Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều “căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều “căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế

Thùy Dung

(TBKTSG Online) – Dù nền kinh tế đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, các đại biểu Quốc hội vẫn tiếp tục chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế mang tính dài hạn, có liên quan tới đất đai, thể chế, giải ngân vốn, điều kiện kinh doanh…

Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. Trong phiên thảo luận diễn ra buổi sáng, đã có hơn 20 câu hỏi và 4 ý kiến đề nghị tranh luận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội chỉ ra nhiều “căn bệnh” trầm kha của nền kinh tế
Đại biểu quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội – Ảnh: Chinhphu.vn

Những tín hiệu khởi sắc

Tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho hay, hai năm qua dưới sự điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế đã có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5%, đặc biệt năm 2017 đạt 6,81%. Đây là bước cải thiện đáng kể so với mức 5,9% giai đoạn 2011-2015.

Xuất khẩu cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao và nền kinh tế đã xuất siêu trở lại. Lạm phát được kiềm chế ở mức dưới 4%; tỉ giá gần như trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn lực trong dân đã dần chuyển tiền gửi ngoại tệ, vàng sang đồng Việt Nam, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, mỗi ngày bình quân có trên 300 doanh nghiệp mới thành lập.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động trái phiếu Chính phủ đã giảm mạnh, tạo điều kiện cho việc ổn định mặt bằng lãi suất ngân hàng, góp phần giảm gánh nặng trả nợ lãi của Chính phủ và doanh nghiệp.

Về mặt tài khoá, áp lực nợ công vượt trần 6,5% GDP do Quốc hội quy định đã giảm so với trước đây. Về mặt an sinh xã hội, tỉ lệ thất nghiệp trong xã hội được kiềm chế ở mức dưới 4%. Mỗi năm có trên 1,5 triệu lao động có việc làm mới, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện.

“Dù vậy kết quả trên chỉ ở bước đầu và mang tính ngắn hạn…nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết mang tính căn cơ”, ông Lộc nói.

Giải ngân vốn chậm, lãng phí lớn

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, những năm qua, nước ta đã khống chế nợ công bằng những khoản thu một lần, như bán đất, bán tài sản công, thu từ cổ tức của doanh nghiệp nhà nước. Khi nguồn này cạn kiệt thì phải chuyển sang tăng thu từ thuế.

Nhưng nếu chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế hiệu quả, giảm được chi thường xuyên, và lấy nguồn dôi dư đó đầu tư cho phát triển kinh tế thì không phải tăng thuế, phí dồn đạp, tận thu khiến người dân bức xúc.

“Cần lưu ý, tăng thuế quá mức sẽ tạo ra sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho nền kinh tế trong dài hạn”, ông Lộc nói.

Một nghịch lý nữa mà các đại biểu nêu ra là trong khi Chính phủ và bộ ngành đang tìm cách tăng huy động vốn thì tốc độ giải ngân lại vô cùng chậm.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho hay, báo cáo của Chính phủ cho thấy việc giải ngân vốn năm 2017 không đạt kế hoạch, 4 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 16,4% dự toán. Việc nghiên cứu rà soát sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư công là công việc cấp thiết. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm rà soát hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư công, đảm bảo chặt chẽ về pháp luật nhưng giảm bớt thủ tục rườm rà, tăng quyền chủ động cho địa phương, khắc phục những vướng mắc trong giải ngân, giải quyết vướng mắc trong quá trình đầu tư.

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), giải ngân vốn chậm là sự lãng phí kép, vừa đội vốn lớn, vừa chậm phát huy hiệu quả các công trình xây dựng, tăng nợ công, căn bệnh kinh niên của nước ta. Điều này cũng dẫn tới nơi cần tiền thì không có, nơi có tiền không tiêu được. “Ví dụ tỉnh Gia Lai trồng rừng gấp gần 10 lần kế hoạch được giao nhưng tới nay vẫn chưa có tiền”, ông Vượt nói.

Ngoài vấn đề giải ngân vốn, gần đây dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới việc tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), việc tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên Thế giới để thích ứng với tình trạng già hoá dân số.

“Nhưng đó mới là một khía cạnh của vấn đề cân đối thu chi của quỹ. Một mặt khác cần quan tâm là nếu hiệu quả của quỹ, tỉ lệ sinh lời của quỹ không đủ bù đắp lạm phát, tốc độ tăng lương cơ bản, lương tối thiểu thì việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng không giải quyết được vấn đề. Tôi chưa thấy các cơ quan chức năng bàn vấn đề này”, ông Lộc nói.

Các bộ ngành cần thay đổi lề lối làm việc

Về cải cách thể chế, theo các đại biểu, không thể phủ nhận Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, tích cực trong việc bổ sung, sửa đổi các chính sách và pháp luật, đạt được nhiều tiến bộ trong cắt giảm thủ tục hành chính nhiêu khê liên quan tới thủ tục nộp thuế, đăng ký kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…

Đây là những bước tiến được thế giới công nhận, thể hiện qua việc thứ hạng môi trường kinh doanh đã tăng 14 bậc, cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc trong năm 2017; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng đạt mức cao nhất từ năm 2005 và chỉ số đổi mới sáng tạo cũng tăng 12 bậc.

Nhưng thành quả này còn khiêm tốn so với những gì mà Việt Nam kỳ vọng và còn khoảng cách không nhỏ so với chuẩn mực hàng đầu của các nước ASEAN và Thế giới.

“Chỉ có ở Việt Nam việc sản xuất một thỏi chocolate phải cõng 13 giấy phép, hay thời gian nuôi gà ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà”, ông Lộc lấy ví dụ.

Một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và dư luận xã hội. Không ít tư lệnh ngành còn lơ là việc làm thể chế.

Nghị quyết 01 và 19 năm 2018 của Chính phủ đã đặt ra yêu cầu chậm nhất đến 31-10-2018 phải ban hành xong Nghị định mới để đơn giản hoá và cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh về kiểm tra chuyên ngành.

“Nhưng tới nay, ít nhất 4 bộ còn chưa rà soát và đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh, 4 bộ ngành khác chưa xây dựng được dự thảo Nghị định”, ông Lộc lấy dẫn chứng và cho biết thêm, một kế hoạch tổng thể nhằm giải quyết vấn đề cơ chế xin cho vẫn còn chưa được phác thảo.

Nếu các bộ luật vẫn được thiết kế theo kiểu luật ống, luật khung và vẫn cần Thông tư, Nghị định của các bộ ngành thì tình tình trạng giấy phép con, cháu có nguy cơ không biến mất mà biến tướng chuyển từ hình thái này sang hình thái khác và đè nặng lên doanh nghiệp.

Ông Lộc chia sẻ, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Quốc hội chỉ họp trong 20 ngày và một trong những nguyên nhân là các bộ không chuẩn bị kịp các dự thảo luật theo đúng hẹn. Điều này cho thấy các bộ ngành phải ôm đồm quá nhiều việc và không dành đủ thời gian cho nhiệm vụ chính yếu của mình là xây dựng thể chế, hoạch định chiến lược và chính sách.

“Các bộ ngành phải hành động như kiến trúc sư trưởng chứ không phải đốc công”, ông Lộc nói.

Đất đai vẫn là "điểm nóng" về khiếu kiện

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang), vấn đề đơn thư khiếu nại liên quan tới đất đai thời gian qua không giảm mà có xu hướng ngày càng tăng. Có nhiều vụ việc kéo dài hàng chục năm chưa dứt điểm, công cuộc giải phóng mặt bằng với mong muốn tạo lập công trình to đẹp nhưng lại làm dấy lên những làn sóng phản ứng của một bộ phận không nhỏ người dân, gây bức xúc dư luận.

Nhiều cá nhân, tổ chức giàu lên nhờ đất đai, nhưng lợi ích từ đất đai mang lại, nhất là sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng thì chỉ tập trung vào một bộ phận nhỏ mà không được phân phối công bằng trong xã hội.

“Có phải chính sách về đất đai của chúng ta đã lạc hậu?”, ông Lâm đặt câu hỏi và tự trả lời: "Đất nước trải qua mấy chục năm đổi mới, lực lượng sản xuất không ngừng phát triển vượt bậc nhưng quan hệ sản xuất dựa trên nền tảng quản lý, sở hữu, sử dụng đất đai, và phân phối lợi ích từ đất mang lại dường như chưa thay đổi kịp, nhiều mâu thuẫn tích tụ. Do đó, cần có cuộc cách mạng về đất, cởi trói cho thời kỳ phát triển mới của đất nước".

Cũng liên quan tới đất đai, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị Chính phủ sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai trên cả nước. Trong đó tập trung vào đất ở đô thị, những khu vực đất vàng, khu vực chuẩn bị hình thành các đặc khu kinh tế.

Theo ông Vượt, nhân dân bất bình, thậm chí phẫn nộ bởi nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các doanh nghiệp “bạch tuộc”, không đầu tư vào sản xuất mà chỉ muốn sang nhượng dự án hoặc phân lô bán nền, và nhiều hình thức khác làm thất thu ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu là sân sau của một số quan chức để cùng cộng sinh, thâu tóm, chiếm đoạt bằng nhiều thủ đoan tinh vi, tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Việc tồn tại nhiều quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ cũng cần được rà soát, loại bỏ, vì vừa gây lãng phí, vừa gây bức xúc khốn đốn cho người dân thuộc vùng quy hoạch. Đây là những vấn đề nên sớm được giải quyết.

“Tuy nhiên, cử tri mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng Trung ương, nếu không sẽ khó giải quyết tới nơi tới chốn vì dây mơ rễ má, hậu duệ, đồ đệ và lợi ích nhóm”, ông Vượt nói.

Mời đọc thêm:

Tính lại GDP để nâng trần nợ công

Vốn cho hạ tầng vẫn điệp khúc chậm giải ngân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới