số PMI chính thức của NBS giảm xuống mức thấp bất ngờ, sự cải thiện của chỉ số PMI ở các nhà sản xuất nhỏ phát đi tín hiệu tích cực, cho thấy đà phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ tiếp tục tăng tốc vào tháng trước”, Betty Wang, nhà kinh tế ở Ngân hàng ANZ, nhận định.

Hoạt động của nhà sản xuất lớn hơn ở Trung Quốc bị kìm hãm một phần là do tình trạng thiếu chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp, đáng chú ý nhất là ngành ô tô và hàng điện tử tiêu dùng. Hoạt động sản xuất thiết bị kỹ thuật số của Trung Quốc phụ thuộc lớn vào nguồn linh kiện nhập khẩu.

Trong khi đó, chỉ số PMI phi sản xuất của Trung Quốc, vốn được các nhà kinh tế xem là yếu tố then chốt trong việc duy trì đà phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới một khi tăng truởng xuất khẩu và các ngành công nghiệp hạ nhiệt, lại giảm sâu hơn mức dự báo trong tháng 4.

Chỉ số này suy giảm chủ yếu là do hoạt động xây dựng suy giảm mạnh. Chỉ số PMI ngành xây dựng của Trung Quốc rơi về 57,4 điểm trong tháng 4 so với mức 62,3 điểm trong tháng truớc. Các nhà kinh tế cho rằng tăng truởng của ngành xây dựng của Trung Quốc đang hạ nhiệt vì Bắc Kinh thắt chặt quản lý đối với các nhà phát triển bất động sản.

Tuy nhiên, NBS cho biết sức chi tiêu của nguời tiêu dùng Trung Quốc đang cải thiện sau một năm bị kìm hãm bởi các lo ngại về tình hình dịch bệnh và việc làm. NBS nhận định mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân đã tăng mạnh, thể hiện qua sự cải thiện mạnh mẽ của ngành khách sạn, nhà hàng, giải trí.

Các nhà phân tích kỳ vọng kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày nhân dịp Ngày Quốc tế lao động (1-5) sẽ thúc đẩy đà phục hồi của ngành du lịch Trung Quốc.

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc dự báo trong kỳ nghỉ này, người dân Trung Quốc sẽ thực hiện 265 triệu chuyến du lịch, ngang bằng với cùng kỳ của năm 2019. Trip.com Group, công ty điều hành nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cho biết lượng vé máy bay đặt mua cho kỳ nghỉ này tăng 23% so với cùng kỳ của năm 2019 dù giá vé đang cao hơn.

Dù vậy, mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân Trung Quốc sẽ phụ thuộc một phần vào sức khoẻ của thị truờng việc làm, vốn vẫn yếu ớt. Các chỉ số phụ về sử dụng lao động của chỉ số PMI ngành sản xuất và phi sản xuất của Trung Quốc đều giảm trong tháng 4, cho thấy các doanh nghiệp đang tăng tốc sa thải lao động.

“Đà phục hồi chậm chạp của thị trường lao động Trung Quốc sẽ tiếp tục kìm hãm sức chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc”, nhà kinh tế Betty Wang nhận định.

Theo Wall Street Journal, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới