Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Đại lý tàu biển trước biến động tỷ giá

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Đại lý tàu biển trước biến động tỷ giá

(TBKTSG) – Các doanh nghiệp làm đại lý cho các hãng tàu biển đang chịu thiệt vì tỷ giá đô la Mỹ so với tiền đồng trên thị trường tự do gần đây tăng cao. Một đại lý tàu biển cho biết, trong tháng 5-2008, 1,7 tỉ đồng của doanh nghiệp này đã “không cánh mà bay” chỉ vì tỷ giá.

Thật ra, công việc chính của các đại lý tàu biển là “thu giùm, chi hộ” cho các hãng tàu. Trên lý thuyết, các đại lý không chịu tác động bởi tỷ giá vì các đại lý có thể thu cước phí của khách hàng bằng đô la Mỹ để chuyển cho hãng tàu. Nhưng phần lớn khách hàng của các đại lý là doanh nghiệp trong nước, họ thường trả cước phí bằng đồng Việt Nam, quy đổi ra đô la Mỹ theo tỷ giá liên ngân hàng.

Chính sự chênh lệch tỷ giá khiến các đại lý tàu biển thua lỗ. Vì khi các đại lý thu tiền cước phí của khách hàng bằng đô la Mỹ quy đổi ra tiền đồng, theo quy định hiện tại, họ chỉ được áp tỷ giá bình quân liên ngân hàng (1 đô la Mỹ = 16.139 đồng và Ngân hàng Nhà nước vừa nâng lên 16.461 đồng); nhưng khi các đại lý dùng tiền đồng để mua đô la Mỹ trả cho hãng tàu thì họ phải mua với tỷ giá của thị trường tự do (17.500 đồng thậm chí cao hơn).

Gần đây, do tỷ giá đô la Mỹ so với tiền đồng trên thị trường tự do tăng cao nên các ngân hàng bán đô la Mỹ cho các hãng tàu bằng cách: quy đổi tiền đồng qua euro, sau đó đổi euro ra đô la Mỹ.

Như vậy, vô hình trung khoản “phí quy đổi ngoại tệ” đổ lên đầu các đại lý tàu biển. Có lẽ không thể chịu nổi với khoảng chênh lệch tỷ giá, nên đầu tuần này, một số đại lý tàu biển đã gởi thông báo đến khách hàng của mình, với mong muốn được áp dụng tỷ giá tự do trong thanh toán.

Công ty liên doanh MSC Việt Nam lấy lý do tình hình tỷ giá đồng Việt Nam với đô la Mỹ trên thị trường có sự biến động – ảnh hưởng đến hoạt động thu – trả cước vận tải biển, nên có các điều chỉnh liên quan đến cước tàu như: “Cước vận tải biển và các phụ phí, cũng như chi phí chiếm dụng/lưu container phải được thanh toán bằng đô la Mỹ”, “Trường hợp chi trả bằng tiền mặt tại quầy, đề nghị quý khách liên hệ với chúng tôi để thỏa thuận mức tỷ giá phù hợp”…

Công ty Heung – A Shipping Việt Nam đã gửi thông báo đến khách hàng: “Đề nghị quý khách thanh toán những khoản tiền cước vận chuyển và các phụ phí bằng đô la Mỹ. Trong trường hợp thanh toán bằng Việt Nam đồng, chúng tôi xin được quy đổi theo tỷ giá của thị trường tự do của ngày thanh toán”.

Thế nhưng việc áp tỷ giá đô la Mỹ so với tiền đồng theo giá thị trường trong thanh toán mà các đại lý tàu biển này áp đặt cho khách hàng như trên là trái với các quy định của pháp luật, theo Luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn.

Theo Thông tư 77/1998/TT-BTT (hướng dẫn tỷ giá quy đổi ngoại tệ) thì: “Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nếu được Bộ Tài chính chấp thuận cho sử dụng đơn vị tiền tệ nước ngoài để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính thì các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng đồng Việt Nam được quy đổi ra đơn vị tiền tệ nước ngoài theo tỷ giá mua bán thực tế bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố”.

Như vậy, việc đòi áp tỷ giá tự do trong thanh toán của một số đại lý tàu biển là trái luật. Thế nhưng, từ trường hợp này và có thể những trường hợp tương tự khác, cũng thấy rằng, cần điều chỉnh sao cho sự chênh lệch giữa tỷ giá liên ngân hàng với tỷ giá thực tế trên thị trường tự do đừng quá xa.

QUANG CHUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới