Đại biểu Quốc hội lo ngại phát triển thủy điện tràn lan
Văn Nam
(TBKTSG Online) – Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ở kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 diễn ra sáng 22-11, nhiều đại biểu đặt ra những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm và giải pháp của quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án điện, giá điện, tình trạng thiếu điện, về lũ lụt vừa qua có nguyên nhân của các dự án thủy điện…
Đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng tình hình lũ lụt nặng nề ở miền Trung những ngày qua có nguyên nhân của việc xả lũ từ các hồ thủy điện làm tăng lũ lớn. Phá rừng là yếu tố gây lũ dữ, trong khi đó, việc phát triển tràn lan các dự án thủy điện là đang đánh cược với thiên nhiên, phần thua luôn thuộc về con người.
Trả lời ý kiến đại biểu về trách nhiệm các dự án thủy điện xả lũ gây lũ lụt vừa qua, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói rằng một số nhà máy thủy điện làm chưa đúng quy trình vận hành, sai sót xuất phát từ ban quản lý nhà máy thủy điện.
Ví dụ như thủy điện sông Ba Hạ mặc dù đã có quy trình được phê duyệt nhưng trước khi xả lũ thì ban quản lý nhà máy đã báo cáo với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, nhưng lại không báo cáo với UBND tỉnh, đây là sai sót của ban quản lý nhà máy.
“Sắp tới, bộ sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển dự án thủy điện nhỏ, nếu thấy gây ra tác động xấu đối với môi trường, ảnh hưởng đến điều tiết dòng chảy, gây lũ lụt và không tham gia vào phát triển kinh tế của địa phương, sẽ kiên quyết dừng triển khai hoặc yêu cầu địa phương dừng ngay nếu thấy không còn phù hợp với quy hoạch. Vừa qua, đã thu hồi 38 dự án thủy điện nhỏ ở 9 tỉnh miền Trung, sẽ tiếp tục thu hồi tiếp nếu phát hiện không phù hợp với quy hoạch, đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu, thay đổi khí hậu thất thường hiện nay”, ông Hoàng nói.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu vấn đề, ngành điện luôn có quy hoạch cho từng thời kỳ, nhưng trên thực tế không đáp ứng được các quy hoạch dẫn đến thiếu điện, nguyên nhân luôn được đưa ra là do thiếu vốn, vậy giải pháp nào để huy động đủ vốn?
Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cũng nêu câu hỏi: “Có hay không việc chúng ta quá coi trọng thủy điện mà xem nhẹ các công trình điện khác? Xung quanh các thủy điện xả lũ gây lũ lụt, cơ chế chia sẻ với đối tượng bị thiệt hại vùng hạ du ra sao? Bộ Công Thương có giải pháp nào để có giải quyết thiếu điện một cách căn cơ lâu dài cho đất nước?”.
Trả lời các câu hỏi này, bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định lại quan điểm của Bộ Công Thương là trước hết việc xả lũ gây lũ lụt vừa qua thì ban quản lý các nhà máy thủy điện phải có trách nhiệm. Nhà máy thủy điện Hố Hô cũng đang tiếp nhận kiến nghị bồi thường cho người dân vùng hạ du bị thiệt hại.
Về phá rừng làm thủy điện, cứ bình quân một nhà máy thủy điện nhỏ cần 10 héc ta/dự án, không loại trừ có những dự án sử dụng rừng làm thủy điện, góp phần vào việc tàn phá rừng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Về vốn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong giai đoạn từ nay đến 2015 là rất lớn. Theo ông Hoàng, dù có tái cơ cấu ngành điện như thế nào chăng nữa, EVN vẫn là đơn vị nhà nước chủ lực chuyên về sản xuất, cung ứng điện cả nước, cho nên yêu cầu vốn đầu tư là rất lớn.
Đứng trước yêu cầu này, giải pháp thu xếp vốn cho ngành điện trong thời gian tới sẽ gồm bản thân ngành điện phải tự thu xếp nguồn vốn bằng tiếp cận ngân hàng ngoài nước, trong nước; ngành điện phải tự tích lũy vốn qua cơ chế giá bán điện, để tỷ suất lợi nhuận ngành điện cao hơn.
Ngành điện cũng đang đề xuất Chính phủ cho phép được phát hành trái phiếu quốc tế để thu hút vốn từ bên ngoài. Mặt khác, qua đàm phán với các nhà tài trợ nước ngoài, một phần nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi sẽ cấp cho một số dự án nhiệt điện.