Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu chất vấn trách nhiệm Thủ tướng về Vinashin

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu chất vấn trách nhiệm Thủ tướng về Vinashin

Bình Nguyên

Một trong những nhà máy đóng tàu trực thuộc Vinashin. Vinashin vẫn là đề tài “nóng” trong phiên chất vấn của Thủ tướng tại kỳ họp quốc hội sáng ngày 24-11 – Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Hơn 1/2 trong số 9 đại biểu tham gia chất vấn trực tiếp Thủ tướng tại hội trường của cuộc họp Quốc hội sáng ngày 24-11 đã đặt các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên của chính phủ trong vụ sụp đổ của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), và muốn biết thêm về tình hình “hậu” Vinashin.

>> Vì sao Chính phủ tái cơ cấu Vinashin?

>> Vinashin sẽ cắt giảm 216 doanh nghiệp

>> Đường sắt cao tốc, Vinashin tiếp tục “hâm nóng” Quốc hội

>> Dừng dự án bauxite phải được Trung ương, Quốc hội đồng thuận

>> Bauxite và Vinashin

Thủ tướng nhận trách nhiệm về Vinashin

Đại biểu Phạm Thị Loan, Nguyễn Minh Thuyết, Vũ Hoàng Hà, Nguyễn Thị Bạch Mai và Trần Du Lịch là những người đã chất vấn Thủ tướng bằng các câu hỏi về Vinashin. Trong phần trả lời của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu chính phủ.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi cũng nói rõ thủ tướng, các phó thủ tướng và các thành viên chính phủ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước và quản lý chủ sở hữu đối với vấn đề này (Vinashin) đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm, trách nhiệm cụ thể thế nào chúng tôi sẽ công khai”.

Thủ tướng đã đưa ra ý kiến trên trong phần trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn).

Trong phần chất vấn, ông Thuyết hỏi rằng ngoài lãnh đạo của Vinashin, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cụ thể về vụ việc của tập đoàn này, vì trong giải trình và trả lời chất vấn các thành viên chính phủ đều không thừa nhận trách nhiệm trong vụ việc này.

Ông Thuyết cũng hỏi Thủ tướng về trách nhiệm của người được pháp luật giao thực hiện quyền chủ sở hữu ở các tập đoàn và tổng công ty 91 của Nhà nước. “Trong quá trình thực hiện quyền này thì có nhiều sai phạm xảy ra. Tôi chỉ nói một vi phạm luật là điều 33 Luật Doanh nghiệp Nhà nước quy định chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm tổng giám đốc công ty, nhưng Thủ tướng là người ký quyết định cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT vừa là tổng giám đốc của Vinashin là như thế nào?”.

Thủ tướng giải thích rằng, từ năm 1996, khi lập Tổng công ty công nghiệp tàu thủy, Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó) đã quyết định chọn ông Phạm Thanh Bình làm tổng giám đốc. Đến năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó quyết định để ông Bình làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, và đến khi thành lập tập đoàn trên cơ sở Tổng công ty công nghiệp tàu thủy này, thì Thủ tướng chính phủ lúc đó và Phó thủ tướng lúc đó có công văn yêu cầu tìm tổng giám đốc để thực hiện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, đến khi thành lập Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam thì tập đoàn này và các cơ quan chức năng báo cáo rằng theo quy trình thì chưa tìm được tổng giám đốc, dự định là thuê nên kiến nghị tiếp tục để ông Bình làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Việc thí điểm này kéo dài từ năm 1999.

Là người chất vấn Thủ tướng đầu tiên, đại biểu Phạm Thị Loan còn hỏi Thủ tướng về chủ trương tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước khác hay không sau Vinashin. Bà nêu thực trạng của Tập đoàn dầu khí rằng tập đoàn này đang đầu tư nhiều ngoài ngành chính, đầu tư sang các lĩnh vực bảo hiểm, bất động sản, tài chính, taxi, và cả đóng tàu mới được giao thêm.

Bà Loan cũng chất vấn Thủ tướng vì lý do gì mà 50% đại biểu quốc hội không đồng ý để lại 3.500 tỉ đồng cho Tập đoàn dầu khí nhưng Chính phủ vẫn quyết định cấp số tiền đó cho họ, và cách kiểm soát việc sử dụng vốn này như thế nào. Bà cũng đề nghị Thủ tướng cho biết vì sao tập đoàn này được đầu tư 3,2 tỉ đô la Mỹ sang Venezuela vào thời điểm Việt Nam đang thiếu ngoại tệ.

Thủ tướng cho biết Tập đoàn dầu khí hiện đang hoạt động tốt, và việc để lại tiền ngân sách 50% cho dầu khí là chính phủ làm đúng theo chủ trương và pháp luật. Thủ tướng nói đang yêu cầu các tập đoàn nhà nước phải rà soát, trong đó có cả tập đoàn dầu khí.

Để giải thích cho việc Tập đoàn dầu khí đầu tư sang Venezuela, Thủ tướng cho rằng đây là chủ trương đúng của chính phủ, vì Việt Nam thiếu năng lượng nên phải tìm kiếm nguồn năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Theo Thủ tướng, giếng dầu đầu tiên mà phía Việt Nam liên doanh đã có dầu là ở Nga.

Thiếu điện vì thiếu vốn

Sau Vinashin, điện là một trong những vấn đề được đại biểu đề cập trong phiên chất vấn Thủ tướng sáng nay. Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cho rằng phát triển nguồn điện và thiếu điện là vấn đề được nhiều đại biểu và các chuyên gia kinh tế quan tâm.

Bà Thoại chỉ ra 3 nút thắt trong lĩnh vực điện hiện nay là các dự án đầu tư mới chậm tiến độ, chưa thu hút được nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho sản xuất điện, và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo như gió, nắng… khi nguồn nước cho làm thủy điện không còn dồi dào và thuận lợi nữa.

Bà cũng nêu thực trạng hiện nay là để sản xuất một KW điện tốn trung bình từ 7 đến 12 cent (đô la Mỹ), nhưng giá bán chỉ có từ 5 đến 6 cent, và như thế nhà đầu tư không bù đắp được chi phí thì làm sao có lãi. Bà đặt câu hỏi với giá bán như vậy thì ai dám đầu tư vào các dự án sản xuất điện, và làm thế nào để đến năm 2015 đảm bảo huy động được 50.000 MW công suất điện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, từ 20.900 MW hiện nay.

Theo báo cáo của Thủ tướng, trong 5 năm qua, công suất và sản lượng điện toàn quốc tăng gấp 2 lần. Tính đến cuối năm 2010, tổng công suất nguồn điện đạt gần 21.000 MW, sản lượng điện sản xuất đạt trên 97 tỉ kWh; điện thương phẩm đạt trên 85 tỉ kWh, tốc độ tăng nhu cầu điện bình quân giai đoạn 2006 – 2010 đạt gần 14%, gấp khoảng 2 lần so với tăng trưởng GDP.

Thủ tướng trả lời rằng Chính phủ sẽ tìm mọi giải pháp để đảm bảo đủ nguồn điện cho sự phát triển của đất nước. “Không đủ điện thì đừng nói đến tăng trưởng GDP là bao nhiêu”.

Trong báo cáo đọc trước phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7-2010, tình trạng thiếu điện xảy ra trên diện rộng đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

Các nguyên nhân thiếu điện, theo Thủ Tướng, là phần lớn các dự án điện đều thiếu vốn. “Với khoảng 40 dự án đầu tư xây dựng nguồn điện và hàng chục dự án đầu tư xây dựng lưới truyền tải để đáp ứng nhu cầu hàng năm phải bổ sung thêm khoảng 3.000 MW, tương đương nhu cầu vốn khoảng 6 tỉ đô la Mỹ/năm, Chính phủ cùng ngành điện đã rất nỗ lực trong việc huy động vốn đầu tư cho phát triển điện nhưng đã gặp nhiều khó khăn”.

Thủ tướng cũng chỉ ra những năm gần đây do bị thiếu nước nên sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện bị sụt giảm nghiêm trọng trong khi các nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành lại chưa ổn định. “Mặc dù ngành điện đã huy động các nhà máy điện chạy dầu phát điện bổ sung và tăng lượng điện mua của nước ngoài nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy tỷ lệ thiếu hụt không lớn (khoảng 5 – 6% tổng nhu cầu), nhưng do công tác điều hành, tiết giảm điện chưa hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân”.

Giá bán điện thấp cũng gây khó khăn cho việc huy động vốn đầu tư. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường; ý thức tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả còn thấp cũng làm tăng nhu cầu và gây sức ép lớn cho việc đầu tư phát triển ngành điện.

Trong năm 2011, Thủ tướng nói chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu điện bằng việc khai thác tối đa các nguồn phát điện hiện có, rút ngắn thời gian sửa chữa, và tiếp tục nhập khẩu tối đa lượng điện từ nước ngoài. Tổ máy số 1 của thủy điện Sơn La với công suất 400 MW sẽ được đưa vào vận hành giữa tháng 12-2010, sớm 2 năm so với thời hạn đề ra.

Từ nay đến hết năm 2011, đưa vào vận hành khoảng 5.000 MW, tăng trên 20% công suất nguồn so với hiện nay. Trả lời câu hỏi của đại biểu là làm thế nào để đạt 50.000 MW và có được vốn bình quân 6 tỉ đô la Mỹ/năm, Thủ tướng nói Chính phủ rất trăn trở và đang tính toán cách làm.

Ngoài Vinashin và điện, báo cáo của Thủ tướng cũng đề cập đến những vấn đề kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá, khai thác và chế biến bauxite tại 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, khắc phục thiên tai tại miền Trung và ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn.

Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng đầu năm 9,58%

Theo báo cáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước phần trả lời chất vấn của các đại biểu sáng ngày 24-11, tính đến hết tháng 11-2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,58% so với tháng 12-2009; trong đó, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng gần 13%, nhóm hàng hoá và dịch vụ giáo dục tăng 19%, giá vàng tăng 23,31%.

Để tiếp tục kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương vùng bị lũ lụt sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm lưu thông và cung cấp hàng hoá kịp thời cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Chính phủ chỉ đạo giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản như điện, than, xi-măng, giấy, phân bón; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu ở mức phù hợp. Ngoài ra, các công cụ tài chính, tiền tệ sẽ được điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, bảo đảm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho cả nền kinh tế, cân đối tiền-hàng trong lưu thông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới