Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại học đối thoại đa chiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại học đối thoại đa chiều

Ông Lê Minh Tùng (giữa), Hiệu trưởng Đại học An Giang trao học bổng của Quỹ Saigontimes Foundation cho sinh viên hôm 22-9. Ảnh: Huỳnh Kim.

(TBKTSG) – An Giang là tỉnh duy nhất trong nước mà một phó chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng trường đại học. Đó là ông Lê Minh Tùng, thạc sĩ Đại học Harvard (Mỹ). Tuần rồi, nhân lễ khai giảng năm học 2008–2009, ông đã trao đổi với TBKTSG về vấn đề bức xúc hiện nay – đổi mới giáo dục…

TBKTSG: Tại lễ khai giảng năm học mới, ông có nói nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp đột phá và là ưu tiên hàng đầu của trường Đại học An Giang. Thưa ông, vì sao như vậy?

– Ông LÊ MINH TÙNG: Tuy giáo dục đại học nước ta đã đạt được một số thành tựu nhất định về cải tiến chất lượng, quy mô đào tạo nhưng về cơ bản thì vẫn chưa theo kịp sự thay đổi của tư duy kinh tế và đời sống xã hội.

Giáo dục đại học ở nước ta vẫn còn mang nét đặc trưng của một nền giáo dục nửa đầu thế kỷ 20, với lối truyền thụ kiến thức khá lạc hậu theo kiểu nhồi nhét, quá chú trọng bằng cấp, chưa phát huy được tư duy sáng tạo của người học; còn nặng lề thói hư học hơn là thực học.

Trong khi đó, có hơn 10.000 sinh viên ở khắp ĐBSCL và nhiều tỉnh khác trong nước đang học tại Đại học An Giang với 49 ngành học khác nhau. Nhà trường cũng đang liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với hàng chục đối tác ở trong nước và quốc tế. Như vậy, muốn hội nhập và phát triển, mình phải biết tự đổi mới.

– Vậy Đại học An Giang chọn cách làm ra sao?

– Nâng cao chất lượng giáo dục chính là nâng cao chất lượng của sinh viên để khi ra trường, họ có đủ kiến thức lý thuyết, đủ năng lực thực hành và có cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn.

Vì vậy đổi mới phương pháp dạy và học được xem là giải pháp trọng tâm và mang tính đột phá mà các khoa, bộ môn của Đại học An Giang phải tổ chức thực hiện.

Chúng tôi đổi mới theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, chấm dứt tình trạng dạy học thụ động theo kiểu “đọc – chép”, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như dự giờ, thao giảng, hội thảo, báo cáo chuyên đề, trao đổi các phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa nhận thức của người học.

– Phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

– Phải bắt đầu từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với việc tăng cường đầu tư các thiết bị tin học, chúng tôi sẽ từng bước thực hiện bài giảng điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử cho học tập từng môn, ứng dụng các phần mềm mô phỏng thí nghiệm, xây dựng thư viện bài giảng điện tử, hướng tới triển khai công nghệ học điện tử (e-Learning). Ngoài ra, trường sẽ tăng cường giao lưu trao đổi bài soạn qua mạng; phát huy tính tích cực tự học, tự tìm tòi thông tin qua mạng Internet. Đại học An Giang cũng xây dựng chương trình giảng dạy công nghệ thông tin theo các mô đun kiến thức để đáp ứng nhu cầu học tập một cách mềm dẻo.

– Còn về đổi mới nội dung giảng dạy?

– Không thể đổi mới phương pháp trên nền tảng của một nội dung lạc hậu. Một phương pháp sư phạm tốt nhưng nếu chất lượng nội dung tri thức truyền đạt cho người học quá thấp kém thì hoàn toàn không mang lại hiệu quả về chất lượng. Việc ứng dụng các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại cũng chỉ là một trong các biện pháp thúc đẩy đổi mới công tác giảng dạy, đào tạo, chứ không phải là giải pháp nền tảng. Chúng tôi chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy phải gắn liền với đổi mới nội dung giảng dạy nhằm phát huy sức sáng tạo của sinh viên. Các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đều nhấn mạnh phát triển sức sáng tạo như là mục tiêu của mọi sự đổi mới về nội dung, phương pháp, tổ chức dạy và học.

Chính vì vậy, giải pháp quan trọng ở Đại học An Giang là phải không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ khoa học của người thầy; phải cấu trúc lại các hình thức và tổ chức giảng dạy.

– Là phó chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng một trường đại học ở vùng nông nghiệp ĐBSCL, ông kỳ vọng gì vào lớp sinh viên mà đa phần xuất thân từ nông thôn?

– Tôi tin là ở đâu cũng vậy, tuổi sinh viên là lứa tuổi mà năng lực trí tuệ và tư duy đang phát triển. Tổ chức UNESCO đã xác định bốn trụ cột của giáo dục đào tạo là: học để biết (learning to know), học để làm (learning to do), học để làm người, để tồn tại (learning to be) và học để chung sống, hòa nhập (learning to live together). Nhân lực trong thời đại mới hiện nay, theo tôi, phải là nhân lực có tư duy, có tinh thần lập nghiệp và có kỹ năng tạo nghiệp. Do vậy, người được đào tạo đại học ở Đại học An Giang cũng phải rèn luyện để có đủ bốn năng lực căn bản là sáng tạo, thích nghi, làm việc tập thể và tự học, tự đánh giá để phát triển.

Trong thời gian theo học ở Đại học An Giang, nhà trường chỉ giúp các em trang bị một số kiến thức cơ bản và phương pháp học để phục vụ cho việc phát triển bốn năng lực nói trên.

HUỲNH KIM thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới