Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đặc sản “tôm tre” và làng nghề Bình Định

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đặc sản “tôm tre” và làng nghề Bình Định

Đức Tâm

(TBKTSG Online) – Nhìn những con tôm hùm to lớn được treo trên tường tại căn nhà số 364 đường Ngô Gia Tự, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, mọi người tham quan đều trầm trồ thán phục khi được biết chúng được làm từ những khoanh tre vốn rất thân thuộc với làng quê Việt Nam.

Cha đẻ của những sản phẩm độc đáo này là bác Nguyễn Minh Châu, năm nay 87 tuổi, người nghệ nhân có bàn tay cực kỳ khéo léo với rất nhiều sản phẩm thủ công sáng tạo. Theo anh Nguyễn Phúc Sơn, con trai cả của bác Minh Châu, trước khi tạo ra đặc sản tôm tre độc đáo, cha anh đã khá nổi tiếng với những sản phẩm khác như sử dụng bông gòn để làm những chú chim sẻ trông y như thật, hoặc đắp tranh nghệ thuật…

Sau khi những sản phẩm chim sẻ, tranh đắp… lỗi thời, bác Châu chuyển qua nghiên cứu những sản phẩm mỹ nghệ khác và khi tình cờ khi thấy những khoanh tre ngẫu nhiên nằm cạnh nhau rất giống cái lưng của con tôm, ý tưởng làm tôm bằng tre xuất hiện.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, so sánh với con tôm thật, rồi lại chỉnh sửa, đến năm 1987 bác Châu đã có một con tôm bằng tre trông như thật và chính sản phẩm này mang lại cho bác giải thưởng thủ công mỹ nghệ toàn quốc trong một dịp trưng bày tại một hội chợ ở Quảng Ngãi.

Đặc sản
Những con tôm hùm làm bằng tre được treo khắp nhà tạo ấn tượng mạnh với khách tham quan

"Thời gian đầu, những con tôm đất, với phần tre chiếm hơn 90% nguyên liệu, dòng sản phẩm tôm đầu tiên của gia đình được bán rất chạy và khoản thu nhập này đủ giúp gia đình chúng tôi đủ xoay trở cuộc sống để tiếp tục theo nghề," anh Sơn kể.

Tôm nhỏ, dòng sản phẩm đầu tiên thuộc họ nhà tôm của gia đình bác Châu, với thành phần gần 100% là tre hiện có giá 200.000 đồng/cặp

Tuy nhiên, theo thời gian, khách hàng không còn thích sản phẩm này, vậy là gia đình anh Sơn lại tìm tòi để cho ra đời những con tôm hùm to hơn, màu sắc đẹp hơn nhưng đồng thời thành phần tre trong sản phẩm đã giảm xuống chỉ còn mức 50%. Theo anh Sơn, mỗi cặp tôm hùm có giá từ 350.000 đồng/cặp đến 1.000.000 đồng/cặp tùy theo kích thước sản phẩm. Con tôm hùm lớn nhất dài 750 mm, chưa tính bộ râu.

Các chú tôm hùm thô, dòng sản phẩm hiện được thị trường ưa chuộng, được lên giàn để chuẩn bị mặc lớp áo mới
Cận cảnh một chú tôm hùm. Phần thân là các khoanh tre được cưa xéo dán lại với nhau. Phần đầu nguyên là một khúc gỗ nhẹ, thông dụng là gỗ gòn, được xử lý để làm đầu tôm.

Theo anh Sơn, trong con tôm, phần khó nhất là tạo dáng cong thật tự nhiên cho lưng tôm. Để làm được như vậy, cần chọn những khúc tre tròn, cưa xéo để chọn những khoanh có kích thước khác nhau, sau đó ghép lại theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Phần đuôi tôm là những miếng tre nhỏ, được chẻ mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra.

Ngoài tôm tre, gia đình bác Châu còn làm cả những con thú khác bằng tre như cua, cò…

Những làng nghề truyền thống khác ở An Nhơn

Những du khách đã một lần ghé về thị xã An Nhơn, Bình Định nên dành chút thời gian thăm những làng nghề truyền thống tại đây.

Nhơn Lộc, chẳng hạn, là nơi sản xuất rượu Bàu Đá là thứ đặc sản nổi tiếng của Bình Định. Rượu Bàu Đá nặng nhưng ngọt, vị thơm, sắc trong. Tên rượu được đặt theo chính tên của xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, Bình Định.

Xưa, trong làng có cái bàu do hai con sông giao nhau tạo thành. Sức chảy mạnh của dòng hai dòng sông, đặc biệt vào mùa lũ, vét sạch lớp đất cát bên trên và dưới cùng là lớp đá nên có tên gọi là bàu đá và người dân xung quanh lấy nước từ bàu này để sinh hoạt. Lâu dần, hình thành nên tên gọi xóm bàu đá.

Ngày nay, bàu này đã bị lấp, và hiện chỉ còn những cánh đồng xanh lúa trên vị trí bàu xưa. Theo một số người trong làng, hiện UBND tỉnh Bình Định đang lên kế hoạch cảo đất, khôi phục lại hiện trạng bàu đá ngày xưa để giữ gìn di tích cho làng.

Đường vào làng nghề rượu Bầu Đá. Trong làng có 35 hộ thì đã có hơn 30 hộ có truyền thống nấu rượu

Từ Nhơn Lộc, tiếp tục đi về phía Tây – Bắc khoảng 2,3 km, khách tham quan sẽ đến làng nghề truyền thống An Thái với đặc sản nổi tiếng là bún Song Thằn. Để làm bún, người ta cho bột, đã qua xử lý, vào ống có đục lỗ và ép để hình thành sợi bún chạy qua. Xưa, ống chỉ có hai lỗ nên mỗi lần có hai sợi, tức song thằn, chạy qua. Từ đó bún có tên là Song Thằn. Một số nơi đọc trại đi nên có tên gọi khác là bún Song Thần.

Bún được làm từ đậu xanh nên hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với bún gạo. Ngoài ra, bún Song Thằn còn có ưu điểm khác đó là giữ được lâu sau khi chế biến, sợi bún dai, khi xào, nấu không khi bị dính vào nhau.  Mỗi ký bún giá 185.000 đồng.

 

Để được một mẻ bún, nếu thời tiết đẹp với nắng và gió, người làm phải mất 10 ngày. Do tính chất phức tạp, kỳ công nên cả làng An Thái hiện chỉ còn 3 hộ tiếp tục theo nghề

Ngoài đặc sản bún Song Thằn, An Thái còn rất nổi tiếng về võ thuật qua câu thơ "roi Thuận Truyền, quyền An Thái".

Từ trung tâm thị xã An Nhơn, đi về phía bắc khoảng 4 – 5 km, khách tham quan sẽ đến làng nghề gỗ truyền thống Nhơn Hậu với rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ đặc sắc.

Làng gỗ Nhơn Hậu vốn là một làng tiện, sau du nhập thêm kỹ thuật chạm khắc của những nghệ nhân từ miền Bắc vào, nay các sản phẩm của Nhơn Hậu cực kỳ phong phú, đẹp mắt và có thị trường tiêu thụ sang cả Trung Quốc, Đài Loan…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới