Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại dịch nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại dịch nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo

Lê Triết

Đại dịch nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo(KTSG Online) – Nước Mỹ và nhiều quốc gia phát triển ở châu Âu hiện có những động thái cho thấy họ bắt đầu mở cửa kinh tế trở lại sau hơn một năm tưởng chừng bị nhấn chìm bởi “sóng thần” đại dịch Covid-19. Trong khi đó, các nước châu Á, vốn trước đó kiểm soát tốt dịch bệnh này, thì nay lại điêu đứng trong sự hoành hành khốc liệt của nó, thiệt hại về kinh tế trở nên nặng nề.

Có vẻ như cùng “lâm bệnh” giống nhau, người giàu dễ biến bệnh nặng thành nhẹ, còn người nghèo một khi đổ bệnh thì nhẹ cũng thành nặng, và nặng thì thành trầm trọng hơn.

Cho đến giờ, Mỹ vẫn là nước có số người tử vong do dịch Covid-19 nhiều nhất thế giới, với hơn 33,4 triệu người bị nhiễm, trong đó số tử vong là gần 600.000 người, theo thống kê tính đến ngày 13-6-2021 trên tờ The New York Times. Trong năm ngoái, và kéo dài đến đầu năm nay, tình trạng nước Mỹ khá bi đát. Bên cạnh số ca nhiễm và số tử vong cao nhất thì cùng lúc kinh tế đối mặt với vô vàn bất ổn. Qua số liệu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… và từ báo chí đăng tải, nền kinh tế nước này trong năm ngoái đã suy giảm 3,4% – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1946; sản lượng công nghiệp quí 2-2020 (thời điểm bùng phát dịch dữ dội) giảm hơn 42% so với cùng kỳ; tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7% vào tháng 4-2020, mức cao nhất kể từ đại suy thoái năm 1930…

Nhưng tình trạng nói trên có vẻ từng bước được kiểm soát tốt hơn, và nước Mỹ “đang trở lại”, như cách mà Thị trưởng New York mới đây nói sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc đánh dấu sự trở lại của thành phố này từ trong đại dịch Covid-19 (Reuters 8-6-2021).

Trong nhiều yếu tố giúp Mỹ chống đỡ trước sự tàn phá của Covid-19, phải nói rằng yếu tố quyết định chính là tiềm lực kinh tế mạnh mẽ. Với khả năng đó, họ đã nhanh chóng tổ chức được nguồn vaccine dồi dào với mục tiêu sớm hoàn thành việc tiêm ngừa cho toàn dân, và nay họ còn có thể san sẻ vaccine cho các nước nghèo hơn. Kế đến, chính quyền nước này đã liên tiếp tung ra các gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ, ước tính đến nay gần 5.000 tỉ đô la, để hỗ trợ người dân, kích thích chi tiêu, tạo đà hồi phục kinh tế…

Tương tự, tình hình chống dịch và khôi phục kinh tế ở các nước thuộc khối EU cũng trở nên sáng sủa hơn so với một năm trước. Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 gia tăng và hướng tới mục tiêu đến tháng 7 sẽ có 70% người dân trưởng thành được tiêm ngừa, theo báo chí tường thuật lại một trong các nội dung tại cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels mới đây của khối này. Nhiều nước châu Âu hiện đang dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, tiến tới cấp “hộ chiếu vaccine” cho phép người dân đi lại trong nội bộ các nước thành viên.

Trong khi đó, sau một năm kiềm chế được sự hoành hành của Covid-19, nhiều nước ở châu Á giờ đây đang điêu đứng bởi sự bùng phát trở lại với mức độ dữ dội của đại dịch. Đau thương nhất có lẽ là Ấn Độ. Đất nước gần 1,4 tỉ dân này đến nay có hơn 29 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 370.000 người đã tử vong; từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5, số ca mới trung bình lên đến con số vài trăm ngàn ca mỗi ngày, theo số liệu từ Our World in Data. Còn Malaysia, chỉ trong hai tuần qua đã có gần 94.000 ca nhiễm, nâng tổng số đến ngày 12-6 hơn 650.000 ca; số tử vong hơn 3.800 người. Khu vực Đông Nam Á với Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan cũng lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt…

Trong sự vật lộn chống chọi với đại dịch trăm năm mới xảy ra này, giới chuyên gia, nhà khoa học cũng như chính phủ các nước đã khẳng định rằng biện pháp hữu hiệu nhất phải là tiêm ngừa vaccine cho toàn dân để tiến tới miễn dịch cộng đồng. Nhưng, trong khi việc sản xuất vaccine “chạy đua” không kịp với thời gian đòi hỏi phải nhanh và nhiều để đáp ứng nhu cầu của ít nhất hai phần ba trong số 7,8 tỉ người toàn thế giới, thì xem ra biện pháp hữu hiệu ấy không dễ gì thực hiện được với đa số quốc gia.

Có thể thấy, như báo chí đã đăng tải, phần lớn vaccine được sản xuất ra hiện nay đều tập trung ở các nước giàu có, như Mỹ và các nước châu Âu, và dù rằng các nước này thiện chí chia sẻ với các nước khó khăn hơn, thì lượng vaccine đến được với các quốc gia còn lại của thế giới cũng rất ít ỏi; tỷ lệ người được tiêm chủng ở mức thấp, ngay cả với những nước đang phát triển chứ đừng nói đến những nước nghèo.

Trong hoàn cảnh thiếu thốn vaccine, các nước nghèo hay thu nhập trung bình buộc phải dùng các biện pháp nghiêm ngặt, thậm chí cực đoan, để phòng ngừa dịch lây lan. Các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội được ban ra, rồi đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại giữa các địa phương, dừng mọi hoạt động dịch vụ không thiết yếu… Những đường phố ở các trung tâm thành phố vắng người, những nhà hàng, quán xá, điểm vui chơi giải trí im lìm…

Và khi mọi hoạt động bị ngưng trệ, dễ thấy là kinh tế thiệt hại không nhỏ. Những hình ảnh, những con số thống kê lạnh lùng nhưng đau đớn nói lên hoàn cảnh hiện tại của nhiều nước trong nhóm này: các bệnh viện, các khu cách ly quá tải, số người chết xếp dài chờ hỏa táng…; chỉ số GDP, chỉ số sản lượng công nghiệp sụt giảm, số doanh nghiệp chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động tăng lên, số người thất nghiệp, chờ cứu trợ nối dài ra…

Trước khi có đại dịch Covid-19, vốn dĩ rất nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn rất chật vật xoay xở nuôi dân của mình, do bị triền miên trong xung đột, chia rẻ, chiến tranh, đói nghèo, bệnh tật… Nay, đại dịch, nếu không ngăn chặn sớm, sẽ như một đòn đánh chí tử làm gục ngã các quốc gia này.

Những ngày qua, cường quốc như Mỹ và nhiều nước châu Âu rục rịch mở cửa kinh tế trở lại. Chính phủ các nước này hy vọng kinh tế sớm phục hồi. Người dân các nước này lạc quan với cuộc sống sẽ bình thường như khi chưa có dịch (cũng có thể nhận ra qua hình ảnh khán giả đông vui trên các khán đài sân bóng đá mùa Euro đang diễn ra).

Trong khi đó, cuộc sống người dân ở các nước đang bùng dịch hiện nay đã khó khăn càng thêm khó khăn. Với các nước nghèo, thậm chí các nước thu nhập trung bình, vực dậy nền kinh tế là không dễ dàng sau bao tổn thất mà đại dịch gây ra.

Và rõ ràng, đại dịch trăm năm này có lẽ lại là một cột mốc mới trong sự doãng rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới