Đại biểu QH: Năng suất lao động sẽ còn thấp 5-10 năm nữa so với khu vực
Vũ Dung
(TBKTSG Online) - Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam trong 3 năm qua cải thiện hơn rất nhiều so với thời gian trước. Song, nếu so với các nước trong khu vực, NSLĐ của Việt Nam sẽ tiếp tục còn thấp trong khoảng 5 tới 10 năm tới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đứng) tại phiên thảo luận tổ - Ảnh: TD |
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho hay, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam cải thiện rất lớn so với giai đoạn năm 2015. Bình quân giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng NSLĐ là 4,35%/năm, nhưng trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng bình quân NSLĐ hàng năm là 5,6%, đây là mức tăng khá. Tại phiên thảo luận tổ về các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước hằng năm và giữa kỳ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan tới tình hình kinh tế, xã hội trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, yếu tố năng suất lao động được các đại biểu khá chú trọng.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng, NSLĐ của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Lấy số liệu của Tổng cục Thống kê để phân tích, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho hay, NSLĐ của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 87,84% NSLĐ của Lào.
“Đây là tính theo sức mua tương đương, nếu tính theo phương pháp thông thường còn thấp nữa”, ông Nghĩa nói. Những vấn đề mà ông Nghĩa nêu ra cũng có trong báo cáo của Uỷ ban Kinh tế - Xã hội khi cho rằng: “NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp so với nhiều nước”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dù tốc độ tăng trưởng NSLĐ của Việt Nam đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước, nhưng “NSLĐ của Việt Nam, GDP đầu người của Việt Nam sẽ còn thấp trong khoảng từ 5 tới 10 năm nữa so với khu vực”.
NSLĐ của Việt Nam năm 2016 chỉ bằng 87,84% NSLĐ của Lào. |
Lý giải về vấn đề này, ông Ngân cho hay, năm 1986 khi chúng ta tiến hành đổi mới và sau đó là quyết định điều hành tỉ giá đô la theo xu hướng, tín hiệu của thị trường. Lúc đó chúng ta điều chỉnh tỉ giá từ 900 đồng/đô la lên 2.600 đồng/đô la. Đồng đô la tăng 300% so với tiền đồng Việt Nam kéo theo GDP bình quân đầu người của Việt Nam giảm trầm trọng.
Năm 1990 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 98 đô la/người, xếp hạng cuối bảng trong 184 quốc gia. Khi đó Lào là 203 đô la/người, gấp hơn 2 lần Việt Nam tại thời điểm đó. Hay GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 1.506 đô la, tức gấp 15 lần của Việt Nam. Hiện nay GDP bình quân đầu người của Thái Lan gấp Việt Nam gần 7 lần. Hay Philippines, GDP bình quân đầu người là 715 đô la, gấp 7,3 lần Việt Nam thời điểm đó, giờ chỉ còn 1,3 lần.
Bên cạnh đó, NSLĐ được tính theo GDP chia cho lực lượng lao động. Song số liệu về thất nghiệp cũng như số liệu về lực lượng lao động tại Việt Nam còn nhiều vấn đề. Những lý do trên đã khiến NSLĐ của Việt nam vẫn còn thấp so với khu vực và còn kéo dài tình trạng này trong nhiều năm tới.
Mời đọc thêm: