Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu QH đề nghị có tội danh “tham nhũng nhà công vụ”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu QH đề nghị có tội danh “tham nhũng nhà công vụ”

Vân Ly

Đại biểu QH đề nghị có tội danh
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội.

(TBKTSG Online) – Trước tình trạng nhiều cán bộ, công chức chiếm dụng và không trả nhà công vụ khi về hưu xảy ra khá phổ biến trên cả nước, đại biểu Quốc hội đã kiến nghị nên có tội danh tham nhũng nhà công vụ trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam.

Đề nghị có tội danh tham nhũng nhà công vụ

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội 2014-2015 diễn ra vào hôm nay 31-10 tại hội trường Quốc Hội, đại biểu quốc hội Lê Như Tiến, tỉnh Quảng Trị nói: “Đã đến lúc cần đưa vào luật hình sự một tội danh mới là tham nhũng nhà công vụ. Trước đây, hành vi cán bộ công chức nhận lót tay quà biếu vài trăm hoặc vài triệu bị lên án, xử lý nhiều, song chưa xử ai tội tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỉ đồng.”

Sở dĩ ông Tiến nói như vậy bởi qua tiếp xúc với cử tri ông nhận được nhiều phản ánh về vấn đề này cũng như bức xúc về phòng chống tham nhũng.

Nói về quản lý và sử dụng nhà công vụ, ông Tiến cho rằng đây là tài sản công, tài sản nhà nước được nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định.

Tính đến cuối tháng 9-2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của nhà nước có hơn 1,6 triệu mét vuông; trong đó có hàng trăm biệt thự công và hàng chục nghìn căn hộ chung cư, gần 56 nghìn nhà ở liên kế. Nhà công vụ thường tọa lạc ở vị trí đắc địa, trên đất vàng…

Bên cạnh những người trả nhà công vụ ngay khi về hưu cũng có những trường hợp lãnh đạo quản lý tự cho mình quyền sử dụng vĩnh viễn khi không còn giữ chức vụ, quên trả nhà. Nhiều nhà công vụ khi đối tượng được sử dụng mất, nhà nước vẫn không lấy lại được, biến nhà công thành nhà tư. Nhiều nhà công vụ bị chia nhỏ thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Một số người được sử dụng nhà công vụ không ở cho con cháu ở nhờ hoặc cho thuê lĩnh tiền nhiều hơn tiền lương…

Theo ông Tiến, chính sách nhà công vụ tạo thành bất bình đẳng, bất công bằng giữa các cán bộ quản lý với nhau, giữa trung ương và địa phương.

Ông Tiến cũng tán thành với quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng lãnh đạo quản lý là tài sản quốc gia nên cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt nhưng ông cho rằng nhà công vụ, biệt thự công cũng là tài sản quốc gia. Do đó không nên để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác mà cần có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế, công khai danh tính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự với những người chiếm đoạt tài sản công, trong đó có chiếm đoạt nhà công vụ. Theo ông Tiến, có như thế việc phòng chống tham nhũng mới thiết thực và hiệu quả.

Ông Tiến cho rằng, nếu chính phủ có giải pháp sử dụng nhà công vụ hiệu quả thì hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ đang sử dụng sai mục đích có thể được thu hồi bán đấu giá, hoặc cho thuê để bù đắp cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Tiến cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước xây nhà công vụ cho giáo viên, y bác sĩ, lực lượng vũ trang… những người được điều động luân chuyển hoặc tự nguyện đến công tác tại vùng sâu, xa, biên giới hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn.

Minh chứng cho quan điểm trên, ông Tiến dẫn chứng theo công bố của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam xếp 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm số 31/100 – qua đó cho thấy tham nhũng trong khu vực công còn rất nghiêm trọng.

Tình trạng chiếm nhà công vụ một phần lỗi do nhà nước

Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội, bình luận về ý kiến trên của ông Tiến, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng chưa thể nói những người sử dụng nhà công vụ khi về hưu có chiếm đoạt nhà hay không mà nên đề cập đến ý thức trách nhiệm để trả lại nhà. Việc người sử dụng nhà công vụ không trả nhà cũng có thể một phần do nhà nước. Nhà nước phải đứng ra thu lại, nhưng không thu thì họ không trả cũng không thể nói họ chiếm đoạt.

Ông Dũng cũng cho rằng việc không trả nhà công vụ cũng do nhiều nguyên nhân; trong đó có một số người sau khi hết nhiệm vụ công tác nếu không được ở nhà công vụ thì không có nhà để ở do không có tiền mua nhà. Tuy nhiên cũng có người có nhà ở vẫn không trả nhà công vụ. Thấy được những hạn chế trong quản lý nhà công vụ, Bộ Xây dựng đã tham mưu ban hành Nghị định 34/2013 và có thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn cụ thể, hướng dẫn các địa phương rà soát để quản lý tốt hơn.

Với những người vẫn cố tình giữ nhà công vụ, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị giao lại. Để giải quyết nhà ở cho những người đang sử dụng nhà công vụ, phải trả nhưng chưa có nhà ở, Bộ đã đưa một chương về nhà công vụ vào Luật Nhà ở trong đó quy định cho các đối tượng này có thể được mua nhà ở xã hội theo tiêu chuẩn mở rộng cho nhiều đối tượng khác nhau.

Ông Dũng cũng cho biết hiện Bộ Xây dựng đang quản lý 180 nhà công vụ, bằng 1,4% trong tổng số nhà công vụ của cả nước. Hiện bộ này đang tiến hành thu hồi 20 nhà công vụ thuộc thẩm quyền quản lý.

Xem thêm:

Cần xem lại chính sách nhà ở công vụ

Phải trả lại nhà công vụ trong vòng 90 ngày

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới