Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đã tư vấn mà vẫn chưa thông

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đã tư vấn mà vẫn chưa thông

Người dân đăng ký thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TPHCM – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Dưới đây là hai nội dung tư vấn từ Phòng Tuyên truyền – Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM, trên mục “Tư vấn thuế thu nhập cá nhân (TNCN)”, báo Tuổi Trẻ ngày 30-12-2008.

Hỏi: Tôi làm việc và hưởng lương ở ba nơi: Công ty A ở quận 1 lương 2 triệu đồng, Công ty B ở quận Tân Phú lương 3 triệu đồng, Công ty C ở Hóc Môn lương 2,5 triệu đồng. Tôi sẽ đăng ký cấp mã số thuế ở quận Tân Phú, vậy khai thuế TNCN hàng tháng như thế nào?

Đáp: Bạn có thu nhập ở nhiều nơi thì phải xác định nơi bạn làm việc có ký hợp đồng lao động, làm việc lâu dài, ổn định để thực hiện kê khai giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc tại công ty đó. Hai công ty còn lại khi trả thu nhập sẽ thực hiện khấu trừ 10% (nếu bạn đã có mã số thuế). Cuối năm bạn phải tổng hợp thu nhập từ ba nơi để thực hiện quyết toán với cơ quan thuế.

– Câu trả lời trên chưa đúng vấn đề của người muốn hỏi. Cứ theo lời đáp, khi địa điểm đăng ký nộp thuế đã xác định là ở Tân Phú, nơi có mức lương cao nhất, thì ở đó, với tiền lương 3 triệu đồng, thấp hơn mức giảm trừ 4 triệu cho bản thân, người hỏi chưa phải diện nộp thuế. Nhưng lại phải nộp ở quận 1 và Hóc Môn, lương hai nơi cộng lại là 4,5 triệu đồng, tạm nộp 10%, mỗi tháng nộp 450.000 đồng.

Tính thuế riêng rẽ từng nơi theo lời tư vấn thì như thế. Nhưng nếu tính theo lương ba nơi cộng lại là 7,5 triệu đồng, số thuế phải nộp sẽ khác hẳn. Theo luật, trường hợp không có người phụ thuộc, số thuế phải nộp mỗi tháng là 175.000 đồng. Có một người phụ thuộc, nộp 85.000 đồng. Có hai người phụ thuộc, nộp 15.000 đồng. Có từ ba người phụ thuộc trở lên thì tổng số giảm trừ lớn hơn tổng số lương, không phải nộp.

Những con số tính toán trên cho thấy người hỏi muốn biết cách thức kê khai và nộp thuế tập trung vào một nơi, khi thu nhập phát sinh ở nhiều nơi, vừa thuận tiện cho việc tính toán theo luật, số thuế phải nộp hàng tháng lại ít hơn rất nhiều so với thực hiện theo lời tư vấn nêu trên.

Đành rằng còn có quyết toán cả năm để hoàn lại tiền thuế nếu đã nộp thừa, hoặc phải nộp thêm, nếu nộp còn thiếu. Song trong trường hợp của người nêu câu hỏi, số thuế phải nộp cộng dồn suốt 12 tháng trước khi quyết toán lên tới 5,4 triệu đồng (450.000 đồng x 12), trong khi quyết toán số thuế phải nộp cả năm theo lương ba nơi cộng lại sẽ ít hơn từ vài lần tới vài chục lần, tùy theo số người phụ thuộc.

Cần thấy rằng con số tạm nộp 10% tưởng nhỏ, nhưng đó là thuế suất bậc 2 thu vào phần thu nhập tính thuế (tiền lương sau khi trừ tất cả các khoản giảm trừ) của những người có mức lương khoảng 10 triệu đồng trở lên, thêm nữa lại tính toàn phần trên tổng tiền lương chứ không tính lũy tiến từng phần, nên số thuế phải nộp mới nhiều đến thế.

Hỏi: Công ty chúng tôi vẫn quyết toán thuế TNCN theo thời điểm tính thu nhập: lương tháng 12-2007 được quyết toán trong năm 2007 dù trả lương trong tháng 1-2008. Theo Luật thuế TNCN, lương tháng 12-2008 trả trong tháng 1-2009 sẽ quyết toán trong năm 2009. Vậy năm 2008 chúng tôi có được quyết toán 11 tháng hay không (từ tháng 1-2008 đến tháng 11-2008)? Nếu được quyết toán 11 tháng thì tiền thưởng Tết năm 2008 có được chia bình quân cho 12 tháng hay không vì đây là tiền thưởng cho cả năm?

Đáp: Trường hợp công ty thực hiện chi trả lương tháng 12-2008 vào tháng 1-2009 thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động trong năm 2009. Khi thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2008 cho người lao động, công ty căn cứ theo thu nhập thực trả trong năm 2008. (Đối với cổ tức, cũng có câu hỏi này).

– Thoáng nghe, câu trả lời trên chính là câu chữ ghi trong văn bản thuế TNCN: “Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho đối tượng nộp thuế hoặc thời điểm đối tượng nộp thuế nhận được thu nhập”.

Nhưng nghĩ lại, diễn giải như vậy không đúng câu chữ ghi trên văn bản. Cần nhấn mạnh, văn bản chỉ quy định thời điểm tính thuế, không quy định cách tính: tính theo Luật Thuế TNCN hay theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao (TNC). Nếu lương tháng 12-2008 trả vào tháng 1-2009, thực tế là như thế, thì thời điểm tính (và nộp) thuế từ tiền lương này phải là trong tháng 1-2009, không thể sớm hơn và không được muộn hơn. Tuy nhiên, chưa thấy có điều khoản nào trong văn bản thuế TNCN quy định lương tháng 12-2008, nếu trả vào tháng 1-2009, thì tính là lương năm 2009. Cơ quan thuế đã trả lời như thế, đúng hay sai?

Cũng theo câu trả lới trên, phải chăng có thể hiểu cổ tức năm 2008, nếu trả vào một ngày nào đó trong năm 2009, thì cũng phải coi như cổ tức năm 2009?

Chưa thể thông với câu trả lời trên, trước hết là về mặt chính sách. Trong những thời kỳ khác nhau, Nhà nước có chính sách thuế khác nhau, trong đó thời gian áp dụng mỗi chính sách đều được xác định. Luật thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 thể hiện chính sách thuế đối với các loại thu nhập chịu thuế phát sinh từ ngày 1-1-2009 trở đi.

Cũng những thu nhập đó, nếu phát sinh trước năm 2009, thì phải chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh thuế TNC, có hiệu lực đến ngày 31-12-2008, thể hiện chính sách thuế TNCN từ tiền lương trước năm 2009. Coi tiền lương tháng 12-2008 là lương của năm 2009 để thu thuế TNCN vô hình trung bóp méo chính sách.

Đối với cổ tức cũng vậy, cổ tức 2008 phát sinh từ kết quả kinh doanh năm 2008, do đó là thu nhập phát sinh trong năm 2008, nằm trong khung thời gian có hiệu lực của Pháp lệnh thuế TNC và do đó chưa chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế TNCN. Đây là một điểm quan trọng trong nhận thức và thực hiện chính sách. Pháp lệnh thuế TNC chưa thu thuế vào cổ tức, nên người có cổ tức năm 2008 đương nhiên không phải nộp thuế TNCN, dù cổ tức trả trong năm 2009.

Nếu chỉ vì trả trong năm 2009 mà coi cổ tức năm 2008 như là cổ tức năm 2009, thì phải chăng kết quả kinh doanh năm 2008 cũng có thể coi là của năm 2009, vì kết quả đó cũng được tính và trên cơ sở đó tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong quí 1-2009? Vì coi kết quả kinh doanh năm 2008 là của năm 2009, phải chăng có thể tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 theo thuế suất 25%, thay vì 28% là thuế suất áp dụng cho đến hết năm 2008?

Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã hối hả trả xong cổ tức năm 2008 trước ngày 1-1-2009 với mục đích là né nộp thuế TNCN. Nhìn bề ngoài, có người coi đó là lách luật, song nếu hiểu đúng luật thì không cần lách như thế.

LÊ VĂN TỨ

Bộ Tài chính vừa có công văn hướng dẫn về thuế tncn (16181/BTC-TCT ngày 31-12-2008), trong đó có hướng dẫn cụ thể vấn đề tác giả nêu như sau: “Đối với các khoản thu nhập của cá nhân có nguồn gốc phát sinh từ năm 2008 trở về trước như: khoản chi trả cổ tức, tiền lương, tiền thưởng… nhưng được chi trả vào năm 2009 thì áp dụng các chính sách thuế của năm phát sinh thu nhập, không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với các khoản thu nhập này. Đối với cá nhân kinh doanh có doanh thu phát sinh trong tháng 12-2008, kê khai vào tháng 1-2009 thực hiện tính, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và quyết toán thuế (nếu nộp thuế theo kê khai) chung vào năm 2008”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới