Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đài Loan: Điểm nóng cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đài Loan: Điểm nóng cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung mới

Lạc Diệp

(TBKTSG) – Sau cú vấp ngã của Intel, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang ngày càng phụ thuộc vào TSMC – một công ty Đài Loan. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng đang phải cố gắng ứng phó với những mối đe dọa từ cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ – Trung.

Đài Loan: Điểm nóng cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung mới
TSMC có thể trở thành điểm nóng mới của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Tâm điểm chú ý của ngành công nghiệp bán dẫn

Hôm 23-7, giám đốc điều hành của hãng sản xuất chip Intel (Mỹ) khiến tất cả phải choáng váng khi thông báo Intel đang có ý định ngừng sản xuất chip hoàn toàn, thay vào đó sẽ thuê bên thứ ba. Báo cáo doanh thu quí 2-2020 của Intel cũng cho thấy những thông tin không mấy tích cực. Theo đó, sản phẩm chip 7 nanomet của tập đoàn sẽ phải dời ngày sản xuất lại khoảng sáu tháng so với thời điểm dự kiến trước đó là cuối năm 2021.

Theo CNN, hoạt động sản xuất các loại chip tiên tiến là rất hiếm và được thực hiện chuyên biệt hóa, bởi nó đòi hỏi chi phí cực kỳ tốn kém để có thể duy trì cạnh tranh ở mức cao nhất. Các loại chip tiên tiến là những loại chip có thể lưu trữ và xử lý nhiều thông tin hơn. Trên thế giới hiện chỉ có ba công ty có thể sản xuất các loại chip tiên tiến nhất là TSMC (Đài Loan), Intel và tập đoàn Samsung của Hàn Quốc.

Nếu thực sự ngừng việc tự sản xuất chip, Intel gần như chắc chắn sẽ phải tìm đến sự trợ giúp của TSMC, bởi Samsung dù cũng đang sản xuất chip 7 nanomet nhưng lại có quy mô nhỏ hơn nhiều so với đối thủ Đài Loan.

Bước lùi của Intel ngay lập tức đã mang lại những tín hiệu tích cực cho TSMC. Cổ phiếu của hãng đã tăng kịch trần 10% trong phiên giao dịch đầu tuần trước và liên tục thiết lập các kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Đài Loan, ngay sau khi tờ Thời báo Thương mại có trụ sở tại Đài Bắc cho biết Intel đã đặt hàng TSMC loại chip 6 nanomet trong năm tới.

Những nỗ lực làm hài lòng giới chức Mỹ

Tuy nhiên, thành công hiện tại của TSMC cũng như vị trí nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới đang khiến công ty này trở thành một doanh nghiệp cực kỳ quan trọng trong một thời điểm nhạy cảm. Mỹ và Trung Quốc đang trong cuộc đua xem ai có thể phát triển nhanh hơn các công nghệ của tương lai. Và cả hai cường quốc này đều đang có quan hệ đối tác chặt chẽ với TSMC để mua các loại chip cần thiết cho các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, 5G và điện toán đám mây.

Mặc dù là một công ty Đài Loan, TSMC phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ Mỹ để sản xuất chip. Bộ Thương mại Mỹ cho biết TSCM và các nhà sản xuất chip khác sử dụng công nghệ Mỹ cần phải xin giấy phép để có thể xuất khẩu sản phẩm cho Huawei và chi nhánh chuyên về sản xuất chip của hãng này là HiSilicon. Các đơn xin giấy phép này nhiều khả năng sẽ bị từ chối, bởi Washington đang muốn loại Huawei khỏi mạng lưới 5G toàn cầu.

Hồi đầu năm nay, hãng đã trấn an Washington khi cho biết đang xây dựng một cơ sở sản xuất trị giá 12 tỉ đô la Mỹ ở bang Arizona, nơi có thể sản xuất chip 5 nanomet vào năm 2024. Tuyên bố này được coi là một thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Donald Trump, người luôn muốn tăng cường khả năng sản xuất chip tiên tiến tại Mỹ, nhằm đảm bảo nguồn cung ứng chip sử dụng trong lĩnh vực quân sự cũng như các ứng dụng dân sự nhạy cảm.

Trung Quốc nổi giận

Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm củng cố quan hệ và giúp Washington tăng cường khả năng sản xuất chip của TSMC có thể khiến Bắc Kinh cảm thấy không hài lòng.

Trong suốt hai thập kỷ qua, Đài Loan đã chia sẻ một số bí quyết kỹ thuật về sản xuất chip với Trung Quốc. Hàng trăm ngàn kỹ sư Đài Loan đã đến đại lục để giúp Trung Quốc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nội địa, và nhờ đó, đạt được những bước tiến mạnh mẽ.

Tuy vậy, ngay cả khi có thêm sự hỗ trợ lớn từ chính phủ, chất bán dẫn vẫn là nút thắt cổ chai về công nghệ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. SMIC – nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc bị đánh giá là đang tụt hậu từ 3-5 năm so với các doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp bán dẫn như Intel, Samsung và TSMC. Hãng hiện vẫn đang sản xuất chip 10 nanomet, trong khi các doanh nghiệp hàng đầu khác đã bắt đầu sản xuất chip 7 nanomet và hướng tới việc sản xuất các loại chip 5 nanomet, thậm chí là 3 nanomet.

Hiện tại, SMIC cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi Mỹ gây sức ép với Hà Lan để ngăn công ty ASML của nước này bán thiết bị EUV cho SMIC. Công nghệ này mặc dù được thiết kế bởi ASML nhưng lại sử dụng một lượng lớn tài sản trí tuệ của Mỹ. Sự chậm trễ này được dự báo có thể đẩy lùi hoạt động sản xuất các loại chip tiên tiến nhất của SMIC xuống sau năm 2023, đồng nghĩa với nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, những gì giới chức Trung Quốc có thể làm chính là cố gắng thuyết phục TSMC xây dựng một nhà máy cao cấp tại đại lục. Các nhà máy TSMC hiện tại ở Nam Kinh hay Thượng Hải dù được đầu tư tới hàng tỉ đô la đều đang sử dụng các công nghệ kém tiên tiến hơn.

Theo nghiên cứu của Counterpoint Research, các cơ sở tiên tiến nhất của TSMC đều đang đặt tại Đài Loan, còn nhà máy tại bang Arizona, Mỹ sẽ là cơ sở sản xuất quy mô lớn và tiên tiến đầu tiên tại nước ngoài. Vì vậy, Bắc Kinh hoàn toàn có thể lập luận rằng nếu TSMC sẵn sàng xây dựng các cơ sở tiên tiến tại Arizona, hãng cũng nên làm điều đó tại Trung Quốc.

Điều này có thể đặt TSMC trước bài toán khó, liệu có nên chấp nhận chi hàng tỉ đô la để làm hài lòng giới chức Trung Quốc để rồi phải đối mặt với những sức ép gia tăng từ Washington? Giới chuyên gia lo ngại trong trường hợp câu trả lời là không, Bắc Kinh có thể tiến hành các động thái trả đũa khiến thị trường rơi vào tình cảnh hỗn loạn, bởi Đài Loan hiện là nhà xuất khẩu hàng đầu về thiết bị bán dẫn, còn TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Các công ty như Apple, Amazon, Qualcomm và Nvidia mặc dù đều có thể thiết kế chip tiên tiến, nhưng không có năng lực sản xuất như TSMC. Ngay cả Intel – công ty có thể thiết kế và tự sản xuất thiết bị bán dẫn của mình, cũng đang phải tìm tới sự trợ giúp từ TSMC.

Ông Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group, cho hay Đài Loan đã lo ngại về khả năng Bắc Kinh quốc hữu hóa các nhà máy TSMC tại Nam Kinh và Thượng Hải. Mặc dù vậy, ông cũng cho biết việc này không dễ xảy ra bởi “Đây sẽ là một sự leo thang căng thẳng lớn, và tác động mạnh đến cộng đồng doanh nghiệp. Không rõ điều này sẽ mang lại điều gì cho Bắc Kinh ngoài những yếu tố tiêu cực”. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới