Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ hành động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ hành động

Tư Hoàng

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ hành động
Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị thành lập uỷ ban quốc gia tái cơ cấu. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội cho rằng Chính phủ cần đưa ra những hành động kiên quyết và cụ thể nhằm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng được cho là khó khăn nhất kể từ khi đổi mới.

Đây là tinh thần chung mà các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội sáng 24-10, trước phiên thảo luận ở hội trường tuần tới.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) kiến nghị Chính phủ cần lập một ủy ban quốc gia tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng đứng đầu, mà nhiệm vụ đầu tiên là xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thành lập ngay ủy ban dự phòng nợ xấu, và cho ủy  ban này chế tài mạnh. Về phía các ngân hàng, họ phải có trách nhiệm với xã hội bằng cách công khai minh bạch nợ xấu.

“Tình thế hiện tại yêu cầu phải làm điều này, phải có biện pháp cụ thể”, ông Lịch nói.

Nợ xấu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nói: “Nợ xấu đang là điểm nghẽn nhất trong nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung sức lực, trí tuệ, và có cái nhìn đúng hơn để xử lý nợ xấu thì kinh tế mới phát triển được”.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bổ sung là Chính phủ phải công khai nợ xấu từ ngân hàng, doanh nghiệp nào nợ, vay để làm gì.

“Ít ra đại biểu Quốc hội phải biết nợ xấu đang ở chỗ nào… đọc báo cáo thấy ù ù cạc cạc, đọc lên không biết nợ xấu ở đâu”, bà nói.

Bà Khánh đề nghị thậm chí phải để những ngân hàng quá yếu kém phá sản và xử lý hình sự những lãnh đạo ngân hàng đó.

“Đại biểu quốc hội muốn biết nợ xấu để có hướng mà ủng hộ Chính phủ, khi cần phải có ngân sách quốc gia”, bà nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình bổ sung bằng câu hỏi: “Chính phủ nói tái cấu trúc ngân hàng nhưng chưa có giải pháp cụ thể. Các ngân hàng thương mại yếu kém thì liệu có bị quốc hữu hóa không?”

Ông cho rằng, cứ nói mãi vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, nhưng lãi suất cho vay vẫn 15% thì không có cách nào phát triển được.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, có tới hơn 40.000 doanh nghiệp đã phá sản trong 9 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng tình trạng thực tế bi kịch hơn so với con số khô khan đó.

Ông Quang nói ông biết nhiều doanh nghiệp đã phải “rứt ruột” sa thải người lao động từng gắn bó “ruột thịt” vì không thể còn quỹ lương chi trả do nợ nần, thua lỗ.

“Tình trạng khó khăn là trên diện rộng và bao trùm toàn thể doanh nghiệp tham gia thị trường. Kể cả nhiều doanh nghiệp có dự án tốt, quản trị tốt nhưng vẫn chìm trong gánh nặng nợ nần, và thua lỗ”, ông nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, tăng trưởng dự kiến 5,2% trong năm nay cho thấy mức suy giảm tăng trưởng sâu nhất trong 13 năm qua.

Trích số liệu tổng vốn đầu tư xã hội năm nay chỉ còn khoảng 30% GDP từ mức trên 42% GDP các năm trước, ông Ngân nói: “Điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đã suy giảm. Họ thiếu niềm tin vào chính sách”.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói thêm rằng ông không thấy các bộ, ngành đưa ra các chính sách, chủ trương quyết liệt nhằm đưa nền kinh tế vươn lên.

“Nếu vẫn như 6 tháng vừa qua thì nền kinh tế năm 2013 sẽ tiếp tục có nhiều điều đáng lo ngại”, ông Nghĩa nói.

Ông Trần Du Lịch cho rằng, tình trạng kinh tế năm 2012 là hệ luỵ tích tồn từ những yếu kém kéo dài suốt từ 2008.

“Hệ luỵ hôm nay như là giọt nước tràn ly vì những vấn đề căn cơ của nền kinh tế trong suốt 5 năm qua chưa giải quyết”, ông Lịch nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng những vấn đề của nền kinh tế, như doanh nghiệp nhà nước phình to, hệ thống ngân hàng nở rộ, đầu tư công dàn trải,… đã được cảnh báo qua nhiều kỳ Quốc hội vừa qua nhưng không được lắng nghe.

Ông Quyền nói: “Chúng ta đã kiến nghị tất cả những vấn đề, nhưng cứ như nói vào không khí vậy, chả ai lắng nghe, chả ai muốn sửa chữa cả. Phải chăng đại biểu Quốc hội Việt Nam quá bé nên chả ai buồn nghe? Điều này tôi thấy rất bức xúc”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới