Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đà phục hồi kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn khó

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau giai đoạn phục hồi nhanh và khá dễ dàng nhờ các chương trình kích thích khổng lồ, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức, nghiêm trọng nhất là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và lạm phát tăng mạnh.

Tình trạng tắc nghẽn ở cảng Los Angeles (Mỹ), nơi xử lý khoảng 300 tỉ đô la hàng hóa mỗi năm, chủ yếu giữa Mỹ và châu Á, vẫn chưa cải thiện. Ảnh: AP

Đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau cú suy thoái sâu vào năm ngoái đang tiến đến giai đoạn khó khăn khi các nhà hoạch định chính sách và giới lãnh đạo doanh nghiệp phải xoay xở chèo lái quá trình chuyển tiếp gập ghềnh từ tái mở cửa sau đại dịch sang một tốc độ tăng trưởng bình thường hơn.

Giới lãnh đạo doanh nghiệp cho biết nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ tăng vọt trong năm qua, nhờ chương trình kích thích trị giá hàng ngàn tỉ đô la Mỹ, đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn và tình trạng này có thể kéo dài sang năm 2022. Hậu quả là giá cả hàng hóa tăng mạnh và cuộc cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô và lao động đang gây áp lực lên nhiều doanh nghiệp và công ty và đè các nền kinh tế lớn như Đức.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang cố gắng vạch ra một lộ trình giúp kiềm chế lạm phát nhưng không làm cản trở tăng trưởng khi bằng cách loại bỏ dần các biện pháp giải cứu kinh tế chưa có tiền lệ, giảm lãi suất về các mức thấp kỷ lục và triển khai các chương trình mua trái phiếu khổng lồ.

Nếu họ hành động quá chậm, lạm phát có thể tiếp tục tăng và có nguy cơ dẫn đến vòng tròn luẩn quẩn: giá cả hàng hóa tăng buộc các doanh nghiệp phải tăng lương cho người lao động và điều này lại kéo giá cả hàng hóa tăng tiếp.

Nhưng họ tăng lãi suất quá nhanh, điều đó có thể cản trở đà phục hồi kinh tế trong một thế giới đang nợ nần chồng chất.

Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Công ty tư vấn Capital Economics, nhận định: “Đây là giai đoạn khó khăn của đà phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến sang năm

Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, tiết lộ sẽ thu hẹp lại chương trình mua trái phiếu trị giá 120 tỉ đô la/tháng ngay trong tháng này.

Ông nói: “Lạm phát đã tăng cao hơn dự kiến và tình trạng thắt nút cổ chai ở các chuỗi cung ứng kéo dài và xảy ra thường xuyên hơn. Chúng tôi thấy rằng các vấn đề này có thể kéo dài đến sang năm, điều mà chúng tôi và các nhà dự báo vĩ mô khác đã không tiên liệu”.

Một số ngân hàng trung ương đã có những bước đi gây bất ngờ, chẳng hạn, tuần trước, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) quyết định không tăng lãi suất, trong khi đó, Ngân hàng trung ương Séc tăng lãi suất cơ bản mạnh hơn dự kiến, từ 1,5% lên 2,75%.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Oxford Economics, chỉ có khoảng 1/5 lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi ý kiến tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đã trôi qua. 1/3 trong số họ nhận định tình trạng gián đoạn này có thể sẽ kéo dài đến cuối năm sau hoặc lâu hơn nữa.

Những thách thức cho đà phục hồi kinh tế đặc biệt gay gắt ở Mỹ sau khi Nhà Trắng triển khai các chương trình kích thích  tài khóa trị giá gần 6.000 tỉ đô la, giúp chi tiêu của người tiêu dùng trong nước tăng cao hơn khoảng 9% so với mức trước đại dịch nhưng điều này cũng khiến chuỗi cung ứng tắc nghẽn trầm trọng hơn, đẩy lạm phát lên mức 5,4% trong tháng 9, mức cao nhất trong 13 năm.

Jeffrey Edwards, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất phụ tùng Cooper-Standard Holdings, cho biết: “Chúng tôi đang bước vào giai đoạn khó khăn. Chúng tôi không thể tăng giá bán đủ để bù đắp những tác động lạm phát của chi phí vật liệu, năng lượng, vận chuyển và lao động”.

Công ty ông đang xem xét bán bớt một số tài sản sau khi doanh thu sụt giảm và chịu lỗ trong quí 3.

Tại các cảng lớn nằm dọc theo bờ biển phía đông và phía tây nước, khối lượng container được xử lý trong quí 2 cao hơn gần 1/5 so với cùng kỳ của năm 2019, theo Fitch Ratings.

“Vào mùa xuân đầu năm, tôi khá chắc chắn rằng mọi thứ sẽ bắt đầu dễ dàng hơn vào mùa thu. Những điều đã xảy ra là mọi thứ thực sự trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, tôi đã ngừng dự báo”, Lars Mikael Jensen, người đứng đầu mạng lưới vận tải đường biển toàn cầu của hãng tàu container lớn nhất thế giới, Maersk, cho biết.

Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra hơn nửa triệu việc làm mới trong tháng 10 và mức lương trung bình theo giờ của người lao động ở khu vực tư nhân tăng 4,9%, gần gấp đôi mức tăng lương trung bình hàng năm trong 15 năm trước đại dịch.

Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại

Theo dự báo của Ngân hàng Nomura, tăng trưởng của Trung Quốc có khả năng sẽ chậm lại với tốc độ hàng năm 3% hoặc 4% trong vài quí tới do nền kinh tế số hai thế giới đang bị kìm hãm bởi tình trạng thiếu năng lượng và nguyên liệu cũng như chiến dịch chấn chỉnh phủ đối với ngành công nghệ và bất động sản.

Kevin Lai, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á của Công Daiwa Capital Markets nhận định: “Đà tăng trưởng chậm lại lần này sẽ lớn hơn và kéo dài hơn bất kỳ giai đoạn nào mà chúng ta đã thấy trong 10 năm qua ở Trung Quốc”.

Trung Quốc đang quyết liệt triển khai các biện pháp cải cách nền kinh tế, như chấn chính lĩnh vực công nghệ, theo đuổi các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, hạn chế nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp, đặc biệt là trên thị trường nhà đất. Động thái đó có thể kìm hãm tăng trưởng của Trung Quốc và toàn cầu. Do vậy, sức bật của nền kinh tế toàn cầu, dù vẫn còn mạnh mẽ, đang đối mặt với thời điểm bấp bênh và có nguy cơ nguy cơ chệch hướng.

Tại Đông Nam Á, dịch Covid-19 đang lắng xuống và các nhà máy đã mở cửa trở lại, giúp khôi phục một số liên kết chính trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng khu vực này tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu lao động, chi phí vận chuyển hàng hóa cao và nguy cơ dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát dữ dội.

Kinh tế Đức bế tắc do lĩnh vực sản xuất bị kìm hãm

Nền kinh tế của Đức, lớn nhất châu Âu, được dự báo ​​không tăng trưởng trong những tháng tới do vấn đề tắc nghẽn nguồn cung đang kìm hãm lĩnh vực sản xuất hùng mạnh của nước này, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô. Trong tháng 9, sản lượng ô tô của Đức thấp hơn 10% so với mức trước đại dịch.

Doanh số bán ô tô mới của châu Âu giảm gần một phần tư trong tháng 9 so với một năm trước đó, mức thấp nhất trong 9 hàng năm kể từ năm 1995. Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Skoda Auto, công ty con của hãng Volkswagen (Đức), cho biết sẽ giảm sản lượng trong những tuần tới vì thiếu hụt chip bán dẫn và dự kiến ​​ sản xuất ít hơn khoảng 250.000 xe trong năm nay do thiếu kinh kiện.

Heinze Gruppe, công ty sản xuất phụ tùng ô tô của Đức, rơi vào tình trạng vỡ nợ sơ bộ hồi tháng 9 sau khi vật lộn suốt năm qua để ứng phó tình trạng chi phí nguyên vật liệu gia tăng và giao trễ nhiều tháng. Giám đốc điều hành Heinze Gruppe, Joerg Tilmes, nói: “Tôi gia nhập ngành công nghiệp ô tô từ năm 25 tuổi và chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khắc nghiệt như lúc này”.

Theo Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới