Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đặc khu kinh tế Dawei và những câu chuyện từ miền Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đặc khu kinh tế Dawei và những câu chuyện từ miền Trung

Vũ Đặng Dương

(TBKTSG) – Dawei là một thành phố ven biển nằm ở gần cực nam Myanmar, đang liên tục được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông của Myanmar và Thái Lan, xuất phát từ dự án xây dựng đặc khu kinh tế (ĐKKT) đầu tiên trên đất nước Myanmar.

Dawei – Ngôi sao đang lên

Ngày 2-11-2010, một hiệp định khung được ký tại Naypyidaw giữa Italian-Thai Development Plc. (ITD), tập đoàn phát triển dự án hạ tầng hàng đầu của Thái Lan và Cảng vụ Myanmar. ITD sẽ đầu tư 8 tỉ đô la Mỹ phát triển dự án trong 10 năm đầu, bao gồm xây dựng khu công nghiệp, khu cảng nước sâu, và hệ thống đường bộ, đường sắt kết nối đến Thái Lan. Tổng số vốn cho dự án lên đến 58 tỉ đô la Mỹ.

Dù chỉ đang được xây dựng nhưng ĐKKT Dawei đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn như gã khổng lồ ngành hóa dầu Thái Lan PTT, tập đoàn Siam Cement, Thép Nippon… Ngoài ra ĐKKT Dawei, với diện tích 250 ki lô mét vuông, có “lợi thế” của một khu kinh tế chưa luật hóa vấn đề bảo vệ môi trường và chưa hạn chế hạng mục đầu tư, hiển nhiên trở thành điểm đến ưa thích của các tập đoàn chuyên “xuất khẩu ô nhiễm”.

Nhìn nhận Myanmar như là cửa ngõ lý tưởng để mở đường ra Ấn Độ Dương, giúp hạ nhiệt vấn đề năng lượng và phát triển vùng Vân Nam, Trung Quốc đang triển khai xây lắp đường ống dẫn dầu dài 771 ki lô mét qua Myanmar. Sau khi dự án Dawei được triển khai, Trung Quốc đã lên kế hoạch nối tuyến đường sắt Côn Minh – Yangon dài đến Dawei. Trung Quốc hiện đang là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba và đối tác nhập khẩu lớn nhất của Myanmar. Chính vì những lý do này, sẽ không ngạc nhiên nếu các nhà đầu tư Trung Quốc xuất hiện đông đảo tại ĐKKT Dawei.

Ảnh hưởng của Dawei lên các hành lang kinh tế

Bức tranh Dawei không chỉ có màu hồng, chính phủ Myanmar và ITD còn phải cải thiện kinh tế vĩ mô, chất lượng chính sách, môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng… để Dawei thật sự mang lại lợi ích lâu dài cho Myanmar. Tuy nhiên Dawei thực sự đang thách thức một cái tên khác trong tham vọng trở thành đầu mối giao thông quan trọng của khu vực, đó là cửa ngõ phía Đông của hành lang kinh tế Đông – Tây (EWEC), Đà Nẵng.

Dawei có vị trí địa lý rất “nhạy cảm” đối với khu vực tiểu vùng sông Mêkông: vĩ độ Dawei gần bằng vĩ độ Quy Nhơn (xấp xỉ 140 độ Bắc). Đường nối hai thành phố này có thể xem như đường trung tuyến của bán đảo Trung Ấn, Dawei sẽ là địa điểm phù hợp để phát triển thành một cửa ngõ cho lưu chuyển hàng hóa toàn khu vực.

Nếu sự phát triển của Dawei trong vòng một thập kỷ tới song hành với những chuyển biến thiếu tích cực về mặt quy hoạch, chính sách và hành động từ các bên liên quan trên EWEC, nhất là từ phía Việt Nam thì hạ tầng EWEC sẽ tiếp tục bị lãng phí, và lợi thế phát triển 100% trên EWEC của Đà Nẵng sẽ khó thành hiện thực.

Dù vẫn là một thành phố năng động và hấp dẫn các nhà đầu tư, nhưng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng năm 2010 giảm và đạt thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây là cảnh báo để Đà Nẵng và những người làm chính sách không ngủ quên trên những thành công đã đạt được mà cần đẩy mạnh cải cách hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư, thích ứng với những thách thức trong tương lai, tạo động lực cho kinh tế miền Trung phát triển mạnh và bền vững.

Tiến sĩ Edo Andriesse, giảng viên Đại học Khon Kaen (Thái Lan), cho rằng sự phát triển của Dawei sẽ có hai tác động nhãn tiền lên EWEC, do đó, cảng Đà Nẵng cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ sự đi lên của Dawei.

Thứ nhất, cảng Dawei sẽ thay thế vai trò của cảng Mawlamyine để trở thành cửa ngõ phía Tây của EWEC.

Thứ hai, kết nối hiệu quả giữa Dawei và Bangkok sẽ làm giảm mức độ thành công của EWEC, do thương mại giữa các tỉnh, thành phố dọc theo EWEC không phát triển như kỳ vọng ban đầu.

Trong khi đó, trục Dawei – Kanchanaburi – Bangkok hoàn thiện sẽ khiến miền Nam Thái Lan hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Ngược lại với EWEC, hành lang kinh tế phía Nam (SEC) có thể nhận tác động tích cực từ Dawei. Với những chính sách mà Chính phủ Myanmar dành cho ITD như miễn các loại thuế nhập khẩu, nhượng quyền sử dụng đất lên đến 75 năm, ITD sẽ có điều kiện để đưa ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Dawei, điều sẽ tạo hiệu ứng tích cực lên các tỉnh thành nằm trên SEC.

ITD đã xác định Dawei là điểm nối dài về phía Tây của SEC. Dễ nhận thấy rằng do SEC hiện đi qua các thành phố lớn như Bangkok, Siem Reap, Phnôm Pênh, Quy Nhơn và TPHCM, đặc biệt là sự có mặt hai cảng nước sâu Dawei và Cái Mép – Thị Vải, nên khi Dawei và Bangkok hoàn thiện kết nối, đồng thời các hạng mục giao thông, hạ tầng của SEC cũng được nâng cấp, SEC sẽ thúc đẩy thương mại nội vùng và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn chứ không dừng lại ở việc thu hút khách du lịch như hiện nay.

Những câu chuyện từ miền Trung

Trở lại với Đà Nẵng, trong các hành lang kinh tế của khu vực tiểu vùng Mêkông, EWEC là hành lang đầu tiên tương đối hoàn thiện kết nối hạ tầng cứng và cảng Đà Nẵng được nhiều người nhìn vào để đo lường những kết quả mà EWEC mang lại. Tuy nhiên, hiện nay, kể cả khi cảng Đà Nẵng chấp nhận giảm phí dịch vụ cảng, lượng hàng hóa từ Thái Lan và Lào qua cửa khẩu Lao Bảo đến Đà Nẵng vẫn còn hạn chế.

“Hạ tầng EWEC đang bị lãng phí nghiêm trọng!”, phát biểu của ông Lê Hữu Thăng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, là phát biểu có thể được xem là tổng kết ngắn gọn những gì EWEC mang lại cho nhiều tỉnh thành khác thuộc EWEC. Sự thiếu đồng bộ về cách thức hoạt động (thời gian làm việc ngắn hơn của cửa khẩu phía Việt Nam là một ví dụ), chậm trễ trong triển khai các biện pháp thúc đẩy giao thông qua lại cửa khẩu, và trên hết, sự phối hợp lỏng lẻo giữa các tỉnh thành đã làm cho những kỳ vọng vào hành lang này chưa thành hiện thực.

Trong lúc đó, để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông phía Việt Nam, Quyết định số 07/2011/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được ban hành tháng 1-2011 đã xác định quy hoạch phát triển hành lang Đà Nẵng – quốc lộ 1A – Lao Bảo và hành lang Đà Nẵng – quốc lộ 14B-14D – Nam Giang là hai nhánh của EWEC, phục vụ nhu cầu vận tải của vùng và phục vụ hàng quá cảnh từ Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Các nội dung đáng lưu ý khác bao gồm việc phát triển cảng Đà Nẵng đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ ở khu vực miền Trung, nâng cấp bến Tiên Sa (đón tàu đến 50.000 DWT), xây thêm khu bến Sơn Trà (đón tàu 20.000 DWT) và khu bến Liên Chiểu (tiếp nhận tàu đến 80.000 DWT), xây dựng tuyến đường sắt nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Liên Chiểu.

Đây là một kế hoạch đầy tham vọng và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Dường như kế hoạch này kỳ vọng về sự phát triển lý tưởng của Đà Nẵng, và một phần trong đó là kỳ vọng vào EWEC. Tuy nhiên, ĐKKT Dawei nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kịch bản lý tưởng này, và như vậy, các hạng mục đầu tư cần được tính toán lại để tối ưu hóa nguồn vốn, nâng cao tính cạnh tranh cho Đà Nẵng. Nếu thực hiện, cơ quan chức năng phải có biện pháp đảm bảo rằng các dự án này sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả đồng thời cần lên kế hoạch để thu hút hàng hóa về cảng Đà Nẵng ngay từ thời điểm hiện tại.

Một động thái nên được xem như là trở ngại cho vấn đề phát triển Đà Nẵng và EWEC lại nằm tại… Quảng Trị. Cuối năm 2008, được công văn 7557/BGTVT-KHĐT bật đèn xanh, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã thuê tư vấn xây dựng phương án xây cảng nước sâu Mỹ Thủy đón tàu đến 50.000 DWT để phục vụ cho khu kinh tế Lao Bảo và khu kinh tế biển Đông Nam (đã xuất hiện trên quy hoạch), với lý do là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm bớt khó khăn về vận chuyển từ Lao Bảo đến Đà Nẵng.

Nếu chỉ với các lý do đó, cảng Mỹ Thủy chỉ cần có bến sà lan và cẩu bờ loại nhỏ để kết nối với cảng Tiên Sa, trở thành cảng vệ tinh trong hệ thống cảng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Còn nếu xây cảng nước sâu với với số vốn ít nhất là 15.000 tỉ đồng để trang bị thiết bị chuyên dụng, cẩu lớn, xây cầu tàu dài, Mỹ Thủy sẽ là cái tên tiếp theo gia nhập danh sách các cảng đói hàng tại Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới