Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Đại bàng’ thế giới nhộn nhịp ‘lót tổ’ ở Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

‘Đại bàng’ thế giới nhộn nhịp ‘lót tổ’ ở Việt Nam

Lê Hoàng

(TBKTSG Online) – Từ những nhà cung ứng linh kiện, sản phẩm hàng đầu cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu cho chiếc điện thoại iPhone như Foxconn, Luxshare, Pegatron… đến những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, LG… trực tiếp gia tăng và mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Sự nhộn nhịp 'lót tổ' này không chỉ tạo ra làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam mà còn thu hút nguồn vốn chất lượng và nâng cao giá trị như chính sách mà Chính phủ đề ra.

'Đại bàng' thế giới nhộn nhịp 'lót tổ' ở Việt Nam
Nhà máy của LG ở Hải Phòng. Ảnh minh họa: TL

Nhộn nhịp các tập đoàn công nghệ rót thêm vốn

Ngay trong thời gian đầu năm 2021 khi còn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Việt Nam vẫn chứng kiến sự nhộn nhịp cam kết đầu tư mới cũng như bổ sung nguồn vốn lớn của các tập đoàn công nghệ thế giới.

Công ty TNHH LG Display Việt Nam mới đây đã đón giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng thêm 750 triệu đô la Mỹ, nâng tổng vốn đầu tư của cả dự án của nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc này tại Hải Phòng lên 3,25 tỉ đô la. 

Dự án LG Display Việt Nam chuyên sản xuất màn hình ti vi, màn hình nhựa cho các thiết bị… Nguồn vốn bổ sung này dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 3 tới và đến tháng 5 sẽ chính thức đưa vào sản xuất. Khi dự án bổ sung được triển khai sẽ tuyển dụng thêm khoảng 5.000 lao động, mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 5 triệu đô la Mỹ cho ngân sách nhà nước (thuế thu nhập cá nhân). Ngoài ra, ban lãnh đạo LG cam kết ngay trong quí 1 này có thể tiếp tục thực hiện thêm một dự án trị giá 1,5 tỉ đô la tại thành phố hoa phượng đỏ này.

Trước đó, Tập đoàn Intel (Mỹ) đã đón giấy chứng nhận điều chỉnh khoản đầu tư bổ sung trị giá 475 triệu đô la cho dự án sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP). Khoản đầu tư này giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm của Intel dùng cho các thiết bị sử dụng công nghệ mạng di động thế hệ mới 5G, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10. Như vậy, tổng vốn đầu tư của tập đoàn công nghệ đến từ Mỹ này tại Việt Nam hiện tại đã lên tới hơn 1,5 tỉ đô la.

Điểm đáng lưu ý là nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) tại SHTP hiện có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu. Và tính đến cuối năm 2020, Intel Products Việt Nam (IPV) đã mang hơn 2 tỉ sản phẩm đến tay khách hàng trên toàn thế giới.

Theo ông Alan Danner, Giám đốc Tài chính của Intel Products Việt Nam, tính tới năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu lũy tiến của nhà máy Intel tại SHTP đạt trên 50 tỉ đô la và tạo ra gần 7.000 việc làm trong đó gồm cả 2.700 nhân viên Intel.

Với hơn 2.700 nhân viên phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới, IPV là một trong 10 địa điểm sản xuất của Intel trên toàn cầu và là đơn vị tiếp nhận đầu tư công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam. Với khoản đầu tư bổ sung 475 triệu đô la này, Intel Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết những giới hạn trong đổi mới sáng tạo công nghệ và nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên tài năng.

Trong khi đó, Foxconn – nhà sản xuất điện tử hàng đầu Đài Loan và là một trong những nhà cung ứng, sản xuất linh kiện chính cho Tập đoàn công nghệ Apple – gần đây cũng đón nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang. Dự án nhà máy Fukang Technology này của Foxconn sẽ được thực hiện tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) với quy mô công suất mỗi năm đạt khoảng 8 triệu sản phẩm, tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu đô la trên diện tích 22ha.

Cho đến nay, toàn bộ máy tính bảng iPad của Apple chỉ được lắp ráp tại Trung Quốc. Việc Foxconn chuyển hoạt động lắp ráp iPad sang Việt Nam (nếu có) sẽ là một cột mốc đáng nhớ của Việt Nam khi trở thành nước thứ hai lắp ráp iPad. Điểm đáng chú ý là Foxconn cũng đang tìm cơ hội đầu tư dự án mới trị giá 1,3 tỉ đô la tại Việt Nam.

Xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các "đại bàng" công nghệ đến đầu tư, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ các nước trong khu vực tới Việt Nam ngày càng rõ hơn.

Theo giới phân tích, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Các tập đoàn đa quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.

Trên thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam sau đại dịch.

'Lót thêm ổ' giữa dịch bệnh

Nhiều nhà gia công và sản xuất sản phẩm công nghệ cao vào Việt Nam. Ảnh minh họa: TL

Sau làn sóng các công ty công nghệ dồn dập đổ vốn vào Việt Nam hơn 10 năm trước, thì tình hình cho thấy dường như đang có một làn sóng công ty công nghệ muốn chọn Việt Nam là điểm đến "làm tổ" ngày càng quy mô hơn. 

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng SHTP cho biết, gần đây, SHTP đã trao giấy phép đầu tư cho 2 dự án FDI, trong đó có dự án của Công ty Arevo (Hoa Kỳ), với mục tiêu hoạt động là xây dựng nhà máy sản xuất máy in 3D; sản xuất phần mềm (thiết kế, mô phỏng, điều khiển máy in); sản xuất vật liệu sợi carbon nền polymer dành cho in 3D; dịch vụ in 3D từ sợi carbon…, với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu đô la.

Nhiều chuyên gia tin tưởng sự phát triển của chính các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới. Trên thực tế, làn sóng đầu tư này đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2020.

Ông Trác Hiến Hồng, Tổng giám đốc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tại Việt Nam, đại diện nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd, cho biết: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với hai nhà máy đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Trải qua 13 năm hoạt động, Tập đoàn không ngừng mở rộng quy mô và thành lập thêm nhiều công ty.

Tính đến cuối năm 2020, tổng vốn đầu tư tại Việt Nam là 1,5 tỉ đô la, số lượng cán bộ, công nhân viên hơn 53.000 người. Trong đó, số vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu đô la, giải quyết việc làm cho hơn 35.000 lao động. Dự kiến năm 2021 sẽ đầu tư thêm 700 triệu đô la và tăng 10.000 lao động.

Còn LG đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Gần đây UBND Thành phố Hải Phòng cũng xin chủ trương mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ thêm 700 ha để LG mở rộng sản xuất.

Không chỉ dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang mà thậm chí các nhà đầu tư từ các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Khi so sánh giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, tạp chí Nikkei Asia cũng nhận xét Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ so với Thái Lan, vốn là nơi đặt nhà máy của nhiều tập đoàn Nhật Bản.

Lấy câu chuyện minh họa trong quyết định vào năm 2020 của Panasonic về việc chấm dứt sản xuất máy giặt và tủ lạnh ở Thái Lan để hợp nhất lắp ráp thiết bị tại Việt Nam. Hiện Panasonic vẫn có các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô và pin ở Thái Lan, nhưng việc chuyển dịch sản xuất đến Việt Nam, nơi mà theo Nikkei Asia, xứ chùa vàng được coi là đối thủ cạnh tranh chính trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên thị trường Thái Lan có rất ít dư địa để tăng trưởng, nhưng chi phí lao động lại cao.

Trong bài viết ngày 14-1, tờ báo này nhận xét đang có một làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam trong một năm trở lại đây. Một trong các lý do là nguồn lao động giá rẻ và tiềm năng tăng trưởng vẫn còn lớn.
"Thái Lan bắt đầu trở thành 'công xưởng châu Á' thập niên 1980, trong khi các nhà sản xuất chỉ mới bắt đầu xây dựng nhà máy ở Việt Nam năm 2007 khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Nhưng Việt Nam đã vượt Thái Lan về FDI vào năm 2014 và giá trị xuất khẩu vào năm 2018", tờ Nikkei Asia dẫn chứng.

Đáng chú ý, theo giới phân tích, Việt Nam được coi là một lựa chọn khả thi sau Trung Quốc kể từ khi mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung bắt đầu leo thang và loại virus coronavirus mới bắt đầu lan rộng. Ngày càng có nhiều công ty quốc tế cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển để thu hút đầu tư. 

Trong báo cáo có tựa đề “Ngôi sao đang lên: Vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng biến đổi tại châu Á”, được công bố gần đây, Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng, Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn đối với các hoạt động sản xuất và những người đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở châu Á.

Theo EIU, các nhà sản xuất công nghệ cao sẽ tiếp tục nhận được ưu đãi trong nhiều năm tới và đó là một lợi thế, để cùng với các lợi thế khác, ví dụ tham gia nhiều hiệp định thương mại, Việt Nam sẽ trở thành “cái tên thay thế rất thuận lợi cho một phần sản xuất của Trung Quốc”.

Nhiều thuận lợi cho nhà đầu tư về công nghệ cao

Một góc tổ hợp sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: ĐVCC

Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực… Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp.

Việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế, cũng khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.

Đáng chú ý, Luật Đầu tư 2020 (thay thế cho Luật Đầu tư số 67/2014/QH13) có hiệu lực từ 1-1-2021 đã tạo độ mở lớn để “dọn tổ đón đại bàng”. Cụ thể, Luật Đầu tư 2020 có những thay đổi đáng chú ý về các chính sách ưu đãi đầu tư, được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho các nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Các chính sách mới của Luật Đầu tư 2020 về đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư được điều chỉnh theo hướng tập trung hơn về các lĩnh vực công nghệ cao, dự án khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…

Luật mới cũng có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho phép áp dụng ưu đãi đặc biệt (tối đa thêm 50%) để tạo chính sách thu hút dòng vốn FDI.Với việc hàng loạt những rào cản được tháo bỏ, đặc biệt là những thủ tục về mặt pháp lý đã khẳng định môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng lý tưởng và tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư.

Sự xuất hiện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam cũng cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đang tốt. 

Tuy nhiên, EIU cũng lưu ý bất lợi lớn nhất của Việt Nam là thiếu liên kết trong chuỗi cung ứng địa phương và lao động có trình độ cao cho các ngành sản xuất tiên tiến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới