Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại biểu Quốc hội lo lắng an toàn thông tin trên mạng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại biểu Quốc hội lo lắng an toàn thông tin trên mạng

Tư Giang

Đại biểu Quốc hội lo lắng an toàn thông tin trên mạng
Việt Nam bị cho là quốc gia kém về an toàn thông tin mạng. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Các đại biểu Quốc hội đặc biệt lo lắng về an toàn thông tin trong bối cảnh kết nối Internet đã trở nên rất phổ biến ở Việt Nam khi bàn về Dự án Luật an toàn thông tin hôm nay 24-7.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Bình Dương, nhận xét dạo quanh thị trường các thiết bị di động chúng ta dễ dàng nhận thấy các cửa hàng bày bán công khai những loại điện thoại thông minh, cấu hình mạnh, giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc.

Điện thoại của các thương hiệu nổi tiếng từ cao cấp đến bình dân đều có bo mạch, chíp xử lý được gia công từ quốc gia này. “Nhiều mã độc được cài vào thiết bị một cách có chủ đích, có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ thiết bị nào kết nối với chúng, cũng có nguồn gốc từ quốc gia này, đang được lưu hành và bày bán công khai trong cả nước”, ông Nhân nói.

Ông nói: “Thưa Quốc hội, chúng ta không thể làm ngơ cảnh báo của hãng bảo mật Kaspersky và Symantec khi cho rằng Việt Nam là nước đứng đầu danh sách các quốc gia có người dùng Internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ cao nhất thế giới”. 

Ông nói tiếp: “Ngay trong hội trường này, khi đã được phá sóng tất cả các đường truyền Internet thế nhưng nguy cơ bị tấn công cục bộ từ nguồn các máy tính xách tay khi kết nối với mạng nội bộ Văn phòng Quốc hội vẫn có thể diễn ra”.

Theo ông Nhân, sự nguy hiểm chính là hệ thống lại không bị đánh sập, không bị phá hoại công khai mà các phần mềm gián điệp, các mã độc có thể âm thầm kích hoạt điện thoại di động thông minh để ghi âm, lấy thông tin trong hội trường này và chuyển tải về máy chủ khi máy tính xách tay được kết nối trở lại với Internet bên ngoài. “Đó là phương thức phổ biến của các hacker chuyên nghiệp có hệ thống, thậm chí có tài trợ của Chính phủ, của các quốc gia đã và đang có nguy cơ xung đột chính trị với nước ta”, ông nói thêm.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Hà Nội, tỏ ra lo lắng về những vụ xâm phạm an toàn thông tin trong năm 2014 như gần 6.000 trang web bị tấn công chiếm quyền quản trị, chỉnh sửa nội dung, hơn 400 trang trong dịp Quốc khánh 2 – 9 bị tin tặc nước ngoài chèn các nội dung xuyên tạc; đợt tấn công từ chối dịch vụ DDOS vào trung tâm dữ liệu của VCCorp khiến nhiều tờ báo mà công ty này vận hành kỹ thuật như Dân trí, Người lao động, Soha, VnEconomy, Kênh 14 v.v… bị tê liệt.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Bắc Giang cho biết, tính đến hết quí 3 năm 2014 có 6.500 trang web với tên miền ".vn" đã bị tấn công và chiếm quyền kiểm soát; hầu hết các tấn công từ nguồn ở ngoài lãnh thổ; có 90% người dùng thường xuyên bị các tin nhắn rác làm phiền.

Liên quan đến việc xử lý hành vi phát tán thông tin bất hợp pháp, đại biểu Hà Huy Thông, Thừa Thiên – Huế, băn khoăn: “Thế nào là phát tán thông tin bất hợp pháp?”, và nhận xét, việc này cần phải có quy định cụ thể.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Hòa Bình, nói bà đã trao đổi với Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son về việc một nữ sinh tự tử gần đây do video clip bị bạn trai đưa lên mạng. Bà nhận xét, clip này thuộc loại thông tin riêng, không phải là thông tin cá nhân; và việc bảo vệ thông tin riêng cũng như các quy định khác về thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật.

Bà nói: “Có thể nói là mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên, nhưng câu hỏi đặt ra là có cách nào, có biện pháp nào ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, đối với gia đình của em nữ sinh khi phát hiện ra vấn đề này? Cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp gì ứng cứu khẩn cấp với gia đình trong suốt thời gian ba ngày đó thì gia đình cũng không biết cầu cứu ở đâu và cũng không biết liên hệ với ai để ngăn chặn việc phát tán này?”

Bà nói: “Tôi đề nghị tha thiết với Ban soạn thảo quan tâm đến việc đổi tên của Chương III, của dự thảo luật thành "Bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng"; đồng thời bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của luật cụ thể như sau: Luật này quy định hoạt động về an toàn thông tin bao gồm đảm bảo an ninh thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng”.

Dự luật này liên quan đến hàng loạt vấn đề như bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, quản lý mật mã dân sự, kinh doanh an toàn thông tin, về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin.

Xem thêm:

Bkav: Năm 2014, cả nước mất 8.500 tỉ đồng do virus máy tính

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới