Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đa số, hầu hết là thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đa số, hầu hết là thế nào?

Huế Dương

Đa số, hầu hết là thế nào?
Việc cưa chặt cây xanh ở Hà Nội đã phải tạm dừng theo phản ứng của người dân. Ảnh : VOV

(TBKTSG Online) – Có anh học trò muốn sử dụng câu nói “mặt trời mọc hướng Đông và lặn ở hướng Tây” trong bài luận của mình bèn hỏi giáo sư hướng dẫn là liệu anh có phải chú thích nguồn gốc của thông tin đó không. Câu trả lời của vị giáo sư là không cần thiết, bởi những dữ kiện như vậy là hiển nhiên và ai cũng biết. Trích dẫn nguồn làm gì cho phí công.

Nhưng khi anh học trò biện luận như thế này “hầu hết người sử dụng Facebook đều mua hàng trực tuyến” thì đương nhiên là vị giáo sư sẽ đặt ra vài câu hỏi quan trọng: Làm sao anh, chị biết được điều này? Bao nhiêu là hầu hết? Số liệu này là của anh chị thu thập được hay là của ai? Rồi anh chị đã thu thập số liệu như thế nào?

Nếu không có nguồn trích dẫn liên quan và tin cậy, ví dụ như một bài báo khoa học đã xuất bản, thì rõ ràng là người viết đã suy luận từ ý chí chủ quan của mình rồi quơ vào làm ý của thiên hạ. Còn nếu có nguồn mà không ghi thì có thể bị quy là ăn cắp ý tưởng của người khác. Kiểu gì thì cũng dẫn đến khả năng bài luận bị đánh rớt vì nó chẳng thuyết phục được ai. Chưa kể đem ra áp dụng thì trật lất so với thực tiễn.

Mấy cái cụm từ “đa số”, “hầu hết”, “tuyệt đại bộ phận” xem ra hay được sử dụng để dùng áp lực số đông thuyết phục người khác tin vào chủ trương của mình hoặc để biện minh cho một hành động nào đó. Bình thường nói chuyện bâng quơ, chém gió chẳng chết ai thì cứ dùng đại rồi cười huề cả làng với nhau.

Nhưng khi liên quan đến báo cáo khoa học hay chủ trương chính sách xã hội mà dùng “hầu hết ủng hộ” với “đa số đồng thuận” vô tư như trong quán nhậu thì thật nguy hiểm. Khi không có điểm tựa là hầu hết dân chúng thực sự ủng hộ, chính sách chủ trương dễ đổ bể như chơi.

Vụ việc chặt cây xanh ở Hà Nội làm náo loạn cả các diễn đàn mạng Internet và báo chí mấy ngày qua được một số quan chức thủ đô cho rằng “hầu hết nhân dân các khu vực có cây thay thế đồng thuận, ủng hộ”.

Người dân thủ đô có quyền hỏi ngay (và họ đã hỏi): Làm sao các vị biết được điều này? Các vị đã thu thập số liệu như thế nào? Chứng cứ đâu, danh sách đâu? Sao chúng tôi không được biết?

Người dễ tính hơn thì nhận xét: ừ thì coi như chúng tôi tạm tin các anh, nhưng làm sao tôi biết là những người tham gia trưng cầu ý kiến đó là đại diện cho chúng tôi? Có thể thấy người ta không chỉ quan tâm đến kết quả số liệu này mà còn quan tâm cả đến cách lấy số liệu đó xem có hợp lý và có tính đại diện không. Nói cách khác, họ quan tâm đến cả phương tiện và mục đích của cái kết quả “hầu hết quần chúng ” hay “đa số nhân dân” này.

Vua chúa ngày xa xưa muốn thuyết phục dân chúng ủng hộ làm điều gì đó thì cứ phán rằng đó là ý trời. Vua chỉ việc truyền lại thông điệp và dân chúng phải răm rắp nghe theo.

Ngày nay đâu còn như xưa, muốn thuyết phục thì phải rõ ràng minh bạch về mục đích và phương tiện trong đó các dữ kiện đưa ra để chứng minh chủ trương chính sách cũng tự bản thân chúng phải có tính thuyết phục với người dân. Cứ lấy “hầu hết” với “đa số” quy vào ý kiến dân chúng rồi thực hiện duy ý chí thì sớm muộn cũng để lại hậu quả. Xa hơn nữa là làm mất lòng tin của dân.

Chủ trương cưa chặt cây xanh vừa phải tạm dừng theo phản ứng của người dân rồi. Vậy mấy phát ngôn “hầu hết” và “đa số” thì là thế nào đây?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới