Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội đề nghị điều tra doanh nghiệp xăng dầu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu Quốc hội đề nghị điều tra doanh nghiệp xăng dầu

Ngọc Lan

Đại biểu Quốc hội đề nghị điều tra doanh nghiệp xăng dầu
Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an điều tra việc kinh doah xăng dầu. Ảnh:TL.

(TBKTSG Online) – Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012 và dự báo tình hình kinh tế-xã hội năm 2013. Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đã làm “nóng” thảo luận khi đi thẳng vào những bất cập trong điều hành, quản lý xăng dầu gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tiêu dùng và đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp.

Có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh

Với những cơ sở pháp lý được dẫn chứng, bà Nga nói hiện cả nước có 12 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, trong đó 3 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn là Petrolimex, Tổng công ty xăng dầu quân đội và  Sài gòn Petro (khoảng 90%). Riêng Petrolimex đã chiếm khoảng 60%.

Qua các lần điều chỉnh giá mới đây cho thấy các doanh nghiệp đồng loạt tăng giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Bà cho rằng đây là dấu hiệu vi phạm điều 13 Luật Cạnh tranh khi nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường này có dấu hiệu thỏa thuận ấn định giá.

Bà Nga nói: “Đã có đủ điều kiện cần thiết để Cục Quản lý canh tranh khởi xướng một cuộc điều tra về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường”. Bà cho rằng do cơ quan chủ quản của Petrolimex và Cục Quản lý cạnh tranh đều là Bộ Công Thương nên chưa từng có một cuộc điều tra nào được thực hiện.

Do đó, vị phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp này đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời về vấn đề này, đồng thời đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Cạnh tranh theo hướng xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập với bộ chủ quản.

Liên quan đến việc tạm nhập – tái xuất xăng dầu, bà Nga dẫn Công ước Kyoto và khuyến cáo của Tổ chức Hải quan quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho thấy xăng dầu không nằm trong danh mục hàng hóa được tạm nhập, tái xuất. Bà Nga đặt câu hỏi: Việc Bộ Công Thương cho phép tạm nhập tái xuất đối với xăng dầu là vô hình trung đã hợp pháp hóa cho hành vi buôn lậu, để doanh nghiệp trốn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, vi phạm nghiêm trọng khái niệm cơ bản và bản chất của hoại hình hàng hóa tạm nhập, tái xuất hay không?

Thực tế cho thấy, qua thực hiện đã không kiểm soát được đường đi của xăng dầu, để doanh nghiệp trộn lẫn, không bóc tách được loại tái xuất với loại tiêu dùng nội địa; cho tạm nhập rồi quên kiểm tra tái xuất để cho doanh nghiệp lũng đoạn thị trường. Theo con số của bà Nga, năm 2009 – 2012, các doanh nghiệp quên tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu.

Bà Nga cho rằng: “Nếu doanh nghiệp tạm nhập lúc thuế 0%, rồi bán trong nội địa với giá cơ sở có tính thuế nhập khẩu 12% thì lãi cực lớn. Nếu có bị phát hiện để thu thuế sau đó cũng không bằng lợi nhuận chênh lệch, mà cũng chưa chắc đã bị phát hiện”.

Do đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong lĩnh vực xăng dầu và đề nghị Bộ Công an vào cuộc làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp, công khai kết quả để lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu. Đồng thời Bộ Tài chính cần bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, triệt  để  chống thất thu bù vào giá để giảm gánh nặng cho dân.

Đề nghị xử vượt trần lãi suất huy động

Về vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Trần Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng xử lý nợ xấu khác với mua bán nợ xấu. Ông đồng tình với quan điểm không dùng ngân sách mua lại nợ xấu của doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện ngân sách còn không có tiền tăng lương cơ bản cho công chức.

Ông Đáng đề nghị cần rà soát, cơ cấu lại các khoản nợ. Nếu loại nào cần mua thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dùng quỹ bảo hiểm ngân hàng, mà theo ông được biết là có khoảng 6000 tỉ đồng để xử lý.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thì cho rằng việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia chỉ chuyển nợ của hệ thống ngân hàng ra ngoài hệ thống ngân hàng thôi. Do vậy, ông nói quan trọng nhất vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng đề nghị xử lý nợ xấu đồng thời với xử lý vượt trần lãi suất huy động của các ngân hàng vì vốn huy động tăng cao nhưng đầu ra tín dụng bị tắc. Ông cũng đề nghị NHNN minh bạch tiêu chí tái cơ cấu ngân hàng thương mại và cho biết tiến trình làm đến đâu.

Ông Lịch yêu cầu Chính phủ vẫn thực hiện lộ trình tăng lương theo cải cách và nguồn tăng lấy từ việc cắt giảm 10% tăng chi thường xuyên của năm 2013 so với năm 2012. “Không phải vô phương không tăng lương được”, ông nói.

Ông đề xuất chương trình tái cơ cấu nền kinh tế phải xây dựng lộ trình thực hiện từ 3 năm trở lên, không xây dựng theo kiểu “ăn đong”. Cần thiết phải thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu do Thủ tướng đứng đầu, không làm riêng rẽ từng ngành như hiện nay là thiếu một nhạc trưởng tổng thể

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới