Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại gia dệt may muốn thâu tóm huyền thoại Bông Bạch Tuyết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại gia dệt may muốn thâu tóm huyền thoại Bông Bạch Tuyết

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Mặc dù thương hiệu vang bóng một thời Bông Bạch Tuyết vẫn đang “đắm chìm” trong những khoản lỗ, các đại gia dệt may tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu với nhiều toan tính trong các giao dịch tài chính liên quan.

Đại gia dệt may muốn thâu tóm huyền thoại Bông Bạch Tuyết
Nhà máy Bông Bạch Tuyết. Ảnh: BBT

Nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51%

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn 3 Capital vừa đăng ký chào mua công khai hơn 1,71 triệu cổ phiếu, tương đương 17,38% vốn Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Với giá chào mua 19.100 đồng, giá trị mua vào dự kiến khoản 33 tỉ đồng.

Nhóm cổ đông này buộc phải chào mua công khai, sau khi cổ đông Bông Bạch Tuyết bác tờ trình đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% mà không cần phải báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên 2020 vừa qua. Nếu thành công, Đầu tư Sài Gòn 3 Capital sẽ nắm hơn 4 triệu cổ phiếu Bông Bạch Tuyết và chiếm tỷ lệ hơn 41%.

Đáng chú ý là nhóm công ty liên quan đến Đầu tư Sài Gòn 3 Capital còn bao gồm Công ty chứng khoán Thành Công, nếu cộng thêm nhóm này thì tỷ lệ đã trên 51%.

Từ năm 2019, nhóm cổ đông này liên tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Bông Bạch Tuyết. Nếu như đầu năm 2019 tổng tỷ lệ sở hữu của Đầu tư Sài Gòn 3 và Công ty chứng khoán Thành Công chỉ là gần 5% thì đến cuối năm đã hơn 20%, và cho đến thời điểm gần đây là 33,52%.

Hơn một năm trước, dàn nhân sự cấp cao của Bông Bạch Tuyết cũng xáo trộn ở ghế Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và cả kế toán.

Trong đó đáng chú ý là ông Nguyễn Đông Hải được bầu chọn là thành viên HĐQT khi đó, hiện cũng là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Đầu tư Sài Gòn 3 Capital.

Công ty Đầu tư Sài Gòn 3 Capital được giới thiệu là một trong những công ty thành viên của tập đoàn May Sài Gòn 3 gồm nhiều thành viên. Bông Bạch Tuyết cũng có giao dịch vay vốn với công ty này.

Trong cơ cấu sở hữu cổ đông của Bông Bạch Tuyết cũng xuất hiện Công ty cổ phần Dệt may Gia Định (sở hữu 30% tính đến cuối năm 2019). Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐQT là đại diện phần vốn cho Dệt may Gia Định tại Bông Bạch Tuyết.

Cả ông Sơn và ông Hải đều được giới thiệu là giữ vị trí lãnh đạo trong HĐQT Công ty Cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu (Legamex).

Mới đây, Bông Bạch Tuyết cũng công bố tăng số lượng cổ phiếu lưu hành thêm 2,96 triệu cổ phiếu (tăng vốn thêm 29,6 tỉ đồng, nâng vốn điều lệ lên 98 tỉ đồng), sau khi thực hiện phương án chào bán riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu. Phương án tăng vốn này được xác định là nhằm “cứu” công ty thoát lỗ lũy kế.

Tỷ lệ nợ của Bông Bạch Tuyết có sự cải thiện tích cực trong các năm qua, dù dòng tiền vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Vay nợ để trả nợ

Một vấn đề quan trọng với Bông Bạch Tuyết là các khoản công nợ chưa xác định được vẫn còn nằm trên báo cáo. Trong bản báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 (công ty kiểm toán A&C) loại trừ ý kiến kiểm toán do không xác định được rõ đối tượng với khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn có giá trị sổ sách là gần 11 tỉ đồng.

Trong thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản mà Bông Bạch Tuyết được phân loại là “chi không rõ đối tượng”, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2018 được xếp vào nợ quá hạn chưa thanh toán.

Trước đó, theo ý kiến giải trình của Bông Bạch Tuyết cho báo cáo tài chính năm 2018, đây là số dư công nợ không xác định được có từ đầu năm 2009 đến nay.

Nguyên nhân: công ty hoạt động yếu kém trong giai đoạn 2005-2008, việc sản xuất trì trệ, có giai đoạn ngưng sản xuất, nên hạn chế về việc xác nhận số dư với các đối tác.

Bên cạnh đó, cho đến nay Bông Bạch Tuyết vẫn đang phải đi vay mượn để xử lý các khoản nợ quá hạn khác.

Cuối tháng 6 vừa qua, HĐQT Bông Bạch Tuyết đã thông qua việc vay 6 tỉ đồng từ Đầu tư Sài Gòn 3 Capital (công ty muốn tăng tỷ lệ sở hữu ở trên). Khoản vay này có kỳ hạn sáu tháng với lãi suất 10%/năm, nhằm bổ sung vốn lưu động.

Vào tháng 11 năm ngoái, HĐQT cũng thông qua khoản vay 18 tỉ đồng từ Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 để trả khoản nợ quá hạn tại ngân hàng TMCP Maritime, nhằm giải tỏa các quyết định ngăn chặn của Cục Thi hành án dân sự TPHCM.

Tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập năm 1960, Bông Bạch Tuyết chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Ngày nay, Bông Bạch Tuyết chia thành nhiều nhóm hàng sản phẩm, bao gồm chăm sóc cá nhân, trẻ em, phụ nữ, bên cạnh nhóm hàng y tế.

Trong đợt dịch Covid-19, Bông Bạch Tuyết cũng được hưởng lợi nhờ nhóm sản phẩm liên quan đến khẩu trang, vật tư y tế.

Năm 2019, doanh thu thuần của Bông Bạch Tuyết đạt hơn 108 tỉ đồng, tăng gần 17,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 17,4 tỉ đồng, tăng gần 74%.

Tuy doanh thu tăng nhưng trên thực tế, các khoản nợ phải thu, khoản nợ phải trả cũng tăng lên đáng kể. Kết quả là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết vẫn ở mức âm. Cụ thể là âm 4,7 tỉ đồng, nhưng cũng có sự cải thiện tích cực hơn nếu so với con số âm 11,1 tỉ đồng trong năm 2018.

Cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết niêm yết trên sàn Chứng khoán TPHCM vào đầu năm 2004, nhưng đến 2009 thì hủy niêm yết vì không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ thực góp. Đến tháng 6-2018, BBT niêm yết trở lại trên sàn chứng khoán UPCoM.

Hiện cổ phiếu BBT tăng trần liên tiếp trong những ngày qua. Giá cổ phiếu BBT ngày 21-9 đạt 21.200 đồng/cổ phiếu, tăng trần so với phiên trước đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới